Các sản phẩm nông nghiệp tăng tốc xuất khẩu, hứa hẹn tạo đột phá lớn trong năm mới
Những bứt phá ngoạn mục
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1/2 – 15/2) đạt 150.944 tấn, trị giá 104,33 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, xuất khẩu gạo đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 703,5 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 14,4% (tăng hơn 83.000 tấn); trong khi đó, trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân 703,5 USD/tấn, tăng tới 33,65% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).
Trước đó, năm 2023 xuất khẩu gạo cũng thu về các con số khá ấn tượng với 8,1 triệu tấn, trị giá 4,68 tỉ USD, lần lượt tăng 14,4% và 35,3% so với năm trước.
Cùng với gạo, trong nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1/2 – 15/2), xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 353,97 triệu USD; lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2 đạt 1,82 tỉ USD, tăng 0,61 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 1, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,47 tỉ USD, tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 83,1% so với cùng kỳ năm trước
Tính riêng trong tháng 1, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,47 tỉ USD, tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 83,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt con số tăng trưởng ấn tượng nhất đó là tại thị trường Mỹ. Các sản phẩm gỗ Việt Nam chỉ trong tháng 1 đã thu về 821 triệu USD, tăng 123,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, nhiều thị trường cũng có tín hiệu khả quan trong tăng trưởng xuất khẩu tháng 1 vừa qua như: Trung Quốc (170 triệu USD, tăng 35,3%), Nhật Bản (163 triệu USD, tăng 27,3%), Hàn Quốc (70 triệu USD, tăng 9,7%)…
Không chỉ có gạo, gỗ, nhiều sản phẩm thủy sản cũng bắt đầu hồi phục xuất khẩu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ước tính tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái: tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%. Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc: tăng gấp hơn 3 lần, xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%…
Tháng 1/2024, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật. Riêng mặt hàng tôm và cá tra, Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng này, khi mà xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Có chiến lược cụ thể cho từng thời điểm, từng ngành hàng
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu, năm 2024 xuất khẩu nông sản đạt khoảng 54-55 tỷ USD. Trong đó rau, quả, gạo, thủy sản, lâm sản là nhóm hàng chủ lực, kỳ vọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của toàn ngành.
Các chuyên gia cho rằng, ngành Nông nghiệp sẽ cán đích thành công, thậm chí vượt mục tiêu đề ra, bởi nhiều ngành hàng hứa hẹn có đột phá lớn. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyễn cho biết, năm 2024, ngành hàng rau, quả của Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 15-20%, tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí tiến tới mốc 7 tỷ USD. Hiện tại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau, quả.
“Nguồn lực rau, quả của Việt Nam là rất lớn; trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của thế giới. Dư địa của ngành hàng này còn nhiều. Điều quan trọng là làm thế nào để khai thác tốt các tiềm năng đó”, ông Đặng Phúc Nguyễn nói.
Tương tự, nhóm, ngành hàng thủy sản kỳ vọng đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, khi nhiều thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, gạo, lâm sản, các sản phẩm đồ gỗ cũng được ngành Nông nghiệp kỳ vọng có một năm phục hồi, khởi sắc để đưa giá trị xuất khẩu của toàn ngành lên cao.
Thuận lợi khá lớn, song khó khăn, thách thức không phải là không có. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc chưa khai thác hết thế mạnh về chế biến sâu, gây dựng thương hiệu, cũng như các yêu cầu về chất lượng vẫn đang là rào cản đối với nông sản Việt Nam. Mặc dù thời gian qua nông sản Việt đã có sự chuyển biến về chất lượng, nhiều doanh nghiệp tuân thủ các quy định của phía nhập khẩu, song đây vẫn là thách thức lớn để bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu.
“Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các doanh nghiệp giám sát, quản lý tốt quá trình sản xuất, cấp mã vùng, rà soát các tiêu chí, đáp ứng tiêu chuẩn từ nhiều thị trường lớn. Bộ cũng phân tích thị trường để có những chiến lược cụ thể cho từng thời điểm, từng ngành hàng, tạo đột phá về xuất khẩu nông sản. Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ bám sát các thị trường nhập khẩu lớn, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và khai thác thêm các thị trường mới, tiềm năng, như các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu