Các nước Châu Á đang tăng tốc trong cuộc đua sản xuất vaccine nội địa

Cuộc đua sản xuất vaccine đã trở nên nóng hơn bao giờ hết khi biến chủng Delta khiến cho số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đáng kể ở một số quốc gia châu Á. Bên cạnh đó, nguy cơ thiếu hụt vaccine cũng là vấn đề nhức nhối. 

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố tại một cuộc họp của Ủy ban hợp tác công-tư về cách thúc đẩy sản xuất vaccine phòng Covid-19, đất nước này sẽ tung 2.200 tỷ won (1,9 tỷ USD) vào lĩnh vực sản xuất vaccine để trở thành một trong năm nước sản xuất vaccine phòng Covid-19 hàng đầu thế giới vào năm 2025. 

Ông Moon Jae-in cũng cho hay, cùng với chất bán dẫn và pin, vaccine phòng Covid-19 sẽ được đưa vào danh sách 3 công nghệ chiến lược quốc gia của Hàn Quốc. Khoản đầu tư trên sẽ được dùng vào việc nuôi dưỡng nhân tài phục vụ cho việc sản xuất vaccine. Dự kiến, khoảng 200 nhà khoa học, 10.000 chuyên gia thử nghiệm lâm sàng và 2.000 nhân viên sản xuất sinh phẩm sẽ được đào tạo tại Hàn Quốc. 

 Các quốc gia tại châu Á đang tăng tốc sản xuất vaccine nội địa. Ảnh minh hoạ

Theo Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol, số tiền 1,9 tỷ USD cũng sẽ được sử dụng để hỗ trợ phát triển vaccine nội địa. Chính phủ Hàn Quốc dự định giảm thuế và đưa ra các ưu đãi khác để hỗ trợ công ty cung cấp nguyên liệu, thiết bị sản xuất vaccine trong nước. 

Hiện nay, 7 nhà sản xuất dược phẩm trong nước đang chuẩn bị khởi động giai đoạn thứ ba của các thử nghiệm lâm sàng vào nửa cuối năm nay, bắt đầu với vaccine dựa trên protein của công ty dược phẩm SK Bioscience. Hàn Quốc hy vọng sẽ có thể ra mắt vaccine phòng Covid-19 do chính nước này phát triển vào nửa đầu năm 2022.

Hàn Quốc là quê hương của các công ty dược phẩm tầm cỡ như Samsung Biologics và SK Bioscience. Các nhà phân tích nhận định, việc đưa vaccine phòng Covid-19 thành một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc là hoàn toàn khả thi. Bên cạnh đó, thành công trong lĩnh vực sản xuất vaccine còn giúp Hàn Quốc nâng cao vị thế trên trường quốc tế với tư cách là nhà cung cấp toàn cầu.

Không chỉ Hàn Quốc,  Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 nội địa do Công ty Công nghệ sinh học Medigen phát triển từ cuối tháng 8. Theo Trung tâm Chỉ huy dịch tễ Đài Loan, vaccine đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm cấp phép sử dụng khẩn cấp hồi tháng 7 và khoảng 600.000 liều đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, kháng thể sản sinh sau khi tiêm vaccine của Medigen được chứng minh là “không kém” lượng kháng thể tạo ra sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca. Cùng với Medigen, 4 loại vaccine nội địa khác cũng đang trong quá trình thử nghiệm.

Còn tại Nhật Bản, đất nước này cũng có 4 ứng cử viên vaccine tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. 

Tại Thái Lan, Chính phủ cũng như người dân hi vọng với các ứng cử viên vaccine tiềm năng phát triển trong nước, nước này có thể phá vỡ thế bị động khi vẫn phải trông chờ vào các nhà phát triển vaccine nước ngoài như Sinovac, AstraZeneca, Sinopharm hay Pfizer. Đặc biệt, bên cạnh các loại vaccine dạng tiêm, Thái Lan dự định cuối năm nay sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi, sau khi các cuộc thử nghiệm ở chuột mang lại kết quả khả quan.

Tại Việt Nam, hiện có 4 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm, trong đó 2 loại vaccine tự phát triển và 2 loại nhận chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, vaccine Nanocovax do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020 dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và dự kiến sẽ sớm được cấp phép khẩn cấp để đưa vào sản xuất.

Theo các chuyên gia, dữ liệu thử nghiệm đến nay đều cho thấy vaccine Nanocovax đáp ứng những tiêu chí để được cấp phép khẩn cấp. Đó là sự an toàn, hiệu quả, năng lực sản xuất và lợi ích. Cùng với việc tăng cường tiếp cận và mua vaccine, trong bối cảnh hiện nay, các nỗ lực tự chủ về vaccine như đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine là giải pháp lâu dài giúp thế giới sớm vượt qua đại dịch. 

Diệu Hương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích