Các thành phố lớn triển khai phát triển nhà ở xã hội thế nào trong năm 2024?
Để sớm hoàn thành Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, các thành phố lớn đã rà soát dự án, bổ sung quỹ đất, đặt mục tiêu xây dựng hàng nghìn căn nhà ở xã hội ngay trong năm 2024.
Cả nước phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Từ đầu năm 2024, Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội bằng việc tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và nỗ lực phấn đấu cả nước hoàn thành khoảng 130.000 căn ngay trong năm nay theo Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Trên cơ sở đó, các thành phố lớn đã rà soát, bổ sung quỹ đất; công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện tham gia Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để triển khai ngay trong “năm Rồng.”
Nỗ lực lớn từ các địa phương
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, trên cả nước đã có đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Hiện nay đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.
Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội nêu rõ đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương sẽ hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Là một trong những địa phương đi đầu về phát triển nhà ở xã hội, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định mục tiêu phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.
Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện 63 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ. Hiện trên địa bàn thành phố đã có 5 dự án hoàn thành với khoảng 5.200 căn hộ.
Trong năm 2024, Hà Nội dự kiến hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội tại 7 dự án (trong đó có 3 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành với khoảng 1.180 căn hộ; 4 dự án phát triển mới là các dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích sàn khoảng 9.000 căn hộ).
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn có 91 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 210ha, quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ. Trong đó có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Trên cơ sở đó, trong năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ cố gắng hoàn thành 3.398 căn nhà ở xã hội (tổng diện tích sàn 264.393m2) với 6 dự án đang triển khai và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 12.000 căn nhà ở xã hội vào 30/4/2025,” ông Quân nhấn mạnh.
Đối với thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Lê Quang Nam cho biết chỉ tiêu Chính phủ giao cho địa phương theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội” là 12.800 căn hộ.
Trong giai đoạn 2021-2023, Đà Nẵng đã hoàn thành 8 khối nhà tại 3 dự án (với 1.774 căn); hiện đang triển khai xây dựng 5 dự án với 2.750 căn.
Đà Nẵng cũng đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án với 813 căn từ nguồn vốn ngân sách; thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư 3 dự án với 3.519 căn từ nguồn vốn ngoài ngân sách; giới thiệu để Tổng Liên đoàn Lao động triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở với 732 căn; bổ sung kế hoạch tiếp tục kêu gọi đầu tư 2-3 dự án mới trong giai đoạn 2024-2025.
Trong năm 2024, thành phố Hà Nội dự kiến phát triển mới để hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Ngoài ra, Đà Nẵng đã công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện tham gia Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với 3 dự án; dự kiến sẽ hoàn thành 1.880 căn hộ nhà ở xã hội trong năm nay
Bổ sung quỹ đất, tăng dự án mới
Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho hay trong năm 2024, thành phố này sẽ tiếp tục rà soát tình hình triển khai 5 dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư; tập trung tháo gỡ các vướng mắc (nếu có) để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án.
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng cũng phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án từ nguồn vốn ngân sách để khởi công trong năm 2024; hoàn thành công tác lựa chọn chủ đầu tư 3 dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để kêu gọi đầu tư 2-3 dự án mới; rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quá trình rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch phân khu.
“Ngoài ra, thành phố sẽ ưu tiên khu vực gần các khu, cụm công nghiệp mới; rà soát quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị,” ông Lê Quang Nam nhấn mạnh.
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021-2030, thành phố sẽ triển khai hoàn thành 5 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với khoảng 15.000 căn hộ. Đến nay có 4/5 dự án nhà ở xã hội tập trung đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo pháp luật về đầu tư.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đang chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát các quỹ đất ở 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển mới các dự án nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của nhân dân Thủ đô.
Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội hiện nay thành phố vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở xã hội liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, về cơ chế ưu đãi…
“Do đó, thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong quá trình xây dựng các Nghị định có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện theo quy trình riêng theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện,” ông Phong nói.
Ngoài ra, đại diện thành phố Hà Nội cũng đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu quy định theo hướng cho phép sử dụng số tiền thu được tương đương giá trị quỹ đất ở 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thông qua quỹ đầu tư phát triển của địa phương để đầu tư xây dựng hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi.
Để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng và phù hợp với tình hình thực tế về vật tư, nhân công hiện nay, đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép áp dụng suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội được áp dụng chung suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở thương mại.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thống nhất điều kiện tham gia vay ưu đãi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ theo hướng đơn giản thủ tục, điều kiện vay làm cơ sở để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư áp dụng thực hiện.
Cùng với các thành phố lớn, nhiều địa phương (như Lạng Sơn, Sóc Trăng, Bắc Ninh, Quảng Ninh,…) cũng đang tập trung thực hiện công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở, bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Nguồn: Báo xây dựng