Các tiêu chuẩn quốc gia mới về nông nghiệp hữu cơ
Những năm gần đây, diện tích trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hữu cơ tại Việt Nam không ngừng tăng lên. Các văn bản quy phạm pháp luật về nông nghiệp hữu cơ cũng được ban hành nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ.
Năm 2017-2018, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ đã xây dựng và trình công bố bộ tiêu chuẩn quốc gia gồm 08 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ và TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ. Trong năm 2022, Ban kỹ thuật TCVN về nông nghiệp hữu cơ tiếp tục xây dựng và trình công bố 05 TCVN bổ sung vào bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041.
Những năm gần đây, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 6 thế giới và đứng thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong. Ngành nuôi ong đang phát triển và xu hướng sản xuất mật ong hữu cơ ngày càng gia tăng. TCVN 11041-3:2017 quy định yêu cầu đối với quá trình chăn nuôi theo phương thức hữu cơ, tập trung vào chăn nuôi gia súc và gia cầm. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này chưa có quy định cụ thể cho một số loại hình chăn nuôi đặc thù như nuôi ong.
Như vậy, đối với lĩnh vực chăn nuôi, cùng với tiêu chuẩn chung TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ, sẽ có một vài tiêu chuẩn đặc thù như TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ (quá trình nuôi bò sữa và thu hoạch, sơ chế, chế biến sữa hữu cơ), TCVN 11041-9:2023 về mật ong hữu cơ.
Đối với trồng trọt hữu cơ, TCVN 11041-2:2017 quy định các yêu cầu đối với quá trình sản xuất. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này chưa có quy định cụ thể cho một số loại hình trồng trọt đặc thù như trồng nấm, trồng rau mầm.
Không những là các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có giá trị kinh tế, nấm và rau mầm hữu cơ ngày càng được người nông dân phát triển theo hướng hữu cơ trong các năm vừa qua. Đây là các sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi điều kiện trồng trọt nghiêm ngặt, việc sử dụng vật liệu không hóa chất sẽ đem đến chất lượng cao cho sản phẩm. Đây cũng là các sản phẩm nằm trong nhóm rau củ quả cần phát triển hữu cơ theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên phát triển hướng đến mở rộng diện tích trồng sản phẩm hữu cơ đến năm 2030.
Nông nghiệp hữu cơ rất chú trọng đến hệ sinh thái đất, do đó không chấp nhận phương pháp thủy canh, nhưng việc trồng cây trong nhà, thùng xốp vẫn được chấp nhận mặc dù có mặt hạn chế so với trồng cây trong hệ đất mở. Hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những giải pháp quan trọng để gia tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích sản xuất; hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Như vậy, đối với lĩnh vực trồng trọt, cùng với tiêu chuẩn chung TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ, còn có một số tiêu chuẩn đặc thù như TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ (quá trình trồng lúa và thu hoạch, sơ chế, chế biến gạo hữu cơ), TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-11:2023 về nấm hữu cơ, TCVN 11041-12:2023 về rau mầm hữu cơ và TCVN 11041-13:2023 về trồng trọt hữu cơ trong nhà màng, thùng chứa.
Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi thì nuôi trồng thủy sản hữu cơ cũng là lĩnh vực được quan tâm. Với bờ biển dài 3.260 km và diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành rong biển. Việc nuôi trồng rong biển hữu cơ cũng là hướng đi tiềm năng. TCVN 11041-3:2023 về rong biển hữu cơ đã được đề xuất xây dựng để hỗ trợ hướng sản xuất này.
Ngày 07 tháng 3 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 317/QĐ-BKHCN về việc công bố 05 tiêu chuẩn quốc gia thuộc bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041 (các phần từ Phần 09 đến Phần 13) đối với mật ong hữu cơ, rong biển hữu cơ, nấm hữu cơ, rau mầm hữu cơ và đối với hoạt động trồng trọt hữu cơ trong nhà màng, thùng chứa.
Phòng TCCL 4 – Viện TCCL Việt Nam