Cách xác định chi phí tư vấn công trình sửa chữa sử dụng ngân sách Nhà nước
(Xây dựng) – Ông Phạm Nam Phong (Hà Nội) công tác tại đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Tổng cục. Đơn vị ông được phê duyệt kế hoạch sửa chữa công trình từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước chi thường xuyên, chi phí 450 triệu đồng.
Ảnh minh họa. |
Tại Điểm a, Điểm b Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 8/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định việc xác định chi phí tư vấn như sau:
“a) Đối với các công việc tư vấn đã được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư ban hành định mức xây dựng thì chi phí thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
b) Đối với các công việc tư vấn như: quan trắc công trình phục vụ công tác bảo trì; khảo sát phục vụ thiết kế sửa chữa, thí nghiệm phục vụ công tác tư vấn bảo trì công trình và một số công việc tư vấn khác đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này”.
Liên quan đến việc xác định chi phí tư vấn phục vụ công tác sửa chữa công trình nêu trên, cách hiểu của đơn vị ông Phong như sau:
“Thông tư này” được quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 14/2021/TT-BXD là “thông tư ban hành định mức xây dựng” (theo quy định hiện hành là Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành định mức xây dựng).
“Thông tư này” được quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 14/2021/TT-BXD là “thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng” (theo quy định hiện hành là Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng).
Ông Phong hỏi, cách hiểu như trên của đơn vị ông có đúng với nội dung quy định của Thông tư số 14/2021/TT-BXD hay không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Việc sửa chữa công trình, thiết bị công trình có chi phí dưới 500 triệu đồng sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình quyết định về kế hoạch sửa chữa theo Điểm a Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.
Chi phí bảo trì công trình xây dựng được xác định bằng dự toán theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 8/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.
Dự toán chi phí bảo trì công trình xây dựng theo hướng dẫn tại Bảng 2.1 Phụ lục II Thông tư số 14/2021/TT-BXD.
Dự toán sửa chữa công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng thực hiện theo hướng dẫn tại Bảng 2.2 Phụ lục II Thông tư số 14/2021/TT-BXD.
Chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng xác định theo Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 14/2021/TT-BXD. Trong đó, đối với các công việc tư vấn quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 14/2021/TT-BXD thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành định mức xây dựng; Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Thông tư số 14/2023/TT-BXD ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Trường hợp các công việc tư vấn xây dựng chưa có định mức hoặc đã có định mức nhưng chưa phù hợp thì chi phí tư vấn được xác định bằng cách lập dự toán chi phí phù hợp với nội dung công việc cần thực hiện theo quy định.
Nguồn: Báo xây dựng