Các nước đang quy định ra sao về lắp đặt trạm sạc xe điện tại khu dân cư?

Các nước đang quy định ra sao về lắp đặt trạm sạc xe điện tại khu dân cư?

Theo dõi MTĐT trên

Xác định xe năng lượng sạch là xu hướng tất yếu, nhiều quốc gia đã sớm ban hành các quy định bắt buộc về việc xây dựng hạ tầng cho xe điện, trong đó đáng lưu ý là hệ thống trạm sạc ở các khu dân cư, chung cư.

Châu Âu: Trạm sạc là hạng mục bắt buộc vì một ‘lục địa không phát thải’

Tại EU, năm 2022, xe thuần điện đã phá kỷ lục về doanh số khi chiếm 12,1% thị phần ô tô, tăng mạnh so với mức 1,9% của năm 2019. Các quốc gia có tỷ lệ ô tô điện mới cao nhất là Na Uy (86%), Iceland (64%), Thụy Điển (47%), Đan Mạch (35%) và Phần Lan (32%).

Ủy ban châu Âu (EC) xem xe điện là “chìa khóa” để xanh hóa giao thông, với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một giải pháp quyết liệt là lệnh cấm bán xe chạy xăng, dầu từ năm 2035 vừa được thông qua ngày 14.2.2023.

Trước đó, từ năm 2014, EC đã ban hành Chỉ thị phát triển hạ tầng cho nhiên liệu thay thế (AFID), gỡ bỏ các rào cản kết nối, thông tin và thanh toán cho xe năng lượng sạch.

Các nước đang quy định ra sao về lắp đặt trạm sạc xe điện tại khu dân cư?
Anh đặt mục tiêu sớm phổ cập xe điện với 300.000 trạm sạc được lắp đặt vào năm 2030 Ảnh: Getty Image

Các quốc gia châu Âu cũng nhanh chóng nhập cuộc nhằm sớm hiện thực hóa tầm nhìn về một “lục địa không phát thải”. Ngày 22.11.2021, Anh ban hành điều luật yêu cầu tất cả các tòa nhà và công trình mới như siêu thị, văn phòng cũng như các tòa nhà đang cải tạo lại có nhiều hơn 10 chỗ đỗ xe, phải lắp các trạm sạc xe điện.

Theo quy định mới này, khoảng 145.000 điểm sạc sẽ được lắp đặt thêm ở Anh mỗi năm, giúp nước này đạt mục tiêu dừng bán xe động cơ đốt trong từ năm 2030.

Các nước đang quy định ra sao về lắp đặt trạm sạc xe điện tại khu dân cư?
Các hội đồng chung cư ngày càng nhận thức được rằng các căn hộ sẽ giảm đi một phần giá trị nếu tòa nhà không lắp đặt các trạm sạc cho xe điện. Ảnh: TheGlobeandMail

Trong khi đó, đầu tháng 3.2023, Đức vừa công bố một dự luật về việc bắt buộc lắp đặt các trạm sạc xe điện trong các chung cư. Theo đó, với các tòa nhà hiện hữu, chủ đầu tư/chủ căn hộ muốn lắp đặt trạm sạc sẽ không cần phải có sự đồng ý của tất cả những người thuê nhà, trừ khi ảnh hưởng đến tài sản chung.

Đối với các công trình xây mới, dự thảo luật yêu cầu lắp đặt hạ tầng sạc điện trong các tòa nhà có từ 6 căn hộ trở lên, với tỷ lệ 20% không gian bãi đỗ xe.

Bắc Mỹ: Thành thủ phủ nhờ các tòa nhà thân thiện với xe điện

Bắc Mỹ cũng tiến rất nhanh trong cuộc đua “phủ sóng” trạm sạc. Tại Canada, British Columbia đang là bang dẫn đầu, với 20 thành phố quy định các tòa căn hộ, nhà liền kề phải trang bị hạ tầng cho xe điện. Đặc biệt, năm 2018, Vancouver đã sửa luật, nâng tỷ lệ bắt buộc các bãi đậu xe tại các tòa nhà phức hợp sẵn sàng cho xe điện từ 20% lên 100%.

Các nước đang quy định ra sao về lắp đặt trạm sạc xe điện tại khu dân cư?
Số điểm sạc tại châu Âu và Bắc Mỹ sẽ đạt 4,4 triệu vào năm 2024. Ảnh: Kiosk Marketplace

Tại Mỹ, Bộ luật Tiêu chuẩn Công trình Xanh California (2019) quy định, trong quá trình xây dựng nhà ở có gara riêng hoặc các tòa chung cư, thương mại và tòa nhà công cộng, chủ đầu tư phải đi dây trước để có thể lắp đặt trạm sạc xe điện.

Bộ luật cũng yêu cầu toàn tiểu bang dành 3% tổng số chỗ đậu xe trong các tòa nhà thương mại sẵn sàng hạ tầng cho các trạm sạc. Nhờ những giải pháp mạnh mẽ, California nhanh chóng trở thành “thủ phủ xe điện” xứ cờ hoa, với mục tiêu dừng bán xe xăng, dầu vào năm 2035.

Các nước đang quy định ra sao về lắp đặt trạm sạc xe điện tại khu dân cư?
Xe điện Chevrolet Bolt EV tại một trạm sạc nhanh EVgo trong một khu dân cư ở Mỹ. Ảnh: Green Car Reports

Trước đó, tháng 11.2017, Atlanta, vùng đô thị lớn thứ chín Hoa Kỳ, đã thông qua sắc lệnh “Sẵn sàng cho xe điện”, yêu cầu tất cả các khu dân cư mới và bãi đỗ xe công cộng đều có thể chứa xe điện; tất cả các khu dân cư và chung cư phải được trang bị hạ tầng cần thiết để lắp đặt các trạm sạc. Tương tự, chiến lược phát triển xe điện của bang Oregon gần đây cũng đưa ra yêu cầu bắt buộc về việc xây dựng tòa nhà “thân thiện” với xe điện.

Châu Á: “Thế lực” đang trỗi dậy với những động thái mạnh mẽ

Theo tổ chức nghiên cứu McKinsey, không phải Bắc Mỹ hay châu Âu mà châu Á mới là thị trường lớn nhất của xe điện trong tương lai với những đầu tàu là Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ.

Trong một động thái mới nhất, chính quyền Tokyo (Nhật Bản) yêu cầu tất cả các tòa chung cư mới phải lắp đặt sẵn hạ tầng cho xe điện. Theo đó, các chung cư mới cần đảm bảo số bộ sạc bao phủ tối thiểu 20% chỗ đậu xe, từ năm 2025. Đây là một phần trong nỗ lực của Tokyo nhằm tăng số lượng trạm sạc tại các tòa chung cư – nơi sinh sống của 70% dân số – lên gấp 150 lần và tăng doanh số xe điện lên 50% lượng xe bán mới vào năm 2030.

Các nước đang quy định ra sao về lắp đặt trạm sạc xe điện tại khu dân cư?
Chính quyền Tokyo (Nhật Bản) đang thúc đẩy việc lắp đặt trạm sạc xe điện tại các bãi đậu xe chung cư. Ảnh: Nikkei

Tỷ lệ 20% sức chứa của bãi đậu xe được trang bị hạ tầng sạc điện cũng là quy định mà New Delhi (Ấn Độ) đưa ra với các khu dân cư và khu phức hợp thương mại mới xây dựng. Trong khi đó, Hàn Quốc đang dự định sửa luật, buộc các khu căn hộ mới phải có ít nhất 5% chỗ đậu xe được lắp đặt trụ sạc xe điện. Tỷ lệ này ở các chung cư đã xây dựng là 2%.

Các nước đang quy định ra sao về lắp đặt trạm sạc xe điện tại khu dân cư?
Tại Thượng Hải (Trung Quốc), ngày càng nhiều khu đỗ xe chung cư được trang bị trụ sạc ô tô điện. Ảnh: TheGlobeandMail

Trung Quốc cũng thể hiện tham vọng dẫn trước trong cuộc cách mạng điện hóa di chuyển. Quốc gia tỷ dân có kế hoạch xây dựng đủ trạm sạc cho 20 triệu xe điện vào năm 2025. Cụ thể, “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” của Trung Quốc yêu cầu 100% các khu dân cư mới phải cung cấp các trạm sạc và tất cả các khu phức hợp hiện có phải chuyển đổi chỗ đậu xe để hỗ trợ xe điện nếu có thể.

Trên thực tế, hệ thống trạm sạc xe điện là nền tảng mấu chốt để hiện thực hóa lộ trình dừng hoàn toàn việc lưu thông xe động cơ đốt trong của các nước. Theo nhiều chuyên gia, quy định về hạ tầng dành cho xe xanh được luật hoá sẽ giúp Chính phủ các nước nhanh chóng đạt được mục tiêu cam kết về mức phát thải ròng bằng 0, nhằm trả lại bầu khí quyển thực sự trong lành cho con người.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích