Cách lựa chọn lát sàn không bị ‘đổ mồ hôi’ vào mùa nồm

Trong quá khứ, gạch đá hoa thường được sử dụng làm lát sàn. Mặc dù chúng có nhiều ưu điểm như dễ lau chùi, màu sắc đa dạng, phù hợp với nhiều phong cách nhưng chúng cũng có nhược điểm như dễ trơn trượt và làm cảm giác chân lạnh vào mùa đông.

Hiện tượng sàn nhà đổ mồi hôi vào mùa nồm gây nhiều phiền toái.

Về gạch lát nền chống nồm, loại gạch này thực chất không phải tên một loại gạch cụ thể mà dùng để chỉ những sản phẩm gạch ốp lát có thể giúp hạn chế tác hại do hiện tượng nồm mang lại. Thông thường việc chọn gạch lát nền chống nồm chủ yếu dựa vào các yếu tố như chất liệu, độ hút nước và thiết kế bề mặt gạch. Việc chọn các mẫu gạch có bề mặt nhám, sần có thể giảm diện tích tiếp xúc với không khí, từ đó giúp hạn chế tình trạng ngưng tụ nước trên sàn. Dưới đây là những lưu ý khi chọn gạch lát sàn để không gặp phải tình trạng “đổ mồ hôi” khi trời nồm ẩm:

Chất liệu gạch: Với giải pháp chống nồm ẩm bằng gạch ốp lát, nên chọn gạch granite bởi loại gạch này được làm chủ yếu từ bột đá và nung ở nhiệt độ rất cao. Do đó, liên kết phân tử của dòng gạch này rất bền chặt, giúp ngăn chặn tình trạng thấm nước.

Độ hút nước của gạch: Trời nồm ẩm khiến sàn nhà dễ bị đọng nước nên những loại gạch có độ hút nước càng cao càng dễ gây ra hiện tượng đổ mồ hôi. Do đó, khi thi công lát sàn, có thể lựa chọn các loại gạch có chất liệu granite, porcelain với độ hút nước thấp để hạn chế việc sàn nhà bị đổ mồ hôi dù trong điều kiện độ ẩm không khí cao.

Dựa vào bề mặt gạch: Bên cạnh chất liệu và khả năng hút nước, bề mặt gạch là một trong những yếu tố cần lưu ý khi lựa chọn gạch lát sàn chống nồm. Trong đó, lựa chọn loại gạch men khô sẽ là giải pháp chống nồm tối ưu, giúp hạn chế tình trạng trơn trượt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Dựa vào khả năng kháng khuẩn: Không khí trong nhà ẩm ướt là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, nấm mốc phát triển gây hại cho sức khỏe con người. Do đó, các dòng gạch ion âm, gạch kháng khuẩn có khả năng diệt các vi khuẩn, chống bám bẩn và tự làm sạch bề mặt gạch.

Ngoài khả năng kháng khuẩn, bảo vệ sức khỏe, các dòng gạch này còn có độ cứng, chống mài mòn cao cùng với kích thước, mẫu mã đa dạng, phù hợp với nhiều không gian nội, ngoại thất.

Khác với gạch ốp lát, sàn gỗ công nghiệp được cải tiến về mặt kỹ thuật để không bị ảnh hưởng bởi thời tiết trong các môi trường khác nhau, giúp mặt sàn luôn khô thoáng ngay cả trong tiết trời nồm, tạo cảm giác êm ái sạch sẽ. Trong quá trình lắp đặt, bên dưới sàn gỗ có một lớp xốp lót có tác dụng ngăn ẩm tới sàn.

Sàn gỗ cũng là sự lựa chọn để “đối phó” với mùa nồm.

Anh Thanh Hà – chủ showroom vật liệu xây dựng (Tây Sơn, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, khách hàng có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại sàn gỗ công nghiệp bởi tính sang trọng, thẩm mỹ cùng chế độ bảo hành dài hạn. Nên kết hợp dùng sàn gỗ công nghiệp dày 8mm-12mm, lát kín trên lớp đệm không khí không cho nhiệt độ lạnh truyền lên trên mặt sàn nhà. Cách kết hợp này giúp hạn chế tình trạng nồm ẩm tác động phần mặt nền của công trình”.

