Cải thiện chất lượng môi trường: Nhận thức chưa chuyển thành hành động
Cải thiện chất lượng môi trường: Nhận thức chưa chuyển thành hành động
Công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức như tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao.
Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Để phát triển đất nước theo hướng bền vững, những năm tiếp theo, ngành môi trường cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Mặc dù hoạt động kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại đã được thực hiện chặt chẽ, công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được tăng cường, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, ngành môi trường ở nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế bao gồm nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi
Theo Báo cáo Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường của Bộ Công an, những năm qua, tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu vẫn diễn biến phức tạp, sức ép của sự phát triển kinh tế-xã hội, cùng với tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đã làm cho chất lượng môi trường tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn tài nguyên bị suy giảm nghiêm trọng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, hình thành một số điểm nóng về an ninh trật tự.
Một số tình hình nổi lên là vi phạm về quản lý, xử lý chất thải rắn nguy hại, nước thải, hóa chất ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, làng nghề diễn ra phổ biến làm cho nguồn nước ở nhiều nơi bị ô nhiễm, dần khan hiếm và có nguy cơ mất an ninh, an toàn; môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tình trạng hủy hoại rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản, chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp trái pháp luật, săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý, hiếm làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên, một số loài dần cạn kiệt, nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên diện rộng.
Các hành vi đưa chất thải vào Việt Nam bằng thủ đoạn trá hình dưới dạng đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, nhập khẩu nguyên liệu để đưa máy móc cũ lạc hậu, chất thải công nghiệp, nguy hại xuyên quốc gia, tạo ra nguy cơ dịch chuyển ô nhiễm từ nước ngoài vào nước ta, làm phát sinh lượng chất thải, khí thải nguy hại gây hiệu ứng nhà kính, là tác nhân gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về bảo vệ môi trường.
Tội phạm, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm diễn ra phức tạp, nhất là nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm chứa chất cấm, không đảm bảo chất lượng an toàn.
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nêu trên không chỉ làm suy giảm chất lượng môi trường, mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, tính mạng và sức khỏe của con người, tạo ra những nguy cơ lớn đối với an ninh môi trường Việt Nam, ảnh hưởng đến các mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của đất nước.
Từ năm 2016 đến tháng 6/2022, lực lượng công an đã phát hiện 156.328 vụ việc vi phạm của 173.010 đối tượng; trong đó: khởi tố, đề nghị khởi tố 2.129 vụ, 3.147 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 142.908 vụ, 149.459 đối tượng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1.976 tỷ đồng.
Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ rõ, ở trong nước, ô nhiễm môi trường một số nơi có nguy cơ vượt ngưỡng, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội và sức khỏe của nhân dân. Đa dạng sinh học vẫn có xu hướng bị suy giảm.
Nguyên nhân sâu xa là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể. Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.
Nguồn lực tại các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn chưa tương xứng. Việc huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế; công tác quy hoạch chưa được chú trọng. Cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý môi trường chưa theo kịp yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.
Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhận định, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức. Trong đó, những nguy cơ, thách thức chính gồm: tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Những nguy cơ trên mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi, khu vực vẫn ở mức đáng báo động; đặc biệt nổi lên là ô nhiễm tại một số lưu vực sông, làng nghề, ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn, nếu không có giải pháp để kiểm soát, xử lý kịp thời sẽ tác động lớn đến mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, các đô thị lớn cũng xuất hiện nhiều nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn từ các hoạt động phát triển kinh tế và áp lực của biến đổi khí hậu.
Thành phố Cần Thơ có vị trí địa lý tại trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là điểm giao nhau của vùng Tây Nam sông Hậu với vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Bắc sông Tiền và vùng trọng điểm phía Nam, dân số trên 1,2 triệu người.
Báo cáo tham luận kết quả và kinh nghiệm của thành phố Cần Thơ trong công tác bảo vệ môi trường tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V cho thấy, giai đoạn năm 2016-2021, thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, là một trong những nguyên nhân tạo sức ép đến môi trường; song song đó, tốc độ đô thị hóa cũng ngày càng tăng, đồng thời ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 toàn cầu, ảnh hưởng tài chính, kinh tế dẫn đến đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường bị giảm.
Cùng với đó, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư từng lúc từng nơi còn hạn chế, vẫn còn các thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; ý thức chấp hành các quy định bảo vệ môi trường và vệ sinh công nghiệp của một số doanh nghiệp chưa cao; công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường chưa thực sự hiệu quả; nhân sự quản lý môi trường còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu; chuyển đổi số lĩnh vực môi trường mới ở giai đoạn tiếp cận, hệ thống công nghệ thông tin hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số.
Là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung-Tây nguyên và cả nước, hoạt động kinh tế- xã hội của thành phố Đà Nẵng những năm qua phát triển mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Sự phát triển nhanh chóng đã phát sinh nhiều vấn đề về môi trường.
Những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực môi trường tại Đà Nẵng gồm quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung còn bất cập, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động chưa đảm bảo quy định về khoảng cách vệ sinh từ các cơ sở sản xuất với khu vực dân cư xung quanh như ô nhiễm mùi tại khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, khu công nghiệp Liên Chiểu, khu công nghiệp Hòa Cầm; ô nhiễm bụi, tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất; các trạm trung chuyển rác quy mô nhỏ trong khu dân cư hay bãi rác Khánh Sơn.
Bên cạnh đó, vướng mắc về các thủ tục đầu tư đối với các dự án liên quan đến môi trường, nhất là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trong các quy định về trình tự, cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép… nên thành phố vẫn tiếp tục áp dụng giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh, chưa đáp ứng với yêu cầu của Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025.
Cùng với đó, các công cụ quan trắc môi trường để dự báo và ngăn ngừa ô nhiễm hiện tại có đầu tư nhưng chưa đáp ứng, phần chính vẫn là trang thiết bị quan trắc thủ công, thụ động. Quan trắc môi trường tự động, ứng dụng công nghệ thông tin còn ở mức thấp; các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, tái chế, tuần hoàn… còn chưa thật sự đi vào cuộc sống.
Bình Dương là tỉnh có kinh tế phát triển mạnh ở Nam Bộ, dân số tỉnh Bình Dương hiện gần 2,6 triệu người. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp (trong đó 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động), 12 cụm công nghiệp. Lũy kế đến năm 2021 toàn tỉnh có khoảng 53.147 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng còn một số tồn tại và hạn chế: chất lượng các thành phần môi trường mặc dù có cải thiện nhưng chưa nhiều, một số kênh, rạch hạ lưu sông Sài Gòn vẫn còn bị ô nhiễm; vẫn còn một số doanh nghiệp và người dân chưa tuân thủ triệt để các quy định về bảo vệ môi trường, tình trạng xả lén nước thải, rác thải chưa qua xử lý ra môi trường có lúc, có nơi vẫn xảy ra; tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật về thoát nước, xử lý chất thải còn chậm; chưa phát huy hết vai trò của khoa học công nghệ vào trong quản lý môi trường, nhất là trong việc cảnh báo, dự báo và đánh giá diễn biến các thành phần môi trường.
Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2022, định hướng giai đoạn 2022-2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định, ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Tình trạng bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị