Cách dạy con của nữ bác sĩ Lã Thị Thanh Hà nhận được nhiều lời ngợi khen

Cách dạy con của nữ bác sĩ Lã Thị Thanh Hà nhận được nhiều lời ngợi khen

MTĐT –  Thứ bảy, 11/09/2021 10:29 (GMT+7)

Nếu thường xuyên đọc các tin tức giáo dục trong nước, ắt hẳn không ít người biết đến câu chuyện của gia đình bác sĩ Lã Thị Thanh Hà. Cả hai cô con gái Hà Anh – Hiền Anh của nữ bác sĩ đều thi đỗ vào Đại học Harvard – ngôi trường danh giá top đầu thế giới.

Không những là “ân nhân” của hàng nghìn làn da, bác sĩ Lã Hà còn được biết đến là người mẹ “đảm” của 2 cô gái vàng. Con gái cả của chị là Tôn Hà Anh từng được 5 trường đại học danh giá trên thế giới trao học bổng toàn phần (Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley). Hà Anh đã lựa chọn học Đại học Harvard. Rồi 7 năm sau, cô con gái thứ hai là em Tôn Hiền Anh cũng được nhận suất học bổng toàn phần tại ngôi trường lừng danh này. 

Mẹ Hà Nội nuôi 2 con gái đỗ Đại học Harvard danh tiếng chia sẻ 4 điều quan trọng khi dạy con: Nghe điều cuối mà nể phục! - Ảnh 1.
Gia đình bác sĩ Lã Thị Thanh Hà. Cô cả Hà Anh đứng cạnh mẹ, kế bên là cô em Hiền Anh. Ngoài cùng là ông xã của nữ bác sĩ. Nguồn: afamily

Chị chia sẻ chưa từng có ý nghĩ dạy khôn con mà chỉ dạy cho con có tâm hồn đẹp, bởi “tất cả những thứ khác khi ra đời con sẽ học được, nhưng bản chất lương thiện và thấu hiểu người khác thì rất khó dạy, phải rèn từ bé”.

Theo đó, có 4 bí quyết quan trọng mà chị Lã Thị Thanh Hà đã áp dụng. Chúng tôi xin được phép chia sẻ lại bài viết của chị:

1. Áp sát từ bé

Bạn nhỏ nào cũng ham chơi. Nên tôi cố gắng bám sát các con từ đầu để tạo thói quen học hành. Khi Hà Anh bắt đầu đi học là lúc tôi sinh Hiền Anh. Ông xã đi công tác biền biệt. Quay cuồng trong bỉm sữa, công việc nên tôi gắng tranh thủ thời gian. Cứ mỗi chiều vừa nấu cơm vừa trông Hiền Anh thì Hà Anh phải kê bàn ngồi học cạnh mẹ trong căn bếp 4m2.

Đứa thì khóc lóc nôn ọe tùm lum. Đứa thì hỏi trên trời dưới bể. Nhiều lúc phát khóc nhưng thấy con bé mồ hôi nhễ nhại chua lòm vừa viết vừa hỏi, bao nhiêu yêu thương con trào dâng. Tôi lại thấy như mình có lỗi với con mỗi khi cho là “vất vả”. Cố lên Hà ơi… Tôi nhủ thầm.

Hiền Anh đi học cấp 1 là khi tôi lại đi học tiếp. Hai đứa luôn ngồi học cùng mẹ, vừa học vừa tranh thủ kèm cho các con. Có lần tôi mệt quá ngủ gật thì giật mình thấy Hà Anh hét toáng lên. Thì ra Hiền Anh lấy nước đổ lên đầu chị vì… hỏi bài mà chị mải học không trả lời. Đấy, ngày nào cũng đau đầu nghe 2 chị em chí chóe chứ không phải ngoan từ bé đâu.

2. Làm gương vượt qua cám dỗ

Ngày nghỉ cuối tuần ai cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng tôi cũng thôi vì hai con phải học thêm. Sáng trời có mưa như bão cũng phải đi học. Hiền Anh ngồi tròn như củ khoai trong áo mưa của mẹ. Đến nơi chị ta còn gà gật không chịu xuống xe và lè nhè: “Mẹ ơi đến rồi à…” đầy tiếc nuối. Chiều trời nắng chói chang lại đưa con sang tận Long Biên.

Cả vùng trời không có 1 bóng cây dựng xe giữa trời nắng chờ con. Giờ mỗi lần nhìn thấy những ông bố bà mẹ với ánh mắt mỏi mòn chờ con mùa thi nắng như đổ lửa, tôi như thấy hình ảnh mình của ngày xưa.

Nhiều khi mình kỷ luật con nhưng chính mình cũng… sa ngã. Một mùa hè nhiều năm trước, nhà lần đầu có máy tính cài trò chơi bắn gà. Hiền Anh rủ mẹ và chị cùng chơi, chơi cho vui thành ra nghiện. Một thời gian ngắn tôi giật mình khi nhận ra trưa nào mình cũng chỉ mong nhanh về nhà để chơi cùng con.

Cả mẹ lẫn con ngày nào cũng xếp hàng chơi rất đam mê. Tôi quyết định thu lại máy (dù bản thân cũng tiếc). Trong làm việc, sếp không làm gương thì không nói được nhân viên. Trong dạy con, mình không vượt qua được cám dỗ thì đừng nghĩ đến chuyện con trẻ nghe lời. Mình chơi game thì không thể bảo con đi đọc sách. Tạm biệt bắn gà… từ đây.

3. Lạt mềm buộc chặt

Tuy nhiên, vợ chồng tôi không ủng hộ dạy con theo phương pháp độc đoán hay bạo lực. Nhà tôi thường áp dụng bản kiểm điểm. Việc này giúp các con có cơ hội diễn giải lại sự việc và chủ động chỉ ra những điều cần khắc phục – không khác cán bộ đi làm phải viết tường trình. Hơn nữa, tôi cũng nhìn được các bạn ấy có đang hiểu sai ở đâu không chứ không phải viết lấy lệ.

Hai chị em khá nghịch ngợm nên đều viết chồng to chồng nhỏ. Bên dưới là bản kiểm điểm khi Hà Anh chuẩn bị vào cấp 3 tôi còn giữ. Nội dung có vẻ là về kỷ luật sinh hoạt – một trận chiến không hồi kết giữa ông xã tôi và Hà Anh.

Mẹ Hà Nội nuôi 2 con gái đỗ Đại học Harvard danh tiếng chia sẻ 4 điều quan trọng khi dạy con: Nghe điều cuối mà nể phục! - Ảnh 6.
Bản kiểm điểm của cô cả Hà Anh vào năm 2007. Nguồn: afamily

Nếu như tôi giờ giấc có phần lung tung vì còn đi trực đêm ở bệnh viện thì ông xã đã 60 tuổi vẫn 5h sáng không kể đông hè dậy tập thể dục và sống chuẩn hơn cả giờ đồng hồ. Chồng tôi áp kỷ luật thép này lên cả 2 đứa. Nghỉ hè, các bạn vẫn phải dậy lúc 5h30 sáng để chơi thể thao bắt đầu ngày mới. Mỗi buổi sáng là một trận chiến inh ỏi giữa 2 bố con. Hà Anh mắt nhắm tịt, vùi mặt vào gối và hét lên:

“Một tí nữa thôi! Con chưa mở được mắt! Chói quá chói quá! Ba đừng bật đèn lên!”.

Còn ông xã thì cứ đứng ở cửa hò cho đến khi con bé lổm ngổm bò dậy. Tôi xót con ngủ không được tròn giấc. Nhưng không thể phủ nhận là 2 đứa được rèn cho tính kỷ luật, giờ nào việc nấy vì phương pháp có phần hơi… quân phiệt của ông xã.

4. Chỉ được tiến, không được lùi

Hà Anh và Hiền Anh cũng khá bướng bỉnh. Để nắn gân 2 cô nương ương ngạnh này, có một luật bất thành văn ở nhà là: Con sẽ được làm thứ con thích với 2 điều kiện. Một là khi đã chọn thì không được cả thèm chóng chán. Hai là con sẽ phải chấp nhận hậu quả nếu ba mẹ đã khuyên mà con không nghe.

Hè lớp 5, Hiền Anh xin mẹ đi học bơi ở trường 10/10. Tôi đã nhiều lần nhắc và biết là với cá tính của con, con bé sẽ lại đăng ký muộn nhưng kệ, tôi không giúp. Cuối cùng tất cả các lớp đều hết chỗ, chỉ còn duy nhất lớp lúc 5h sáng. Nghĩa là con phải dậy vào 4 rưỡi sáng khi trời còn tối và tập trong nước bể bơi lạnh cóng. Trong 2 tháng tiếp theo, con bé vẫn kiên trì đi học bơi và không dám kêu ca (vì con hiểu chính con đã tự gây ra điều này). Tôi thương con nhưng muốn con tự chịu trách nhiệm cho quyết định của mình và nếu đã chọn thì không bỏ cuộc ngay cả khi gặp trở ngại.

Con đã lớn không có nghĩa là mọi việc dễ dàng hơn. Hà Anh tốt nghiệp Harvard và bắt đầu đi làm ở McKinsey. Thời gian đầu rất khó khăn. Con bé tuần nào cũng gọi điện về phát khóc vì áp lực. Tôi động viên con: Cái gì mới cũng không dễ dàng. Đã chọn thì hãy bước tiếp. Không thể vì khó khăn bước đầu mà chán nản và sinh tâm lý muốn nhảy việc, thì trên đời này sẽ không có cái gì thành công đến với mình. Nếu qua 6 tháng mà con vẫn cảm thấy không phù hợp, chúng ta sẽ nói chuyện tiếp. Sau đó Hà Anh đã dần trở nên yêu thích công việc cố vấn chiến lược mà con tí nữa thì bỏ cuộc.

Không ai có được tất cả. Thật ra đằng sau mỗi dấu son cũng nhiều nước mắt. Tôi, ông xã, và 2 bạn đều chấp nhận đánh đổi thời gian, sức khỏe, sở thích. Đó là con đường chúng tôi đã chọn. Nhưng cuộc sống muôn hình muôn vẻ, có nhiều lối đi khác nhau. Chút tâm sự này chỉ để chia sẻ cùng mọi người. Không ai có quyền áp đặt quan điểm dạy con cho người khác và không có công thức chung nào. Nếu có, chỉ có một mẫu số chung là sự yêu thương vô bờ bến dành cho các con của chúng ta…

tm-img-alt
Gia đình bác sĩ Lã Hà tại lễ tốt nghiệp cử nhân đại học của con gái Tôn Hà Anh. Nguồn: vtv

Thông thường, các mẹ có con đi du học cấp 3 hoặc đại học cũng thường vào độ tuổi 40-50, muốn dành phần lớn thời gian hỏi thăm, gọi điện “Facetime” với con và theo dõi cuộc sống của con ở nước ngoài.

Nhưng với bác sĩ Lã Hà thì khác, chị vẫn dành 8 tiếng/ngày ở cơ quan và thêm 3 tiếng buổi tối ở phòng khám, thỉnh thoảng chị mới nhắn tin, email với con gái để cập nhật tình hình.

Chị Hà nói: “Mình luôn dõi theo con chứ, mình biết con đang ở đâu, làm gì, đang có công việc, dự án gì… Nhưng điều đó không có nghĩa là mình quên hết cả công việc riêng của mình để kè kè bên con, như vậy con cũng không thoải mái. Mình có kỳ vọng và đam mê của mình, các con có cuộc sống và mơ ước của các con, miễn là mấy mẹ con cùng cảm thấy vui vẻ, được làm những gì ước muôn”.

Có lẽ chính vì vậy mà mẹ Hà luôn là “hình mẫu” của cả hai chị em, đặc biệt là cách chị Hà theo đuổi đam mê và hăng say làm việc.

Con gái cả Tôn Hà Anh đã tốt nghiệp đại học và đang làm tại công ty tư vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới, khi gặp các khúc mắc trong công việc, Hà Anh vẫn tìm đến bố mẹ để chia sẻ. Và khi đưa cho con lời khuyên, chị Lã Hà cũng đều chỉ hướng dẫn chứ không ép con phải làm theo, không gây áp lực. “Mình bảo con: Con hãy đi con đường con chọn, để sau này không phải ngoảnh lại hối tiếc. Nếu như con vấp ngã, thì là một bài học cho con để con tự điều chỉnh và đi đúng hướng”, chị Lã Hà chia sẻ.

P.T (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích