Các nguyên tắc điều ước thương mại quốc tế

– Chủ thể ký kết phải là chủ thể của Luật quốc tế. Các bên ký kết phải là thực thể đang tham gia vào những quan hệ pháp luật quốc tế một cách độc lập, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ quốc tế và có khả năng gánh vác những trách nhiệm pháp lý quốc tế do chính những hành vi của chủ thể đó gây ra.

– Tính chất: Là sự thoả thuận giữa các bên. Đây là tính chất cơ bản ĐƯQT.

– Hình thức: hầu hết các ĐƯQT đều được thể hiện bằng văn bản. Cá biệt có những ĐƯQT tồn tại dưới dạng thoả thuận miệng. Những ĐƯQT như vậy thường được gọi là các hiệp định quân tử.

Từ những đặc điểm trên có thể đưa ra khái niệm: ĐƯQT là sự thoả thuận bằng văn bản giữa các chủ thể luật quốc tế và được pháp luật quốc tế điều chỉnh.

Thuật ngữ ĐƯQT trong pháp luật và thực tiễn được sử dụng như là tên gọi chung để chỉ các văn bản pháp lý quốc tế do hai hay nhiều chủ thể luật quốc tế thoả thuận ký kết. Với những điều ước cụ thể, phụ thuộc vào sự thoả thuận giữa các bên và văn bản đó có thể được gọi là công ước, hiệp định, hiệp ước, nghị định thư, hiến chương… .

Từ phân tích trên có thể thấy Điều ước thương mại quốc tế (ĐƯTMQT) là những thoả thuận bằng văn bản về thương mại giữa các chủ thể của Luật quốc tế. ĐƯTMQT là bộ phận chính trong tổng thể ĐƯQT nói chung, là cơ sở pháp lý cơ bản nhất để điều chỉnh các quan hệ kinh tế quốc tế trong thời đại ngày nay. Trong giao lưu và hợp tác về thương mại giữa các quốc gia. Điều ước quốc tế về thương mại được coi như một phương tiện, một công cụ chủ yếu để thực hiện chính sách kinh tế đối ngoại của quốc gia. Nó cũng là cơ sở pháp lý quốc tế chính yếu đảm bảo cho sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia khi tham gia quan hệ kinh tế quốc tế. Tham gia ký kết và thực hiện các ĐƯTMQT chính là phương thức và là nội dung cơ bản nhất của quá trình hội nhập thương mại thế giới và khu vực của mỗi quốc gia.

ĐƯTMQT có ba nguyên tắc chung sau:

1. Nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế.

Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh phải được đối xử công bằng, trừ một số ngoại lệ hạn chế. Sau nhiều năm theo đuổi các mục tiêu chính sách riêng bằng các biện pháp hạn chế thương mại ngặt nghèo và sự phân biệt đối xử một cách công khai, các quốc gia đã nhận ra rằng sự phân biệt đối xử đó đã bóp méo sự cạnh tranh bình đẳng về thương mại, cản trở giao lưu kinh tế quốc tế, hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Do vậy, nguyên tắc không phân biệt đối xử đã được đưa ra như một trong những nguyên tắc xuyên suốt nội dung, tinh thần của các ĐƯTMQT.

Trên thực tế, nguyên tắc không phân biệt đối xử được thể hiện qua hai quy định cơ bản của các ĐƯQT về đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia. Trước hết phải kể đến nghĩa vụ của các nước phải tiến hành ràng buộc rõ ràng các cam kết của mình. Các ĐƯTMQT, đặc biệt là các điều ước giữa các Chính phủ về cơ bản đều bao gồm các cam kết về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Các cam kết về nghĩa vụ này do đã được các thành viên xây dựng chung từ trước, mang tính mở nên chủ yếu đề cập đến các vấn đề cơ bản, không thật cụ thể. Tuy vậy, không phải toàn bộ các ĐƯQT Việt Nam tham gia đều như nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet   

 

2. Môi trường thương mại minh bạch, dễ dự đoán.

Việt Nam cam kết thực hiện một cơ chế thương mại hoàn toàn minh bạch bằng cách cho phép góp ý kiến vào các dự thảo luật và các quy định hành chính, quy định pháp quy khác, đảm bảo sẽ công khai tất cả các luật và các quy định đó trong thời gian thích hợp trước khi các văn bản này có hiệu lực bằng cách công bố tất cả các văn bản đó; và cho phép công dân và các công ty có quyền khiếu nại các quy định đó.

Tính minh bạch trong các điều ước thương mại còn quy định cơ chế và biện pháp hữu hiệu nhằm theo dõi thường xuyên những chuyển biến trong chính sách của các bên tham gia. Đông thời là một yêu cầu tất yếu của quá trình quản lý kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngày cang đa dạng, phức tạp của các quan hệ kinh tế, đặc biệt là các quan hệ kinh tế quốc tế. Trên thực tế, chỉ khi hệ thống chính sách kinh tế, thương mại được điều chỉnh kịp thời, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng đa dạng nêu trên của thực tế kinh doanh thì sự phát triển liên tục của hoạt động kinh tế mới được đảm bảo, tránh tình trạng các biện pháp quản lý chậm được điều chỉnh trở thành rào cản đáng kể đối với sự phát triển của hoạt động kinh doanh.

Trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách kinh tế, thương mại của các nước phải được theo dõi thường xuyên. Các quy định mới phải được thông báo công khai đầy đủ, kịp thời tới các bên có liên quan. Đây là một nguyên tắc quan trọng đảm bảo tính minh bạch của hệ thống thương mại trong tương lai. Các bên tham gia các ĐƯTMQT có nghĩa vụ phải thông báo chương trình dự kiến xây dựng hệ thống chính sách thương mại của mình, đối khi còn phải làm rõ về nội dung của các quy định mới. Cơ chế ra soát chính sách và thông báo chương trình xây dựng pháp luật đều được vận hành theo nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng và ngày càng tự do hoá hơn, việc rà soát chính sách và xem xét chương trình xây dựng pháp luật của các bên tham gia ĐƯTMQT luôn được kết hợp với nhau, kết quả rà soát chính sách sẽ là cơ sở xem xét các chương trình xây dựng mới đảm bảo các chính sách mới được ban hành không hạn chế hơn các chính sách đã có.

3. Môi trường thương mại lành mạnh.

Kinh doanh trên mọi thị trường luôn là cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là trong thương mại quốc tế. Sự ra đời các ĐƯTMQT cũng chính là thể hiện ý chí của các bên tham gia muốn tạo ra một khuôn khổ nhất định nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình cạnh tranh đồng thời làm cơ sở để thúc đẩy hơn nữa giao lưu kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, các điều ước xác định cơ chế và cách thức bảo vệ, khuyến khích các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, đồng thời hạn chế, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Mục tiêu quan trọng của các ĐƯTMQT là hạn chế, ngăn chặn các hành vi kinh doanh không lành mạnh. Tuy nhiên, giới hạn trong các ĐƯTMQT mà Việt Nam đã tham gia thì khả năng đạt được mục tiêu này còn hạn chế. Ngoài các quy định về điều tra, phát hiện tình trạng cạnh tranh không trong sáng trên thị trường, các điều ước còn cho phép các bên tham gia áp dụng những biện pháp cần thiết để khôi phục lại môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Đó có thể là quyền của Chính phủ các nước áp dụng các biện pháp đối kháng hay việc cho phép các đơn vị kinh doanh yêu cầu các cơ quan tư pháp can thiệp, ngăn chặn, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh… . Tuy nhiên, về cơ bản các quy định chi tiết về việc pháp hiện, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bóp méo thị trường của các ĐƯTMQT này chủ yếu dãn chiếu hoặc dựa trên các nguyên tắc của các quy định liên quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà hiện nay Việt Nam chưa phải là thành viên.

Nguyên tắc đảm bảo môi trường thương mại lành mạnh không chỉ liên quan đến các hành vi bóp méo thị trường mà đôi khi nó còn được sử dụng ngay cả khi các hoạt động kinh doanh được tiến hành một cách trung thực theo sự điều tiết của thị trường tự do. Mục tiêu xây dựng môi trường thương mại lành mạnh được thể hiện qua việc dành quyền cho bên tham gia thị trường tự bảo vệ mình khỏi sức ép cạnh tranh tăng mạnh, trong thời gian ngắn trong khi bản thân bên tham gia này chưa đủ khả năng thực tế đứng vững.

Để điều chỉnh các hoạt động thương mại một cách có hiệu quả, ngoài 3 nguyên tắc chung đã nêu trên, thì những quy định cụ thể về hoạt động thương mại trong mối ĐƯQT cũng không kém phần quan trọng. Ví dụ, trong vấn đề liên quan tới thuế quan và thưưong mại, các nước đã ký kết Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT); trong lĩnh vực liên quan tới mua bán hàng hoá quốc tế có Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế; trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp có Hiệp ước Patent năm 1970 về sáng chế; hay một số các ĐƯQT khác như Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ chứa đựng các điều khoản liên quan tới cả hoạt động đầu tư, dịch vụ, mua sắm Chính phủ, quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, việc nghiên cứu một cách cụ thể nội dung của các ĐƯQT về thưưong mại là vô cùng phức tạp, bởi lẽ việc nghiên cứu không chỉ dừng lại là các nguyên tắc chung mà còn phải nghiên cứu từng khía cạnh cụ thể được đề cập trong mỗi ĐƯQT./.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích