Cẩm Phả (Quảng Ninh): Những tòa biệt thự không “sổ đỏ”, nỗi oan trái
(Xây dựng) – Gần đây dư luận cộm lên vấn đề ở mặt tiền vịnh Bái Tử Long, thuộc tổ 1 Khu Cao Sơn I, phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả, nhiều tòa biệt thự mọc lên trái phép khiến người ở xa lo ngại địa phương này buông lỏng quản lý trật tự đô thị. Nhưng người dân sinh sống lâu năm ở đây lại có ý kiến khác, cho rằng vấn đề này còn nhiều oan trái.
Làng thợ mỏ nay đổi mới nhà cao cửa rộng khang trang, khác với lán thợ ổ chuột thời Pháp thuộc. |
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng thực tế địa bàn, gặp ông Đỗ Hữu P chủ nhân của một tòa biệt thự không “sổ đỏ” này (nguyên là công nhân công trường khai thác I, mỏ than Cao Sơn) bức xúc cho biết: Nhà mình vừa tháo dỡ căn nhà cấp 4 xây dựng cách đây đã 15 năm, trên ô đất 270,4m2 được mỏ chia cho đàng hoàng khi đã đóng góp đủ số tiền xây dựng hạ tầng với mỏ. Đất của mình không ai tranh chấp, nay căn nhà cũ đổ nát phá đi xây lại khang trang hơn; về mật độ xây dựng, chỉ giới xây dựng và chiều cao công trình đúng như bản đồ Quy hoạch 1/500 của thành phố cho dự án này, vậy mà bỗng nhiên UBND phường đến phạt vi phạm hành chính, vì xây dựng công trình trái phép.
Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Sơn, Nguyễn Văn Huế chia sẻ: Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với các công trình xây dựng không được cấp thẩm quyền cấp phép là việc làm cần thiết của chính quyền và đúng pháp luật. Mặc dù thâm tâm thì cũng áy náy, bởi người dân đã sinh sống ổn định trên đất này gần hai thập kỷ mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ). Đất không có Bìa đỏ, đương nghiên công trình xây dựng trên thổ đất ấy không được cấp giấy phép xây dựng.
Những tòa biệt thự không “sổ đỏ” này thuộc tổ 1 Khu Cao Sơn I, người dân ở đây vẫn quen miệng gọi là làng mỏ Cao Sơn. Bởi tên dự án và nguồn gốc đất do Công ty Cổ phần than Cao Sơn (mỏ Cao Sơn) tận dụng đất đá thải mỏ đổ xuống khu bãi triều sình lầy, tôn nền tạo quỹ đất cấp cho công nhân tự xây nhà ở, trên tinh thần cùng nhau góp vốn, chi phí xây dựng hạ tầng bổ đầu theo m2 được cấp, không có lợi nhuận kinh doanh hạ tầng. Đối tượng được cấp đất là công nhân trong mỏ được bình xét từ cấp tổ sản xuất, đến Hội đồng phê duyệt do Công đoàn mỏ chủ trì. Người được phân phối đất, đóng đủ tiền thì được cắm mốc chia đất tự xây nhà ở. Ai khó khăn được Công đoàn hỗ trợ một phần vật liệu xây dựng, theo tinh thần “mái ấm công đoàn”. Nhà tự xây gần hai thập kỷ cứ thế mà ở, ai ngờ cơ chế quản lý đô thị mỗi ngày một khác, nay không có sổ đỏ không được chuyển nhượng, không cầm cố vay nợ tín dụng được, xây sửa nhà cửa không phép phải luồn cúi như kẻ vụng trộm.
Trao đổi với Phó Giám đốc mỏ Cao Sơn Nguyễn Văn Sinh, vốn là chỗ thân tình cùng hoạt động nghệ thuật, vào đầu câu chuyện ông chia sẻ bằng một câu văn nghệ hài hước “làng mỏ không bìa đỏ chỉ vì hai chữ Kinh doanh”. Rồi ông Nguyễn Văn Sinh lần lượt đưa ra các văn bản gồm: Quyết định số 2345/QĐ-UB, ngày 21/7/2003 về phê duyệt địa điểm công trình làng công nhân mỏ Cao Sơn; Quyết định số 3105, ngày 08/9/2004 của UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng – Kinh doanh hạ tầng khu làng mỏ Cao Sơn; Biên bản bàn giao, tiếp nhận các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của Dự án đầu tư xây dựng – Kinh doanh hạ tầng khu làng mỏ Cao Sơn giữa mỏ với UBND thành phố Cẩm Phả; và nhiều tài liệu, văn bản liên quan đến Dự án này.
Mới nhất là Văn bản số 2783/TCS-ĐM, ngày 05/4/2021 của mỏ Cao Sơn gửi UBND thành phố Cẩm Phả, đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho khu làng mỏ chưa được cấp Bìa đỏ. Văn bản này nêu dự án thực hiện theo Quyết định phê duyệt số 3105/QĐ-UB ngày 08/9/2004 của UBND tỉnh và Quy hoạch tỷ lệ 1/500 UBND tỉnh phê duyệt ngày 30/07/2004 quy mô rộng 128.081m2, bao gồm đất xây dựng nhà ở sân vườn là 18.951m2, chiếm tỷ lệ 14,8%, còn lại phần lớn là đất giao thông, cây xanh, hồ sinh thái, khu trung tâm thể thao và các công trình công cộng. Quỹ đất ở chia làm 5 khu, kẻ ô bàn cờ giao thông nội bộ thoáng rộng với 80 ô đất nhà ở diện tích mỗi ô từ 180 đến 270m2.
