Các Nghị định về lĩnh vực xây dựng: Sửa đổi để tăng cường phân cấp cho địa phương
(Xây dựng) – Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng đã tạo hành lang pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở, phát triển đô thị. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện một số yêu cầu mới buộc phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng thực tiễn.
Việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. |
Đưa chủ trương vào cuộc sống
Hội nghị Trung ương 3 (khóa XIII) của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển…; khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, trùng chéo, hoặc chưa đầy đủ, nhất là về đầu tư, kinh doanh, đất đai, quy hoạch, ngân sách, tài sản công, thuế… theo hướng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động tích cực sửa đổi, hoàn thiện; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp…
Sau đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, yêu cầu tăng cường chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, tổng kết thi hành pháp luật để chủ động tháo gỡ các vướng mắc, bất cập đang cản trở đến hoạt động phát triển kinh tế, tạo động lực mới thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật. Đặc biệt, hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Với định hướng nêu trên, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập tại các Nghị định thuộc các lĩnh vực xây dựng, đặc biệt có những bất cập nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ làm gián đoạn hoạt động đầu tư xây dựng, tác động tiêu cực tới các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua.
Theo Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng), Bộ đang trong quá trình xây dựng dự thảo, xin ý kiến về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước về xây dựng. Lãnh đạo Bộ cũng quán triệt, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị định nhằm tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Mặt khác, giảm một số loại tài liệu, văn bản pháp lý mà có thể khai thác được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực. Đồng thời làm rõ, minh bạch hóa quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt định hướng xây dựng cơ chế tăng cường phân cấp, tạo chủ động cho các địa phương.
Yêu cầu tăng cường phân cấp, cải cách hành chính
Trước yêu cầu từ thực tiễn và của Chính phủ về tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh thì Bộ Xây dựng tới đây phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan, đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tiến hành chuyển đổi số trong toàn ngành Xây dựng hướng tới Chính phủ số chuyên nghiệp phục vụ nhân dân.
Theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Điều 13, Điều 16) và Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (Điều 24) thì cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với dự án nhóm C trở lên do cơ quan Trung ương quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều công trình dự án nhóm B, nhóm C thuộc trường hợp trên lại là những công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp và được xây dựng tại nhiều địa phương trên cả nước. Nếu phải thẩm định thiết kế xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định trên sẽ làm phát sinh thời gian, chi phí gửi tài liệu, hồ sơ.
Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường phân cấp cho cơ quan chuyên môn về xây dựng tại các địa phương thực hiện việc thẩm định thiết kế xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, tiết kiệm thời gian, chi phí. Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định về xử lý chuyển tiếp tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP để bổ sung cho phù hợp với việc sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm quyền nêu trên.
Theo Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay quy định tại điểm d khoản 3 Điều 14 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã thuận tiện cho chủ đầu tư khi thực hiện song song, đồng thời các thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường và thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, các công tác trên lại liên quan trực tiếp đến thời gian, chất lượng thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Thực tế các thủ tục này có tiến độ, thời gian thực hiện khác nhau, nhiều trường hợp đến sát thời hạn phải thông báo kết quả thẩm định, chủ đầu tư mới có hoặc không có kết quả gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng để tiến hành thẩm định. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ về thời gian nhận kết quả thực hiện các thủ tục được thực hiện theo nguyên tắc đồng thời, làm cơ sở ra văn bản thẩm định.
Về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài đang được quy định tại Điều 104 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, Bộ Xây dựng cho rằng với các thông tin cần xác minh để giải quyết thủ tục hành chính đơn giản, không phức tạp nên để thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, cần giao cho Sở Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thay vì Bộ Xây dựng cấp đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên như hiện nay.
Cũng liên quan đến Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết phải bổ sung quy định về các trường hợp, hồ sơ, trình tự thủ tục điều chỉnh giấy phép khi hiện nay mới chỉ dừng lại ở các mẫu biểu Quyết định điều chỉnh hay đơn đề nghị mà thôi.
Ông Phạm Quang Định, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết: Thời gian qua, Bộ cũng nhận được nhiều câu hỏi về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng và cho rằng đến lúc cần sửa đổi, bổ sung quy định này tại Nghị định về hợp đồng xây dựng để thống nhất với pháp luật dân sự có liên quan.
Có thể thấy rằng, tại Điều 35 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 50/2021/NĐ-CP) quy định hợp đồng xây dựng chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp tại khoản 2, khoản 3 Điều 143 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 62/2020/QH14). Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự lại cho phép các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Trên thực tế, có những hợp đồng xây dựng tại thời điểm ký kết không lường trước được các yếu tố rủi ro, chưa được tính toán đủ các chi phí tại thời điểm dự thầu, ký hợp đồng như: Chi phí phòng chống dịch, giá nguyên vật liệu tăng đột biến, thời gian thực hiện hợp đồng thay đổi do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch… nếu không cho phép điều chỉnh hợp đồng thì dẫn đến nhiều doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt với nguy cơ vi phạm tiến độ hợp đồng; nhà thầu, chủ đầu tư tăng chi phí quản lý, chi phí gián tiếp để chi trả các khoản duy trì công trường…
Trong khi đó Bộ luật Dân sự 2015 cho phép được thay đổi, điều chỉnh hợp đồng (Điều 420, Điều 421). Chính vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Xây dựng và Bộ luật Dân sự để tháo gỡ các vướng mắc.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. |
Việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng nhằm mục tiêu tiếp tục thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các thành phần kinh tế khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: Báo xây dựng