Tuy nhiên, khi lựa chọn sàn gỗ công nghiệp, cần lưu ý chọn loại có khả năng chịu ẩm tốt. Thông thường sau khi gỗ hút ẩm sẽ nở ra. Nếu sàn gỗ có mức độ trương nở quá lớn sẽ dễ gây ra tình trạng sàn nhà bị phồng, gợn các mép, cong vênh hoặc gây kích chân tường…, ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng và hiệu quả thẩm mỹ.

Giải pháp chống nền nhà đổ mồ hôi mùa nồm ẩm

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn các loại gạch ốp lát chống nồm nên xử lý hiện tượng sàn bị đổ mồ hôi ngay từ thời điểm xây nhà. Trong quá trình thi công, có thể sử dụng cát vàng đầm chặt, sau đó dùng một lớp xỉ than dày 10-15 cm lót dưới nền nhà trước khi dùng gạch lát nền hoàn thiện. Cách làm này nhằm giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí vào sàn nhà, hạn chế nước đọng trên sàn.

Ngoài ra khi thiết kế sàn, nên chọn các loại vật liệu phù hợp, chống ngưng đọng nước như gỗ hoặc tấm lát nhựa composite, vật liệu cách nhiệt nhẹ, gốm bọt… với kích cỡ phù hợp. Kết hợp trải các loại thảm len, thảm đay, thảm cói để tăng khả năng hút ẩm.

Với những ngôi nhà đã hoàn thiện, có thể khắc phục tình trạng nồm ẩm bằng cách hạ thấp nhiệt độ không khí, giảm độ ẩm không khí trong nhà, nâng nhiệt độ bề mặt kết cấu cao hơn nhiệt độ điểm sương. Những giải pháp khác như sử dụng cát vàng đầm chặt, lớp xỉ than dưới nền nhà, kết hợp với việc chọn vật liệu phù hợp như gỗ, nhựa composite, cách nhiệt nhẹ để giảm tình trạng nồm ẩm.

Việc lựa chọn loại lát sàn phù hợp là quan trọng để giảm thiểu tác động của hiện tượng nồm ẩm trong mùa nồm. Cần cân nhắc kỹ lưỡng với các yếu tố như chất liệu, khả năng chống nước, khả năng chống khuẩn để tạo nên không gian sống khô ráo, sạch sẽ và thoải mái.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13113:2020 về gạch gốm ốp lát

Để có thể lựa chọn được loại gạch như ý muốn chủ nhà cần lưu ý các thông tin ghi nhãn sau:

a) Nhãn của nhà sản xuất và/hoặc nhãn thương mại và quốc gia sản xuất ra sản phẩm;

b) Nhãn chỉ rõ loại chất lượng;

c) Loại gạch và tiêu chuẩn tương ứng với loại gạch đó theo các Phụ lục A đến H và Phụ lục J tới M trong tiêu chuẩn này;

d) Kích thước danh nghĩa và kích thước làm việc, “M” nếu mô đun hóa;

e) Bản chất bề mặt gạch, Ví dụ: Gạch có men hay không có men.

f) Các phương pháp xử lý bề mặt có thể áp dụng sau nung;

h) Bài phối liệu hoặc mã sản xuất;

i) Chỉ dẫn màu sản phẩm nhà sản xuất quy định;

j) Giới hạn tổng khối lượng khô bao gồm gạch và bao gói.

Ví dụ 1: Công ty gạch ABC, sản xuất tại Trung Quốc, gạch đùn dẻo, ISO 13006:2018, Phụ lục A, Nhóm AIb, gạch mài M, 25 cm x 12,5 cm (Sw 240mm x 115 mm x 12,5 mm), UGL, 20 viên/hộp, bài A50, 0100-xám, trọng lượng khô tối đa: 20 kg.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích