Cách mạng hóa trải nghiệm người dùng với công nghệ thực tế tăng cường

(Xây dựng) – Tetra Pak cùng với Vinasoy vừa cho ra mắt công nghệ thực tế tăng cường (AR) trên hộp sữa đậu nành Fami với mong muốn nâng tầm trải nghiệm cho người dùng và biến mỗi chiếc vỏ hộp giấy thông thường thành cầu nối tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Công nghệ thực tế tăng cường (AR) trên hộp sữa đậu nành Fami biến mỗi chiếc vỏ hộp giấy thông thường thành cầu nối tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Với ứng dụng có tên PackStory trên điện thoại thông minh, người dùng có thể quét mặt trước của hộp sữa đậu nành Fami để bước vào thế giới AR với những câu chuyện thú vị về hạt đậu nành, nguyên liệu làm nên món sữa đậu nành rất quen thuộc với người Việt Nam cũng như tìm hiểu tại sao vỏ hộp giấy lại giúp thực phẩm an toàn và gần gũi với môi trường.

Có một thực tế là sự yêu thích một sản phẩm thường tỷ lệ thuận với mức độ hiểu biết của người dùng với sản phẩm đó. Tuy nhiên với đồ uống đóng hộp, người tiêu dùng ít khi biết rõ về sản phẩm mà họ sử dụng, như nguồn gốc của nguyên liệu, cách thức chế biến, cách hộp giấy giữ cho đồ uống được tươi ngon an toàn, cũng như lí do giúp hộp giấy bền vững hơn các loại bao bì khác. Đơn giản là việc in tất cả thông tin đó lên bao bì sản phẩm là không thể và nếu được thì nó cũng khó mà thu hút được sự quan tâm của người dùng.

“Chúng tôi tin rằng PackStory có thể giải quyết được thách thức này vì công nghệ AR giúp biến mỗi vỏ hộp giấy thành một nền tảng số hiện đại giúp nhà sản xuất tương tác với khách hàng của mình theo một cách hoàn toàn mới, sáng tạo và thú vị hơn rất nhiều”, ông Eliseo Barcas – Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam cho biết.

“Là một công ty luôn được thúc đẩy bởi sự đổi mới sáng tạo, chúng tôi hướng tới làm ra những vỏ hộp không chỉ bền vững cho môi trường mà còn thông minh, mở ra những hướng đi mới sáng tạo để khách hàng nhận được nhiều giá trị hơn từ vỏ hộp giấy của Tetra Pak. Với PackStory, giờ đây vỏ hộp không chỉ để bảo vệ thực phẩm, mà còn được mở rộng với khả năng kết nối, thích ứng với làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghệ số của ngành công nghiệp thực phẩm”.

Ông Ngô Văn Tụ – Giám đốc Điều hành Vinasoy chia sẻ: “Chúng tôi luôn muốn mang đến nhiều giá trị hơn cho khách hàng, không chỉ dừng lại ở chất lượng sản phẩm mà còn ở trải nghiệm của khách hàng. Với bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phần lớn thời gian của người dùng sẽ dành để tương tác với những thiết bị di động cá nhân, vì vậy, việc tận dụng ứng dụng công nghệ AR trên vỏ hộp giấy sẽ bổ sung thêm một kênh hoàn toàn mới, sáng tạo và thú vị hơn để chúng tôi tiếp cận tới khách hàng. Vinasoy tự hào là thương hiệu Việt Nam đầu tiên đưa công nghệ AR lên sản phẩm sữa đậu nành đóng hộp”.

Công nghệ AR trên vỏ hộp giấy đã được Tetra Pak và các đối tác lần đầu tiên áp dụng vào năm 2019 tại một số thị trường Nam Mỹ. Phản hồi của các nhà sản xuất với ứng dụng PackStory là rất tích cực.

Người dùng có thể quét mặt trước của hộp sữa Fami để bước vào thế giới AR với những câu chuyện thú vị về hạt đậu nành và vỏ hộp giấy.

Ông Daniel Castro – Giám đốc thương hiệu Milo của Công ty Nestlé tại Colombia chia sẻ: “Chúng tôi luôn tìm kiếm những giải pháp sáng tạo cho dòng sản phẩm Milo, vì thế Nestlé đã tham gia vào dự án PackStory khi nhận thấy đây là giải pháp công nghệ rất hay để kết nối người dùng. Giải pháp này của Tetra Pak đã giúp mở ra cho chúng tôi con đường số hóa trải nghiệm của người tiêu dùng, có thể mang lại giá trị gia tăng khác biệt, sáng tạo và mạnh mẽ cho người tiêu dùng ở tại điểm bán hàng hoặc khi tiêu dùng sản phẩm vào bất kỳ lúc nào”.

Còn ông Daniel Barraza – Giám đốc Thương hiệu Frutto của Công ty Alpina cho biết: “PackStory là một hướng đột phá để kết nối với người tiêu dùng và mang đến trải nghiệm giá trị gia tăng rất khác biệt. Thêm vào đó, giải pháp này rất có thể dễ dàng triển khai trên vỏ hộp giấy và mang đến sức sống mới, khác biệt cho ngành hàng”.

Bên cạnh PackStory, Tetra Pak cũng là công ty tiên phong trong ngành công nghiệp thực phẩm trong việc ứng dụng AR, máy học (machine learning) và dữ liệu lớn (Big Data) vào hoạt động sản xuất và dịch vụ kỹ thuật nhằm các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống tối ưu hoạt động sản xuất và tiết kiệm chi phí.

Các giải pháp đổi mới và sáng tạo của Tetra Pak cũng nhắm hướng tới xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon. Mặc dù hiện tại hộp giấy có lợi thế về bền vững với 75% thành phần cấu tạo hộp giấy Tetra Pak được làm từ giấy khai thác từ rừng tái sinh có chứng chỉ FSC và hoàn toàn có thể tái chế được. Tuy nhiên đích đến mà Công ty đang hướng tới là tăng tỷ lệ sử dụng nguyện liêu tái sinh lên tới 100%.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích