Các quốc gia châu Á đứng đầu về dịch vụ kinh doanh toàn cầu

Các nền kinh tế châu Á tiếp tục chiếm 7 trong số 10 nước dẫn đầu, trong đó Ấn Độ ở vị trí đầu bảng với số điểm 7,09, tiếp theo là Trung Quốc (6,80) và Malaysia (6,22).

cac quoc gia chau a dung dau ve dich vu kinh doanh toan cau
Công nhân kiểm tra các ống sợi trên máy dệt thảm tại một nhà máy ở ngoại ô Jammu, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng tư vấn toàn cầu Kearney (Mỹ) mới đây đã xếp hạng Malaysia ở vị trí thứ 3 về dịch vụ Kinh doanh toàn cầu (GBS) cạnh tranh trên thế giới, đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo Chỉ số Dịch vụ Toàn cầu (GSLI) năm 2021 của Kearney, các nền kinh tế châu Á tiếp tục chiếm 7 trong số 10 nước dẫn đầu, trong đó Ấn Độ ở vị trí đầu bảng với số điểm 7,09, tiếp theo là Trung Quốc (6,80) và Malaysia (6,22).

Với báo cáo 2 năm/lần này, chỉ số trên theo dõi các diễn biến tình hình ở 60 quốc gia với 4 hạng mục chính, bao gồm sức hấp dẫn về tài chính, kỹ năng và sự sẵn có nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh và cộng hưởng kỹ thuật số.

Giám đốc Điều hành của hãng tư vấn tài chính AGOS ASIA kiêm chuyên gia tư vấn chuyển đổi doanh nghiệp Joon Teoh cho biết chỉ số GBS sẽ cho phép các tập đoàn đa quốc gia lớn (MNC) và các tổ chức tập trung vào các hoạt động kinh doanh như tài chính, nhân sự, công nghệ thông tin (CNTT) và mua sắm ở một số quốc gia nhất định cung cấp các dịch vụ chia sẻ.

Bà nhấn mạnh rằng các MNC đã thành lập trung tâm GBS ở Malaysia bao gồm Shell, AstraZeneca, British American Tobacco và Bash. Trong khi đó, đối với các tổ chức quốc tế liên chính phủ như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), điểm thu hút lớn nhất của Malaysia là sự đa dạng về kỹ năng, bao gồm cả ngôn ngữ vốn có thể là công cụ kết nối được với các quốc gia khác.

Theo chuyên gia Joon Teoh, các trung tâm GBS phục vụ chính những người của họ trong các tập đoàn và tổ chức trên khắp thế giới. Nếu nhân viên của họ phải đi công tác nước ngoài thì vé máy bay, các khoản thanh toán… đều sẽ được quản lý bởi các trung tâm GBS đặt tại Malaysia hoặc các quốc gia khác thông qua ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.

Bà đánh giá rằng Chính phủ Malaysia luôn chú trọng đến sự phát triển của GBS trong nước, bao gồm cả tầm quan trọng của GBS trong Kế hoạch Malaysia lần thứ 12 (12MP). Điều này xuất phát từ việc khi một trung tâm GBS thành lập thường cần đến hàng nghìn nhân viên nên sẽ không chỉ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mà còn giúp thúc đẩy quá trình số hóa quốc gia.

Chính phủ Malaysia đang đưa GBS trở nên có giá trị thông qua thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số. Đây sẽ là điều rất có giá trị đối với Malaysia, nơi mà các trung tâm GPS đang phát triển mạnh mẽ nhờ các nhóm địa phương trong thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển, bao gồm phân tích và tự động hóa quy trình bằng robot.

Theo 12MP, trong 5 năm tới, Malaysia đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực chiến lược và có tác động cao, bao gồm điện và điện tử, dịch vụ toàn cầu (GS) và hàng không vũ trụ. Trong đó, GS bao gồm các trung tâm chính, GBS và hoạt động của các trụ sở vốn được xem là nguồn đóng góp chính cho các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực dịch vụ.

Các khoản đầu tư được chấp thuận vào GS của các công ty đa quốc gia được ghi nhận khoảng 46,1 tỷ RM, chiếm 51,7% tổng vốn FDI vào lĩnh vực dịch vụ giai đoạn 2016-2020./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích