Các nước mạnh tay với công trình sát biển: Phá vài chục tòa, đập tường chắn
Nhiều nước như Trung Quốc, Philippines, Thái Lan rất quyết liệt trong việc xử lý các công trình trái phép tại các bờ biển. Việc tháo dỡ còn được yêu cầu với cả những công trình lớn, có giá trị.
Tại Trung Quốc, hồi tháng 1, chính quyền thành phố Đan Châu, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã lệnh cho chủ đầu tư Evergrande phải tháo dỡ 39 tòa nhà chọc trời tại dự án Ocean Flower Island, một dự án tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn trên hòn đảo nhân tạo ngoài khơi đảo Hải Nam.
Chính quyền thành phố Đan Châu, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã lệnh cho chủ đầu tư Evergrande phải tháo dỡ 39 tòa nhà chọc trời tại dự án Ocean Flower Island (Ảnh: The Guardian). |
Evergrande không cho biết lý do của lệnh phá dỡ này, song theo Global Times, thông báo của thành phố Đan Châu đề cập đến việc xây dựng trái phép và vi phạm môi trường, đồng thời yêu cầu Evergrande phải thực hiện phá dỡ trong vòng 10 ngày.
Nằm trên 3 hòn đảo nhân tạo, khu nghỉ dưỡng Ocean Flower Island được xây dựng với dự định trở thành điểm thu hút du lịch văn hóa hàng đầu của Trung Quốc. Theo website của dự án, dự án Ocean Flower Island có tổng đầu tư khoảng 25 tỷ USD.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm đó khu nghỉ dưỡng đã được tập đoàn Evergrande chi đến 81 tỷ nhân dân tệ (13 tỷ USD) để xây dựng hơn 60.000 căn hộ. Evergrande cho biết lệnh phá dỡ chỉ thực hiện đối với 39 tòa nhà trên lô đất 2-14-1 trên đảo số 2, không liên quan đến các lô đất khác của dự án.
Philippines cũng là nước kiên quyết xử lý những dự án sai phép ở các bãi biển, đặc biệt trong vành đai 20 m. Hồi tháng 11/2019, chính quyền địa phương ở Philippines đã yêu cầu phá dỡ 10 công trình được cho là lấn chiếm bãi biển Bulabog trên đảo Boracay, bất chấp những phản đối từ các chủ sở hữu.
Nói với Inquirer, ông Natividad Bernardino, Tổng giám đốc của nhóm quản lý cải tạo liên cơ quan Boracay, cho biết 3 trong 10 công trình này là nhà dân và công trình thương mại, bao gồm một trường dạy lướt ván, khu dân cư và các khách sạn, nhà hàng… và thay thế vào đó là một con đường được mở dọc bãi biển Bulabog.
Không chỉ đảo Boracay, khoảng 90% công trình bất hợp pháp dọc bãi biển Alona nổi tiếng trên đảo Panglao cũng đã bị phá bỏ.
Khoảng 90% công trình bất hợp pháp dọc bãi biển Alona nổi tiếng trên đảo Panglao cũng đã bị phá bỏ (Ảnh: Inquirer). |
Theo bà Angie Hoffman, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Đảo Panglao, có ít nhất 20 cơ sở dọc bãi biển Alona đã tuân thủ việc phá dỡ này. Các chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng đã dỡ bỏ những công trình xây dựng trong vành đai 20 m, bao gồm các bức tường chắn sóng và kè đá. Trong quá trình dỡ bỏ, không phát hiện các đường ống xả thải bất hợp pháp nào dưới bãi cát của hòn đảo.
Ở Philippines bất kỳ công trình kiên cố nào xây dựng trong phạm vi 20 m tính từ đường nước vào đất liền là bất hợp pháp. Bộ trưởng Môi trường Philippines đã yêu cầu phá dỡ các công trình bất hợp pháp trong khu vực cấm trên, bao gồm cả tường chắn sóng và kè đá do các cơ sở tự dựng lên.
Bà Hoffman cho biết phải mất một thời gian để phá bỏ các công trình bất hợp pháp này, đặc biệt là các bức tường chắn sóng (được các chủ khu nghỉ dưỡng xây dựng để chống xói mòn), trả lại nguyên trạng cho bãi biển.
Tại Thái Lan, theo Bangkok Post, năm 2016, chính quyền tỉnh Phuket đã chỉ thị cho chính quyền địa phương thu hồi đất trên Paradise Beach ở khu Patong thuộc huyện Kathu từ công ty Paradise Beach Management. Lệnh phá dỡ 14 tòa nhà được xây dựng dọc bãi biển Paradise cũng được ban ra và yêu cầu thực hiện trong vòng 30 ngày.
Việc thu hồi này được tiến hành sau khi Tòa án tối cao kết luận công ty trên phải trả lại đất cho Văn phòng cải cách đất nông nghiệp Thái Lan vì cuộc điều tra cho thấy đó là đất nông nghiệp và các tòa nhà đều xây dựng không phép.
Lệnh phá dỡ này được cho là phù hợp với kế hoạch thu hồi đất công bị lấn chiếm để trả lại cho mục đích công cộng của Hội đồng Quốc gia về hòa bình và trật tự Thái Lan.
Tòa thị chính Phuket sau đó cũng đã yêu cầu các thương nhân phá dỡ các công trình xây dựng trái phép trong khu vực công cộng của tỉnh.
Nguồn: Báo xây dựng