Cai nghiện ma tuý góp phần tích cực vào sự nghiệp xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cai nghiện ma tuý góp phần tích cực vào sự nghiệp xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm gần đây, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh một số người nghiện mới gia tăng, phần lớn là số người nghiện cũ nay mới được phát hiện hoặc tự khai báo

                                                                  

1. Sự trở lại của một loại tệ nạn ở nước ta

Cho tới nay, không ai khẳng định được cây thuốc phiện (còn gọi là cây Anh túc, cây Á phiện, cây Phù dung) được đưa vào trồng ở Việt Nam bằng cách nào và từ bao giờ. Tuy nhiên, ta thấy trong các văn bản của Nhà Nguyễn để lại về các điều Luật và Hình phạt thì đã có nhiều nội dung liên quan tới những hành vi buôn bán và sử dụng thuốc phiện. Phải chăng vào cuối thế kỷ XIX, tương tự nhà Thanh bên Trung Quốc khi chịu khuất phục Đế quốc Anh sau hai cuộc Chiến tranh nha phiến Lần thứ nhất (năm 1840) và Lần thứ hai (năm 1855) đã phải để cho thuốc phiện tràn lan ở Trung Quốc thì ở Việt Nam, Triều đình nhà Nguyễn phải cay đắng chấp nhận dã tâm của thực dân Pháp cho trồng và sử dụng thuốc phiện ở miền Bắc nước ta sau khi Bắc Kỳ trở thành thuộc địa của chúng.

Với việc cho trồng, sử dụng tự do thuốc phiện ở nước ta, thực dân Pháp nhằm 2 mục đích: phục vụ bọn quan lại thực dân phong kiến cùng đội quân viễn chinh của chúng và đầu độc dân ta bằng ma túy cả về sức khỏe và tinh thần. Chúng định dùng ma túy làm tê liệt lòng yêu nước và ý chí đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Nhưng chúng đã lầm, thời Pháp thuộc, người dùng thuốc phiện chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn, trong hàng ngũ quan lại hoặc công chức, trí thức làm việc cho Pháp. Còn với đại đa số nhân dân ta, đó là một thú vui hoàn toàn xa lạ.

Ngay từ khi mới ra đời sau Cách mạng tháng 8/1945, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cấm trồng, buôn bán và sử dụng ma túy ngoài mục đích y tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi việc xóa bỏ tệ nạn ma túy là một trong những nhiệm vụ cấp bách trước tiên của Nhà nước Việt Nam non trẻ. Người đã ra Lời kêu gọi: “Tôi đề nghị đồng bào tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”. Sau Hiệp định hòa bình Giơ-ne-vơ (7/1954) miền Bắc bước vào con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, tiếp tục chủ trương kiên quyết xóa bỏ tệ nghiện ma túy ở nước ta.

Cho tới đầu thập kỷ 80 (giai đoạn 1984-1985), tệ trồng và sử dụng thuốc phiện ở miền Bắc nước ta đã giải quyết được cơ bản và có thể nói hầu như đã bị xóa bỏ. Chỉ còn rải rác một số tỉnh miền núi cao phía Bắc trồng với sản lượng không đáng kể và chủ yếu là người già dân tộc thiểu số hút theo thói quen lâu đời khó bỏ. Ở miền Nam, dưới chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, tệ nạn ma túy bùng phát với phạm vi, quy mô lớn để phục vụ cho mưu đồ làm giàu cá nhân của những tướng lĩnh ngụy quân, chóp bu ngụy quyền Sài Gòn và nhằm mục đích ngăn chặn cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam.

tm-img-alt
Tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy tới các hộ dân. Ảnh: Báo Lai Châu

Sau ngày giải phóng miền Nam, chế độ cũ đã để lại hơn 170.000 người nghiện hút, chích ma túy (gọi là dân xì ke) cùng với những vấn đề phức tạp nhiều mặt về kinh tế – xã hội đất nước. Một lần nữa, chúng ta lại bắt tay vào giải quyết những hậu quả của chiến tranh, trong đó có một công việc nặng nề là chữa trị, giáo dục và cai nghiện cho những người nghiện ma túy ở phía Nam. Với sự nỗ lực của toàn dân, toàn xã hội, chúng ta đã cải tạo, hoàn lương hơn 100.000 người nghiện, đưa họ trở lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc như các công dân khác trong xã hội. Kết quả, đầu những năm 80, theo số liệu của các cơ quan chức năng, cả nước chỉ còn khoảng 30.000-40.000 người nghiện ma túy.

Vào cuối những năm 80 đầu những năm 90, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tệ nạn xã hội nói chung, tệ nghiện ma túy nói riêng lại hồi sinh, nảy nở và phát triển mau chóng. Sự mở cửa và những mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động tiêu cực tới một số lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Nạn tái trồng cây thuốc phiện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc kéo theo tệ nghiện ma túy đã phục hồi và lây lan nhanh chóng nhiều nơi và trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

2. Sự gia tăng số lượng người nghiện ma túy

Trong những năm gần đây, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh một số người nghiện mới gia tăng, phần lớn là số người nghiện cũ nay mới được phát hiện hoặc tự khai báo và đăng ký các hình thức cai nghiện. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, vào cuối năm 2022 cả nước có 192.542  người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc và Trung du Bắc Bộ có 38.305 người nghiện, chiếm 20,9% tổng số người nghiện ma tuý cả nước. Riêng tại 2 tỉnh miền núi còn nghèo như Điện Biên có số người nghiện là 6.620 người. tại Sơn La là 6.452 người, đứng thứ 3 và 4 sau thành phố Hồ Chí Minh (15.421 người ) và Hà nội (14.300 người). Trong thực tế những con số trên đây còn cao hơn nhiều.

Những năm gần đây, mặc dù chúng ta đạt được nhiều thành tích, kết quả đáng mừng trong các hoạt động ngăn chặn và triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển và ổ nhóm tổ chức sử dụng ma túy, trong công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện nhưng tình hình tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện giảm không đáng kể, thậm chí có nhiều địa bàn, nhiều địa phương số người nghiện còn gia tăng nhanh chóng. 

Điều nguy hiểm hơn là sự xuất hiện ngày càng nhiều ở một số địa phương, các loại ma túy tổng hợp dạng ATS, Estasy, Methammetamine (còn được gọi là hàng “đá”) với mức độ độc hại rất cao, lại dễ vận chuyển, dễ bán lẻ trao tay, sử dụng bằng đường uống như các loại tân dược thông thường hoặc các dụng cụ hút hít đơn giản đang là nguy cơ làm gia tăng nhanh chóng số người nghiện ở nước ta, tập trung trong lứa tuổi trẻ. Đây là những loại ma tuý hết sức nguy hiểm tới thần kinh và sức khỏe con người.

3. Ảnh hưởng tiêu cực của tệ nghiện hút ma tuý tới đời sống và công cuộc phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

tm-img-alt
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy cho người dân xã Lũng Cú (Đồng Văn). Ảnh: Tư liệu

Tệ nghiện hút ma tuý tác động tiêu cực tới các mặt đời sống sinh hoạt cư dân và phát triển kinh tế xã hội vùng các dân tộc thiểu số và miền núi, thể hiện trên các mặt sau đây:

a). Trước hết ma tuý làm nhiều gia đình khuynh gia bại sản, kẻ giàu cũng thành người nghèo, người đã nghèo càng rơi vào cảnh cùng cực, bi thảm. Gia đình li tán, tan nát, hạnh phúc bị phá vỡ vì trong nhà có người buôn bán ma tuý hoặc nghiện ma tuý. Người nghiện ma tuý suốt ngày chìm đắm trong cơn nghiện và chỉ tìm mọi cách để thoả mãn cơn nghiện, kể cả đi trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người để có tiền mua và sử dụng ma tuý,

b). Tệ nạn buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng và nghiện ma tuý đã gây ra tình trạng mất an ninh trật tự xã hội, phá vỡ sự bình yên của cộng đồng dân cư. Với lợi nhuận khổng lồ của ma tuý, những đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý liên tỉnh, xuyên biên giới cùng với mạng lưới buôn bán nhỏ và tổ chức sử dụng ma tuý như các vòi con bạch tuộc khổng lồ đã hình thành ở khắp các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước làm cuộc đấu tranh phòng chống ma tuý của chúng ta ngày càng gay go và phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi cao và biên giới.

c). Tệ nghiện ma tuý vừa làm tiêu hao không nhỏ tiền của của xã hội vùa làm suy giảm phần nào lực lượng lao động xã hội khi số người nghiện ma tuý đa số là trong lứa tuổi thanh niên và tuổi lao động.

d). Mặt khác, ma túy và tệ nghiện hút, tiêm chích ma tuý là kẻ đồng hành với tội phạm, bệnh tật và đại dịch HIV/AIDS.  Theo điều tra của cơ quan Công an, khoảng 40% số tội phạm hình sự là liên quan tới tệ nạn  ma tuý. Số liệu thống kê của ngành Y tế cho biết trên 60% trong số gần 280.000 người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện cho tới nay trên cả nước bị lây truyền là do qua con đường tiêm chích ma túy. Đa số người nghiện tiêm chích ma tuý do sử dụng ma tuý truyền thống lại là ở miền núi phía Bắc, các tỉnh vùng biên giới như Điện Biên, Lai Châu, Lao Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng…

e). Hàng năm Nhà nước ta phải chi một số lượng kinh phí khá lớn từ Ngân sách Quốc gia, Ngân sách địa phương cho công cuộc đấu tranh với tệ nạn ma tuý, trong đó việc cai nghiện, tư vấn, dạy nghề và hướng nghiệp, tạo việc làm cho nghiện nghiện và sau cai nghiện. Riêng về lĩnh vực cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma tuý, trong 5 năm 2016-2020 tổng số người được cai nghiện, phục hồi cả nước là 223.800 người. trong đó tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc và Trung du Bác Bộ là 37.745 người (bằng 16,9% so với tổng số toàn quốc). Số người sau cai được dạy nghề, dạy văn hoá của 14 tỉnh là 3.735 người, bằng 3,9% so với cả nước (108.214 người).

Nhìn chung các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung du Bắc Bộ còn rất nghèo, còn vô vàn khó khăn và thiếu thốn nên những ảnh hưởng tiêu cực của tệ nạn ma tuý và tệ nghiện tuý ma tuý càng nặng nề, phức tạp hơn các địa bàn khác trên cả nước.

4. Một số giải pháp và kiến nghị

a). Trước hết,chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong quần chúng nhân dân về tác hại, hiểm họa cả trước mắt và lâu dài của tệ nạn ma túy, về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và công tác phòng, chống tệ nạn ma túy để mọi người dân hiểu, đồng tình ủng hộ và tham gia cuộc đấu tranh chung; vận động, thuyết phục đồng bào miền núi không trồng cây thuốc phiện và chuyển sang trồng loại cây khác; tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho người nghiện ma túy; phát hiện và trừng trị nghiêm bọn tội phạm.

b).  Song song với sự ra đời các văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức bộ máy từ cơ quan chỉ đạo, tham mưu giúp việc cho tới các cơ quan chuyên trách của các ngành chức năng cần được củng cố và tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi trong cuộc đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn ma túy, không thể thiên về mặt nào và cũng không thể chỉ có một Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm, mà phải là sự đồng tâm, hiệp lực của từng gia đình, từng cộng đồng dân cư cùng với toàn dân, toàn xã hội tham gia tích cực vào  cuộc đấu tranh đầy gian khó, phức tạp này.

c). Đề nghị Trung ương tăng cường quan tâm mọi mặt cho các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung du Bắc Bộ, đặc biệt là kinh phí cho lĩnh vực cai nghiện phục hồi đầu tư  cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho công tác cai nghiện phục hồi cho người sau cai nghiện, tăng cường kinh phí cho sự nghiệp xoá đói giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa, vùng các tỉnh biên giới. Số người được cai nghiện và dậy nghề, hướng nghiệp, dạy văn hoá của các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay còn thấp, không tương ứng với tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý tại các địa phương này.

Cai nghiện ma tuý và xoá đói giảm nghèo là 2 mặt có liên quan mật thiết với nhau. Cai nghiện tốt, có hiệu quả để góp phần tích cực cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và ngược lại, xoá đói giảm nghèo bền vững sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nghiện hút ma tuý. Nếu không kết hợp hài hoà hai vấn đề trên đây, mọi sự nỗ lực, cố gắng của chúng ta sẽ chỉ là uổng công, vô nghĩa./.

Trần Việt Trung

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ LĐ TB & XH

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích