Các tiêu chuẩn xây dựng đô thị thông minh
Tại Việt Nam, khái niệm đô thị thông minh vẫn còn khá mới. Nói một cách dễ hiểu thì đây là mô hình thành phố sử dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đô thị thông minh sử dụng Internet vạn vật (IoT) – hệ thống tương quan giữa máy móc, các thiết bị thông tin, thiết bị kĩ thuật số, sự vật, động vật và con người giúp truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và đơn giản. Đây cũng là tiêu chí hàng đầu để đánh giá một thành phố có thông minh hay không.
Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về các tiêu chuẩn của thành phố thông minh. Khái quát lại thì thành phố thông minh được cấu thành bởi 6 tiêu chuẩn là: Môi trường thông minh, đời sống thông minh, nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, chính quyền/ quản trị thông minh và cư dân thông minh.
Ảnh minh hoạ
Với Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 cùng việc sửa đổi Luật Xây dựng 2014, Việt Nam đang hướng tới thúc đẩy phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, quy định về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng đô thị thông minh; hoàn thiện xây dựng Danh mục hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành Thông tin và Truyền thông đã đưa ra khung tham chiếu ICT đô thị thông minh và chỉ số đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025. Điều này hỗ trợ địa phương triển khai dịch vụ đô thị thông minh, tăng cường chất lượng cuộc sống.
Ngành Khoa học công nghệ công bố 46 tiêu chuẩn quốc gia phục vụ đô thị thông minh, trong khi lĩnh vực giao thông tiếp tục nghiên cứu công nghệ mới. Đồng thời, Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia” đã được Thủ tướng phê duyệt, cung cấp cơ sở dữ liệu chất lượng cao…
Bảo Lâm