Ngày 19/12/2014, thành phố Cẩm Phả có văn bản xác nhận hoàn thành khối lượng xây lắp công trình, mỏ Cao Sơn đã thực hiện quyết toán theo hướng dẫn của Sở Tài chính, tức là đã hoàn thành các khoản tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước. Nhưng 80 hộ thợ mỏ được cấp đất ở đây sinh sống bao năm nay vẫn chưa được cấp Quyền sử dụng đất.
Đằng sau các căn biệt thự không Bìa đỏ xây dựng dễ phát sinh tham nhũng, ngân sách lại thất thu thuế nhà đất. |
Các văn bản trên giấy thể hiện vậy, còn trên thực tế thì cách đây 20 năm đất này còn hoang vu, bãi triều sình lầy, mỏ than Cao Sơn là đơn vị có bước đột phá, xin chủ trương của tỉnh dùng đất đá bãi thải tôn nền tạo quỹ đất ở cho thợ mỏ. “Nhất cử lưỡng tiện”, vừa giải quyết được vấn đề môi trường thanh thải trong khai khoáng, vừa có đất cấp cho công nhân tự làm nhà ở “an cư lập nghiệp”. Một mô hình làng công nhân văn hóa mới tiêu biểu trong toàn quốc. Bí thư Đảng ủy mỏ Nguyễn Duyệt; Giám đốc Lê Đình Trưởng, người khởi xướng ra làng mỏ được công nhân vô cùng biết ơn, suy tôn như “Tiên Công” mở đất. Làng mỏ Cao Sơn từng đài nói, báo đăng danh nổi như cồn.
Nhưng làng mỏ hình thành theo kiểu dùng sức dân khai hoang lấn biển, tiền đóng gạo góp của công nhân thu được đến đâu hùn vào vượt thổ đến đấy. Có những trường hợp đất vừa tôn nền vượt được mớn nước triều, công nhân đã vội dựng nhà tạm để giải quyết chỗ ở. Sự “một năm làm nhà ba năm làm cửa”, đường sá còn tắt trên đất ngổn ngang công trường… Làng mỏ nhẩn nha hình thành, có khi hạng mục làm trước đã hư hỏng hạng mục sau mới thi công đến, như hệ thống điện chẳng hạn phải làm đến hai lần.
Dự án triển khai chậm, không theo kịp sự thay đổi về cơ chế chính sách quản lý đất đai xây dựng, dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Cụ thể, mặc dù hạ tầng làng mỏ đầu tư xây dựng không tính toán lỗ lãi, đất nền bổ đầu người sử dụng đóng góp theo thực chi xây dựng. Nhưng có thu tiền góp vốn đầu tư thì phát sinh vấn đề kinh tế, mà kinh tế thì phải quản lý theo cơ chế kinh doanh hạ tầng.
Ngày 08/08/2018, Chính phủ có Nghị định số 105/2018/NĐ-CP, trước đó ngày 07/02/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 314/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) về điều lệ tổ chức và hoạt động của TKV… Các văn bản của Chính phủ quy định TKV không có ngành nghề kinh doanh hạ tầng (bất động sản), mà Dự án làng mỏ lại danh định là Dự án đầu tư xây dựng – Kinh doanh hạ tầng khu làng công nhân mỏ.
Thật trớ trêu hai chữ Kinh doanh vô tình là nút thắt dẫn đến sự phiền toái 17 năm qua 5 đời giám đốc mỏ Cao Sơn mà 80 hộ gia đình công nhân ở đây không được cấp “Bìa đỏ”, bởi mỏ Cao Sơn không có chức năng kinh doanh bất động sản. Mỏ Cao Sơn và UBND thành phố Cẩm Phả đã chạy đôn chạy đáo tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt này, như ngày 05/06/2020 mỏ Cao Sơn đã đánh liều có Văn bản số 2860/TCS-HĐQT, xin TKV cho bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, nhưng đương nhiên là không được vì Chính phủ đã định danh nghề mỏ cho TKV.
Ngày 08/12/2020, UBND tỉnh có Văn bản số 8364/UBND-QL-DD1 giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Cẩm Phả và mỏ than Cao Sơn giải quyết vướng mắc trong việc cấp Bìa đỏ có 80 hộ dân ở đây. Từ đó đến nay vẫn chưa có kết quả, chung quy lỗi do hai con chữ Kinh doanh mà ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc mỏ hài hước nói ra cũng có lý.
Vì hai chữ Kinh doanh, mỏ than Cao Sơn không có chức năng kinh doanh bất động sản mới ra nông nỗi cả làng thợ mỏ 80 hộ không có Bìa đỏ. Không Bìa đỏ đương nhiên xây dựng công trình trên đất ấy là trái phép. Nay xã hội tiến bộ phần nhiều trong số 80 hộ ở làng mỏ Cao Sơn xây nhà cao 4 tầng kiên cố, khang trang có sân vườn.
Nguồn gốc làng mỏ Cao Sơn được vượt thổ, tôn nền bằng đất thải mỏ. |
Quảng Ninh cũng còn tồn tại một số cụm dân cư gia đình thợ mỏ lập nghiệp trên thổ đất có nguồn gốc phát sinh từ bãi xỉ than, bãi thải mỏ… Một thời khai trường mở đến đâu thợ mỏ theo chân định cư đến đấy, nhiều hộ gia đình thợ mỏ cũng lâm cảnh tương tự như cảnh làng mỏ Cao Sơn, nhà cửa trên đất không có Bìa đỏ.
Những tòa nhà biệt thự không “Bìa đỏ” bên bờ vịnh Bái Tử Long này còn nhiều oan trái.
Nguồn: Báo xây dựng