Camera hành trình, có thể chấm dứt giấc mơ vượt khó của doanh nghiệp vận tải du lịch
Ngành vận tải chưa thể phục hồi
Nhận định một cách công bằng, mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Chỉ là nhiều hay ít, còn tồn tại hay đã phá sản. Tuy nhiên, so với đại đa số ngành nghề thì vận tải là một trong những loại hình dịch vụ đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Vậy thì bài toán nào có thể giải được trước tình hình thực tiễn hiện nay?
Mỗi năm, ngành vận tải đóng góp rất lớn cho nền kinh tế xã hội của đất nước. Thông qua vận tải, con người cho phép bản thân đến nơi mình muốn, làm những việc mình thích, kết giao bạn bè, kết nối công việc làm ăn… Không có giao thông vận tải, du lịch không thể phát triển và giao lưu quốc tế sẽ là giấc mơ không có thật. Trong một diễn đàn kinh tế phát sóng ngày 04/12/2021 của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia đã nhận định: Du lịch và Vận tải là hai ngành nghề khó khăn nhất hiện nay, chưa có dấu hiệu phục hồi. Trải qua 4 đợt giãn cách, các doanh nghiệp đã kiệt quệ bởi hàng loạt ảnh hưởng kéo dài. Tuy nhiên, để khôi phục lại nền kinh tế, Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 thích ứng linh hoạt an toàn với dịch bệnh sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận hành trở lại. Cho dù vậy, thời gian để doanh nghiệp phục hồi cũng được tính bằng nửa chặng đường họ đã trải qua và cũng chưa thể đánh giá dịch sẽ còn tiến triển đến đâu khi trong bối cảnh thực tế, biến chủng mới xuất hiện, các ca lây nhiễm tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành đang diễn biến phức tạp và ngày một tăng cao. Các doanh nghiệp như hành khách vận tải, doanh nghiệp lữ hành, vận tải du lịch đang đứng trên bờ vực phá sản bởi không có doanh thu nhưng vẫn phải trả rất nhiều các khoản phí.
Cũng trong cuộc trò truyện này, ông Đỗ Văn Bằng, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp lên tiếng: Các doanh nghiệp vận tải luôn đồng hành cùng du lịch lữ hành và du lịch dịch vụ, khi mà du lịch dịch vụ bị ảnh hưởng thì ngành vận tải cũng giảm sút nghiêm trọng. Thông qua các chỉ số hay đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các nhà nhận định hoặc của chính các doanh nghiệp thì tới thời điểm hiện tại, những khó khăn, thách thức đang dần đánh sập ngành vận tải. Nói đơn cử, ngành vận tải du lịch là mắt xích quan trọng của ngành du lịch nhưng hiện tại sự đứt gãy của ngành du lịch đã làm cho bức tranh về vận tải du lịch chưa thể khởi sắc. Tới đây, vấn đề đặt ra rằng, bài toán nào có thể giải được cho ngành vận tải nói chung, vận tải du lịch nói riêng để tháo gỡ những nút thắt còn đang hiện diện là một sự thực cay đắng, một ngành từng đóng góp rất lớn cho GDP của đất nước nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mực.
Khó khăn đã chồng chất thì mới đây, ngành vận tải, đặc biệt là vận tải du lịch tiếp tục đón nhận thông tin về việc lắp camera hành trình. Qua đó, Chính phủ yêu cầu tất cả các xe khách trên 9 chỗ ngồi, xe đầu kéo, công ten nơ… phải hoàn thành lắp camera hành trình trước ngày 31/12/2021. Nếu doanh nghiệp nằm trong diện này không thực hiện, sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi được đặt ra: Lắp camera hành trình liệu đã phù hợp?
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký gửi Bộ CA, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW về việc triển khai NQ số 66/NQ – CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại NĐ số 10/2020/NĐ – CP. Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nằm trong mục được nêu phải hoàn thành lắp camera đúng dự kiến. Tức hạn chót ngày 31/12/2021. Nếu những doanh nghiệp thuộc diện phải lắp camera không thực hiện đúng thời hạn thì các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện, đồng thời xử phạt doanh nghiệp vi phạm khi tham gia giao thông, cụ thể theo từng mức, áp dụng từ lái xe cho đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Mức phạt sẽ dao động từ 2 đến 12 triệu đồng tương ứng với từng đối tượng.
Ngoài ra, tiêu chí để lắp camera phải đạt tiêu chuẩn 13396 do Bộ KHCN ban hành tiêu chuẩn quốc gia ngày 4/11/2021 là một thiết bị tích hợp camera và thiết bị giám sát hành trình CN 46 trở lên, phù hợp với NĐ 10, TT 12 và nhiều văn bản khác. Tuy nhiên, việc nhất thiết phải lắp camera hành trình liệu có cần kíp và phù hợp? Nhất là trong giai đoạn các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là vận tải du lịch vẫn còn đang thoi thóp, chưa biết vực dậy bằng cách nào. Điều này, buộc các doanh nghiệp ngành vận tải du lịch phải lên tiếng.
Cộng đồng doanh nghiệp vận tải du lịch đồng loạt kiến nghị
Trao đổi với PV, ông Lê Công Hải, Giám đốc Công ty CP vận tải Hải Thiên cho rằng” việc lắp camera hành trình đối với riêng ngành vận tải du lịch vào thời điểm này là chưa phù hợp, không chỉ tăng gánh nặng tài chính cho đơn vị mà còn gây lãng phí ”. Theo đó, doanh nghiệp của ông có tất cả 45 đầu xe, toàn bộ đều thuộc dòng xe 45 ghế. Khi dịch bệnh kéo đến, ông chưa từng nghĩ với một doanh nghiệp có số lượng xe không hề nhỏ với cả trăm nhân viên đã từng hoạt động hết công suất mà có một ngày, ngậm ngùi buộc phải dừng toàn bộ hoạt động. Cả Ban lãnh đạo và kỹ thuật còn lại 5 nhân sự. Ông vẫn còn mơ hồ khi thực tế bản thân đã phải “ bán đi một số chiếc xe, bán cả đất, cắm cả nhà và giờ là đi vay lãi khắp nơi để gồng gánh cho đủ mọi khoản phí từ lãi ngân hàng, phí đường bộ, phí bảo trì thiết bị, bến bãi… “ông cũng như tất cả các doanh nghiệp vận tải du lịch khác hy vọng trong thời gian tới, nghành vận tải du lịch sẽ sớm được khôi phục.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến xấu, doanh nghiệp chưa biết phải tính toán thế nào thì bây giờ lại thêm quyết định của CP yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải lắp camera trước ngày 31/12/2021. Ông cho rằng, “quyết định này chưa phù hợp. Đành rằng, lắp camera rất tốt nhưng trong hoàn cảnh doanh nghiệp đang khốn đốn, chưa có thời gian khắc phục hậu quả dịch bệnh sau một thời gian dài…” Chưa kể, việc lắp camera phát sinh rất nhiều chi phí, tiền duy trì gói cam, tiền 3g,4g, chi phí sản phẩm, tiền mua máy tính, thuê thêm nhân viên để phục vụ cho việc theo dõi camera. Bên cạnh những bất cập nêu trên thì trong thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội cũng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và đưa ra các gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng những bất cập trong quá trình thực hiện khiến cho doanh nghiệp đến tận giờ vẫn chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ nào ngoài mục giảm 30% thuế. Riêng công ty của ông không doanh thu nên có giảm 100% thuế cũng không hề giá trị, chỉ lợi ích cho những đơn vị còn hoạt động mà thôi.
Với hàng loạt khó khăn nêu trên thì việc giảm 30% thuế doanh nghiệp cũng không thấm tháp vào đâu. Doanh nghiệp vẫn phải nộp đủ 70% thuế, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm, phí đường bộ… không đi vẫn phải đóng. Có lẽ, Chính phủ chưa hiểu hết, trong tất cả các loại hình vận tải thì vận tải du lịch chịu nhiều ảnh hưởng nhất, khó khăn nhất và cũng phải cõng nhiều khoản phí nhất. Bởi vậy, để các đơn vị trong ngành sống được, Chính phủ cần có hỗ trợ với mức phù hợp.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Dũng cho hay. Năm 2019, chị có 15 đầu xe với khoảng trên 20 nhân viên, doanh thu 2019 là 12 tỷ. Năm 2020 giảm 30% và cho đến bây giờ thì không có doanh thu. Theo chị “vận tải du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên nhưng lại đang khôi phục cuối cùng. Chính phủ kích cầu du lịch nhưng do dịch bệnh nên người dân không đi, các doanh nghiệp còn đang lo khắc phục kinh tế, lấy đâu tiền cho nhân viên đi chơi”. Từ tháng 3 năm 2021, chị còn nhập thêm xe với hy vọng sẽ tiếp lửa cho hành trình mới nhưng ai ngờ chỉ sau một tháng dịch bùng phát rồi nghỉ luôn từ cuối tháng 4 đến giờ và cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc vì không thể trụ thêm nữa. Ngoài ra, khi không có khách, chị còn phải cho xe chạy lòng vòng khắp Hà Nội để vận hành máy. Thi thoảng có một lượt khách, họ chỉ yêu cầu xe 29 chỗ, chị điều hẳn xe 45 chỗ chạy thay cho xe đỡ hỏng. Bên cạnh đó, một năm xe không chạy, chị vẫn đi đăng kiểm hai lần chỉ để phục vụ cho việc nổ máy.” Khó khăn lớn tới mức như vậy mà bây giờ phải lắp thêm camera thì đơn vị của chúng tôi còn nước phá sản, không thể thực hiện được yêu cầu của Chính phủ”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, phó Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nêu ý kiến “camera hành trình là một trong những xâu chuỗi kết nối công nghệ để giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp và nâng cao biện pháp quản lý Nhà nước. Về mặt chủ chương là tốt. Tuy nhiên, ngành vận tải đang ngừng trệ. Thay vì lắp camera, doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí đó vào khôi phục sản xuất sẽ là biện pháp đúng đắn, vừa giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, vừa tránh lãng phí trong thời điểm chưa thực sự cần thiết”. Ngoài ra, các doanh nghiệp mong mỏi thuế phí Chính phủ nên nâng hình thức hoãn giãn thành miễn, miễn phí bảo trì đường bộ, miễn bảo hiểm xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp cho vay bằng tín chấp, các chính sách thì tháo gỡ bớt rào cản để giúp cho doanh nghiệp vượt khó. Bên cạnh đó, các ngân hàng khi cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp thì phải trích lập quỹ dự phòng. Lúc này nên có những biện pháp thiết thực để cứu sống doanh nghiệp. Đó là việc cấp bách trong tình hình thực tại.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành vận tải du lịch, bà Hoàng Thám Hoa – Chủ tịch tập đoàn Nhân Hòa cho biết: “Thay mặt cho hơn 3.000 doanh nghiệp vận tải du lịch, tôi đã gửi đơn kiến nghị đến Chính phủ, mong mỏi được lùi thời hạn lắp camera ít nhất một năm để doanh nghiệp chúng tôi có đủ thời gian ứng biến với hệ quả của dịch bệnh”. Đó cũng là ước nguyện chung của tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch.
Câu chuyện bán ba chiếc xe không mua nổi một miếng đất hay một chiếc xe 45 chỗ “Xịn xò” trước đây có giá xấp xỉ 4 tỷ nhưng nay rao bán chỉ còn một tỷ đồng mà không có khách mua. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng lại là thực tế chua chát của những đơn vị kinh doanh vận tải du lịch. Họ đang cố gắng vùng vẫy, đang kêu cứu thảm thiết để mong nhận được sự đồng cảm. Thay vì áp dụng những doanh nghiệp chưa phù hợp, Chính phủ, Nhà nước nên chăng xem xét lại để có bước đi đúng đắn, kịp thời và thiết thực để cho doanh nghiệp ngành vận tải nói chung, vận tải du lịch nói riêng được tiếp lửa, tin tưởng tuyệt đối vào chính sách của Đảng, Nhà nước. Vững bước trên con đường phía trước dù còn nhiều trông gai.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu