Cái giá của không mở thầu!

Cái giá của không mở thầu!
Ảnh minh họa.

Mặc dù Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, một đạo luật được cho là góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhưng qua hơn 8 năm đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số bất cập. Một trong những bất cập lớn nhất là tình trạng giao đất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp không thông qua hình thức mở thầu dẫn đến đất đai bị sử dụng lãng phí, không hiệu quả, thậm chí dẫn đến tiêu cực, lãng phí, khiếu kiện vì đất đai liên tục gia tăng.

Ngoại trừ các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng, các dự án dân sinh, “trọng điểm” địa phương được Chính phủ phê duyệt, thời gian qua các địa phương đang có “mốt” trải thảm đỏ mời gọi các doanh nghiệp không quan trọng lớn hay nhỏ đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến bất động sản, gồm: Sân golf, khu đô thị, khu du lịch, du lịch sinh thái… Nói ngắn gọn, sau “hội chứng” xây nhà máy xi măng, bia, công nghiệp nặng, 10 năm trở lại đây, các địa phương đang có cuộc đua mời gọi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Với những tập đoàn có tiềm lực tài chính, họ quy hoạch diện tích lên tới cả trăm ha, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị hoặc “khai phá” tiềm năng du lịch địa phương đã đành, nhưng những doanh nghiệp “be bé” cũng tìm đến các địa phương để xin đầu tư. Họ “ngắm nghía” ở đâu thấy ưng ý là làm đơn, nộp hồ sơ xin tỉnh, thành; tỉnh, thành phố căn cứ vào hồ sơ đã được các ngành có thẩm quyền (tham mưu) trình đúng thủ tục, đúng “quy định” là ra quyết định đồng ý. Cứ thế, cố tình bỏ qua khâu mời thầu, dẫn đến việc doanh nghiệp nghiễm nhiên được cái mình muốn “dự án”, “đất”. Trong khi, theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, theo quy định và quy trình đầu tư, bất kỳ dự án bất động sản nào, tỉnh, thành phố sau khi có quy hoạch, muốn tiến hành đầu tư đều phải thông qua việc mở thầu để chọn được nhà đầu tư tốt nhất. Nói ngắn gọn, doanh nghiệp không được chọn đất, muốn chính quyền giao đất mà phải thông qua cơ chế đấu thầu.

Hệ quả của việc “lách luật”, “cố tình” không hiểu luật, “xem thường” pháp luật là liên tiếp tại các địa phương như Thanh Hóa (thành phố Thanh Hóa), Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), Kiên Giang, hay vụ án tại Bình Dương mà Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đang xét xử… khiến một số quan chức, cựu quan chức đã bị cơ quan điều tra khởi tố vì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn cấp đất sai cho doanh nghiệp (không qua hình thức mở thầu- PV) gây thất thoát tài sản Nhà nước làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây bức xúc trong nhân dân. Và ai dám chắc chắn rằng sẽ không còn địa phương để xảy ra tình trạng như nói trên.

Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương liên quan đến lĩnh vực đất đai đã ban hành, các cơ quan hoạch định chính sách đang ráo siết công tác sửa Luật Đất đai để trình Quốc hội tại kỳ họp tới, hy vọng trong thời gian chờ sửa luật, thông qua luật, luật có hiệu lực và Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thực thi luật, các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương cần rút ra bài học xương máu về việc “không chịu” mở thầu, tự ý giao đất cho doanh nghiệp dẫn đến những hậu quả đáng tiếc gây thất thoát tài sản Nhà nước.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích