Các triệu chứng của suy tim thường bị nhầm với bệnh vặt: Có 1 dấu hiệu cũng cần đi khám ngay
Các triệu chứng của suy tim thường bị nhầm với bệnh vặt: Có 1 dấu hiệu cũng cần đi khám ngay
Nhận biết sớm dấu hiệu của suy tim là vô cùng quan trọng để có cách điều trị thích hợp, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng.
Tim có nhiệm vụ bơm máu đi khắp cơ thể để cung cấp oxy cần thiết cho sự hoạt động của tất cả các cơ quan. Suy tim là tình trạng tim bơm máu không hiệu hiệu quả như bình thường, không thể bơm đủ máu cung cấp cho toàn bộ cơ thể.
Suy tim không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể ảnh hưởng tới tính mạng nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Triệu chứng dễ gây nhầm lẫn của suy tim
Bác sĩ Gosia Wamil, chuyên khoa tim mạch của Mayo Clinic, London (Vương Quốc Anh), cho biết: “Một số dấu hiệu điển hình cảnh báo suy tim, chẳng hạn như khó thở, sưng mắt cá chân, đau ngực, tim đập nhanh hoặc không đều và mệt mỏi khi vận động, hoa mắt, chóng mặt. Có những triệu chứng khác của suy tim mà mọi người có thể dễ nhầm lẫn với bệnh khác đó là ho dai dẳng, sưng bụng, tăng cân nhanh, buồn nôn và chán ăn”.
“Những người gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này nên tới ngay các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.”
Khó thở
Khi khả năng bơm máu của tim yếu đi, máu từ phổi sẽ không được đẩy ra ngoài hoàn toàn mà dần dần sẽ tích tụ lại, gây ra triệu chứng khó thở. Lúc đầu, khó thở chỉ xảy ra khi hoạt động gắng sức như chạy. Khi bệnh tiến triển, việc đi lại cầu thang, đi bộ cũng có thể khó khăn hơn. Người bệnh phải dừng lại thường xuyên để hít thở.
Ho dai dẳng
Bác sĩ Gosia Wamil cho biết bệnh nhân suy tim có thể có triệu chứng “ho dai dẳng”.
Khi phổi chứa nhiều chất lỏng chưa được “bơm” ra, ngoài khó thở, người bệnh cũng sẽ có triệu chứng thở khò khè, ho. Tình trạng ho sẽ nặng hơn khi nằm xuống và đỡ khi ngồi dậy. Nếu điều này diễn ra thường xuyên, đừng chần chừ mà hãy tới ngay bệnh viện để thăm khám.
Sưng, phù
Khi sức bơm của tim giảm, chất lỏng sẽ tích tụ cả ở những cơ quan khác trên cơ thể. Đầu tiên, bạn có thể thấy mắt cá chân và bàn chân sưng phù. Dấu hiệu này có thể bị bỏ qua ở những người thường xuyên đi lại trong ngày.
Sau đó, các cơ quan khác như ống chân, đùi cũng bị phù. Nếu bạn đặt đầu ngón tay lên chân và ấn nhẹ, vết lõm có thể tồn tại trong vài phút rồi mới biến mất.
Đau dạ dày, tăng cân
Đôi khi bạn có thể chỉ ăn một chút nhưng vẫn cảm thấy rất no, sau đó là tăng cân. Đây là dấu hiệu cho thấy chất lỏng trong cơ thể đang tăng lên.
Máu tới các cơ quan tiêu hóa ít đi nên có thể ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của các cơ quan này, dẫn tới đau dạ dày, đầy bụng, buồn nôn,…
Mệt mỏi
Cách dễ nhất để biết rằng tình trạng suy tim đang trở nên tồi tệ hơn là khả năng vận động của bệnh nhân ngày càng kém đi.
Những thói quen thường ngày như câu cá, leo cầu thang, thậm chí đi bộ cũng có thể khiến người bệnh mệt mỏi hơn. Dấu hiệu này cho thấy đã đến lúc bạn cần đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ.
Ai là người dễ mắc suy tim?
Bệnh động mạch vành là nguyên nhân chính gây ra suy tim. Cơ tim bị xơ cứng phần lớn là hậu quả của việc không kiểm soát bệnh tăng huyết áp hoặc tiểu đường.
Có những nguyên nhân hiếm gặp hơn gây ra suy tim như viêm cơ tim do nhiễm virus. Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì,…
Tiến sĩ Angela Rai, bác sĩ đa khoa tại Bệnh viện Đa khoa London, cho biết những bất thường về tim có thể liên quan tới những người làm việc nhiều giờ.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế Châu Âu vào năm 2017 đã kết luận: “Những người làm việc nhiều giờ có nguy cơ bị rung tâm nhĩ cao hơn những người làm việc theo số giờ tiêu chuẩn. Rung tâm nhĩ là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất và gây ra một số tình trạng như đột quỵ, suy tim”.
Theo đó, những người làm từ 55 giờ trở lên mỗi tuần có nguy cơ mắc các bệnh về tim cao hơn 1,4 lần so với những người làm việc từ 35-40 giờ mỗi tuần.
Một số yếu tố khác của suy tim gồm ngưng thở khi ngủ, sử dụng một số loại thuốc,… Do đó, điều quan trọng là xác định nguyên nhân gây ra suy tim để tìm các phương pháp điều trị thích hợp.
Suy tim có thể chữa khỏi không?
Suy tim là tình trạng mạn tính, không thể chữa khỏi mà chỉ kiểm soát các triệu chứng.
Bác sĩ Gosia Wamil cho biết: “Sau khi được chẩn đoán suy tim, bệnh nhân sẽ phải kiểm soát tình trạng bệnh trong suốt phần đời còn lại của mình, thường là thông qua chăm sóc tại các phòng khám chuyên khoa suy tim. Điều trị có thể bao gồm thuốc, thiết bị cấy ghép bằng phẫu thuật và thậm chí là ghép tim”.
Người suy tim cần chú ý những gì?
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh, người bị suy tim nên:
– Có chế độ ăn uống cân bằng các chất dinh dưỡng; Ăn nhiều rau và trái cây hơn, nên ăn ít nhất 5 phần mỗi ngày; Bổ sung protein từ các loại đậu, cá, trứng, thịt trắng,…; Giảm muối và đường; Hạn chế chất béo bão hòa;…
– Hạn chế uống rượu bia.
– Không hút thuốc lá.
– Có chế độ tập luyện thường xuyên theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
– Tránh vận động mạnh, gắng sức.
– Tiêm phòng định kỳ các loại vắc xin như cúm mùa, phế cầu.
– Kiểm soát triệu chứng và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
An Na (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị