Các nước chủ nhà hội nghị COP cam kết hành động quyết liệt hơn
Các nước chủ nhà hội nghị COP cam kết hành động quyết liệt hơn
UAE, Azerbaijan và Brazil cùng cam kết điều chỉnh kế hoạch khí hậu nhằm đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C, đồng thời kêu gọi cNuoác quốc gia khác hành động tương tự.
Ngày 20/3, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Azerbaijan và Brazil cùng tuyên bố cắt giảm lượng khí thải để đáp ứng mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C.
UAE đã đăng cai Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai năm ngoái, trong khi Azerbaijan và Brazil là Chủ tịch COP29 và COP30 sắp tới.
Trong bức thư chung, ba quốc gia cùng cam kết điều chỉnh các kế hoạch khí hậu của chính mình nhằm đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác hành động tương tự.
Nội dung thư nêu rõ: “Là ba quốc gia đang phát triển đại diện cho các khu vực địa lý khác nhau trên thế giới, các Chủ tịch COP28, COP29 và COP30 sẽ thể hiện cam kết của mình thông qua việc đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm đáp ứng mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C.”
Dự kiến, cuộc họp đầu tiên trong loạt cuộc họp bàn về các mục tiêu khí hậu quốc gia sẽ diễn ra tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch trong hai ngày 21-22/3, với sự tham gia của các bộ trưởng và nhà đàm phán từ khoảng 40 nước, trong đó có cả đặc phái viên khí hậu mới của Mỹ John Podesta.
Các quốc gia đang chịu áp lực phải đáp ứng mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C thông qua việc cam kết thúc đẩy nỗ lực cắt giảm lượng khí nhà kính trong các COP sắp tới.
Tuần trước, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức các COP, trong đó các nước đưa ra những cam kết mới, cũng như nâng cấp các cam kết hiện có, đồng thời bảo đảm “an toàn và thịnh vượng” của người dân trên khắp thế giới.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng mức an toàn hơn là 1,5 độ C nếu có thể.
Hiệp định cũng quy định 5 năm một lần các quốc gia công bố kế hoạch cắt giảm lượng khí thải tăng dần, còn được gọi là NDC. Theo kế hoạch, các nước sẽ công bố NDC lần thứ 3 vào tháng 2/2025.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, với các cam kết về khí hậu hiện tại, nhiệt độ của hành tinh vẫn đang trên đà tăng từ 2,5-2,9 độ C trong thế kỷ này.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 2030-2035, đồng thời khẳng định việc giới hạn được phần nào sự tăng nhiệt độ cũng sẽ an toàn hơn cho con người và hành tinh.
Hôm 19/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh “Trái Đất đang kêu cứu” khi Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) “báo động đỏ” về hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp hành tinh hồi năm ngoái với nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 174 năm, cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị