Cải tiến công nghệ trong cấp nước sạch sinh hoạt ở nông thôn

Cải tiến công nghệ trong cấp nước sạch sinh hoạt ở nông thôn

Cùng với tổng thể kết cấu hạ tầng nông thôn thì công trình cấp nước sạch cũng là công trình hạ tầng thiết yếu, giúp địa phương đáp ứng và đảm bảo tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Các công trình do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau quản lý mang tính chuyên nghiệp, có cơ chế tài chính ổn định, chặt chẽ đã tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị cải tiến công nghệ, nâng cấp thiết bị trong quá trình vận hành, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về cung cấp nước sạch ở nông thôn.

Ông Lê Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau (Trung tâm NS-VSMTNT) xác định, cấp nước sạch nông thôn tập trung nhằm mục đích đảm bảo an toàn trong ăn uống, sinh hoạt của người dân, đồng thời có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

“Xác định chất lượng nước sạch có vai trò quan trọng đối với cuộc sống, sức khỏe của người dân, do đó trung tâm luôn đầu tư trang thiết bị hiện đại để khai thác, vận hành có hiệu quả nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Việc quản lý chặt chẽ nguồn nước ngầm sẽ góp phần chủ động trong phòng chống thiên tai, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyên nói.

tm-img-alt
Việc đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ xử lý nước là mục tiêu của Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Cà Mau nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân

Trước năm 2015, số hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình tập trung chỉ có khoảng 16.000 hộ (chiếm 6%). Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Cà Mau đã quản lý vận hành 25 công trình cấp nước tập trung, có thêm 24.300 hộ đăng ký sử dụng (chiếm 11%), nâng tổng số hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước từ công trình tập trung toàn tỉnh lên 17%.

“Những công trình đang được Trung tâm NS-VSMTNT quản lý mang tính chuyên nghiệp, cơ chế tài chính ổn định, chặt chẽ nên có điều kiện thuận lợi để cải tiến công nghệ, nâng cấp thiết bị trong khai thác, quản lý và vận hành các công trình nước sạch. Nhờ được trang bị đầy đủ công cụ, dụng cụ và phương tiện, đơn vị đã kịp thời xử lý nhanh, hiệu quả các sự cố xảy ra trong quá trình vận hành. Do đó, việc cung cấp nước sạch của đơn vị luôn đảm bảo tính ổn định và bền vững, sử dụng hiệu quả tài sản do nhà nước đầu tư, góp phần phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn”, ông Nguyên cho biết.

Những năm qua, Trung tâm NS-VSMTNTNT tỉnh Cà Mau đã phát huy hiệu quả, nâng cao trách nhiệm tham mưu cấp trên về công tác cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn; tích cực thực hiện mục tiêu về nước sạch nông thôn khi có thiên tai xảy ra. Với đội ngũ quản lý có kinh nghiệm, áp dụng cơ chế bù chéo giữa công trình có nguồn thu tốt với công trình kém hiệu quả ở vùng sâu vùng xa, đơn vị đã làm tốt công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước nông thôn.

Việc Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Cà Mau quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn là rất cần thiết và phù hợp, nhằm mục đích đảm bảo cấp nước phục vụ an sinh xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

tm-img-alt
Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau

Theo Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT, cấp nước sạch nông thôn tập trung hiện nay phần lớn là cung cấp dịch vụ công mang tính thiết yếu, có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung rất thấp (đạt 17%). Phần lớn, người dân sử dụng nước từ giếng khoan nhỏ lẻ dẫn đến nguy cơ dễ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Nguồn nước từ giếng khoan không thể xử lý nước đảm bảo chất lượng đồng bộ. Cùng với đó, mật độ dân cư sinh sống thưa thớt, chi phí đầu tư lớn nên rất khó thu hút xã hội hóa. Trong khi đó, nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư và biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng khó lường.

Theo tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ giai đoạn 2021–2025 quy định tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung lần lượt từ 30% và 55%. Để đạt tỷ lệ này, tỉnh Cà Mau cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện. “Qua rà soát, đến nay trên toàn tỉnh đã có 56/82 xã đã được công nhận nông thôn mới. Tuy nhiên, khi đối chiếu với bộ tiêu chí về nông thôn mới theo quyết định của Chính phủ thì Cà Mau hiện có hơn 70% số xã không đạt, và số xã còn lại (26 xã) đang trong quá trình về đích nông thôn mới, hầu hết sẽ không đạt tiêu chí tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung”, ông Nguyên nói.

Theo lãnh đạo Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2023-2025, bằng nguồn vốn trung ương và vốn địa phương, đơn vị đang triển khai xây dựng 14 công trình cấp nước. Trong đó, có 7 công trình xây dựng mới và 7 công trình nâng cấp mở rộng từ mạng lưới đường ống cấp nước tập trung, khi đưa vào sử dụng sẽ cấp nước sạch cho gần 15.000 hộ gia đình. Bên cạnh đó, các vùng nông thôn Cà Mau cần được hỗ trợ về kinh phí, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật xử lý nguồn nước mưa, nước mặt để đầu tư các công trình xử lý nước nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ nhân dân, góp phần giảm thiểu việc khai thác nguồn nước ngầm.

Cùng với tổng thể kết cấu hạ tầng nông thôn thì công trình cấp nước sạch cũng là công trình hạ tầng thiết yếu, giúp địa phương đáp ứng và đảm bảo tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thời gian qua việc một số địa phương đầu tư xây dựng mở rộng lộ, cầu giao thông nông thôn, vỉa hè, mương thoát nước…, làm ảnh hưởng rất lớn đến tuyến ống cấp nước, nhiều dự án không bố trí nguồn kinh phí di dời nên các địa phương đã yêu cầu trung tâm tự di dời, hoặc đầu tư chồng lấn làm hư hỏng, vùi lấp đường ống, đồng hồ nước.

tm-img-alt
Cán bộ trung tâm kiểm tra công tác vận hành trạm bơm khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ

“Trước thực trạng đó, để phối hợp quản lý, vận hành công trình cấp nước nông thôn mang tính bền vững, hạn chế thất thoát, hư hỏng, gây lãng phí tài sản nhà nước đầu tư, chính quyền các địa phương cần yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát kỹ mặt bằng khi triển khai dự án, bố trí kinh phí di dời tuyến ống cấp nước khi lập dự án đầu tư mở rộng lộ, cầu giao thông nông thôn, vỉa hè, mương thoát nước…, hoặc phối hợp với đơn vị cấp nước để giải quyết hài hòa, đảm bảo hiệu quả đầu tư giữa các dự án có liên quan và cần quan tâm hơn đối với công tác phối hợp quản lý chất lượng công trình nước sạch”, ông Nguyên cho biết thêm.

Toàn tỉnh Cà Mau có 233.878 hộ dân nông thôn, đến nay địa phương có 94,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trong đó, sử dụng nước từ công trình tập trung là 40.858 hộ (chiếm 17,47%); sử dụng nước từ giếng khoan riêng lẻ là 180.188 hộ (chiếm 77,05%); thiếu hoặc không chủ động được nguồn nước: 12.817 hộ (5,48%). Tỉnh hiện có 245 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Trong đó, Trung tâm NS-VSMTNT quản lý, vận hành 25 công trình với chiều dài khoảng 600km đang hoạt động có hiệu quả, cung cấp nước cho 24.327 hộ dân sử dụng. Số công trình còn lại do UBND cấp xã quản lý cung cấp nước cho 16.531 hộ dân.

Theo Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 1.3.2022 của UBND tỉnh Cà Mau, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh có 65% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với chỉ số tối thiểu 60 lít/người/ngày. Phấn đấu nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 50% (tương đương 117.000 hộ dân). “Hiện nay, số hộ dân sử dụng nước từ công trình tập trung của tỉnh chỉ khoảng 41.000 hộ. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Cà Mau cần phải đầu tư các công trình cấp nước tập trung với tổng kinh phí khoảng 1.368 tỉ đồng”, ông Nguyên cho biết thêm.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích