Cải tiến năng suất tổng thể: Nhìn lại những mô hình điểm

Mô hình nâng cao năng suất tổng thể thời gian đầu triển khai được áp dụng cho từng doanh nghiệp. Theo chuyên gia, sẽ dựa trên 4 trụ cột: Phát triển tổ chức định hướng khách hàng; áp dụng và liên tục cải tiến công nghệ; quản lý theo quá trình; không ngừng giảm thiểu lãng phí.

Thông qua 4 trụ cột của mô hình TPM, nhiều doanh nghiệp đã nhận diện được lãng phí trong sản xuất. TPM cũng giúp doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, năng suất doanh nghiệp tăng từ 20-23% trở lên nhờ đồng bộ đổi mới công nghệ và hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, cải thiện sự hài lòng của khách hàng.

Cải tiến năng suất tổng thể: Nhìn lại những mô hình điểm

 Sự thành công khi áp dụng TPM đã giúp các doanh nghiệp tăng năng suất tối đa.

Có thể kể đến các doanh nghiệp đã triển khai TPM thành công như: Công ty TOMECO An Khang, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ, Công ty TNHH Quang Quân…

Trong đó, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ tham gia triển khai mô hình TPM đã giải quyết dứt điểm những sự cố “nan giải” của máy móc. Cụ thể, thời gian đầu triển khai, nhóm giảm lỗi kẹt vòng da máy con số 1 từ 27 lần kẹt/tháng xuống còn 5 lần/tháng; Kết quả cuối cùng, đã giảm được 96% số sự cố kẹt vòng da xảy ra tại máy con.

Bên cạnh đó, bằng việc tăng cường hoạt động cải tiến theo nhóm, các thành viên trong Ban TPM của Công ty TNHH Dệt Phú Thọ đã được đào tạo và thực hành phương pháp phân tích, cải tiến, nhằm nâng cao hiệu suất thiết bị tổng thể của cả dây chuyền. Qua đó, nhân viên được nâng cao tính chủ động, khả năng trình bày, tinh thần làm việc nhóm và hơn hết, sự hợp tác công việc giữa các bộ phận trước đây và bây giờ đã có sự cải thiện đáng kể. Với kết quả đạt được, nỗ lực của cả nhóm, hệ thống máy móc trong Công ty được cải tiến đáng ghi nhận.

Cải tiến năng suất tổng thể: Nhìn lại những mô hình điểm

 Với xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ mới, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các hoạt động cải tiến, quản trị thông qua ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là bước tiến lớn. 

Cũng như Công ty TNHH Dệt Phú Thọ, Công ty cổ phần cơ điện TOMECO An Khang đã triển khai TPM rất thành công. Để trở thành vệ tinh công nghiệp hỗ trợ trong tương lai, từ nhiều năm qua, Công ty đã triển khai nhiều hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 5801:2007, các công cụ LEAN, 5S; tham gia nhiều dự án của JICA, WB… nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý và nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, theo đánh giá của doanh nghiệp, các biện pháp đều chưa thực sự hiệu quả.

Trước đây, Công ty đầu tư khá mạnh để đổi mới công nghệ, mua sắm trang thiết bị hiện đại nhưng Công ty chỉ sản xuất được được 60-70% năng lực theo thiết kế. Tỷ lệ giao hàng đúng hạn là 60%. Nhiều nguyên nhân dẫn đến giao hàng chậm mà không giải quyết được…

Với những tồn tại trên, sau khi tiếp cận TPM và thông qua các tư vấn viên của Viện Năng suất Việt Nam, Công ty cổ phần Cơ điện TOMECO An Khang đã quyết định tham gia và quyết tâm theo đuổi bằng được các mục tiêu của dự án một cách nghiêm túc, với mong muốn thay đổi căn bản nhận thức về nâng cao năng suất từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên của tất cả phòng ban, phân xưởng.

Kết quả, sau khi triển khai mô hình TPM, giá trị xuất khẩu của Công ty cổ phần Cơ điện TOMECO An Khang đã tăng hơn 100% trong năm đầu thực hiện so với mục tiêu 30% ban đầu. Từ những lợi ích và kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, mô hình TPM được các doanh nghiệp triển khai, áp dụng mang lại hiệu quả rất tích cực. Để tiếp tục phát triển bền vững, các công ty này tiếp tục duy trì và nỗ lực để mở rộng TPM nhằm mang lại các hiệu quả lớn hơn nữa về cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Phương Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích