Các lâu đài dọc sông Loire – niềm tự hào của nước Pháp
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, những tòa lâu đài cổ trên thung lũng sông Loire luôn là một trong những điểm đến hàng đầu thu hút đông đảo khách du lịch tại Pháp. Tháng 9-10 cũng luôn là khoảng thời gian tuyệt đẹp để tham quan, khám phá những tòa lâu đài cổ này.
Mặt tiền lâu đài Blois. |
Vùng thung lũng sông Loire được mệnh danh là thung lũng của các vị vua với hàng chục kiệt tác kiến trúc phục hưng, khiến du khách đi hết ngỡ ngàng này, đến thú vị khác. Cứ mỗi dịp xuân sang hay mỗi độ thu về, dù là thời điểm trăm hoa đua nở, hay lúc ngàn cây thay lá, tất cả đều mang lại cho du khách những cảm giác tuyệt diệu nơi đây.
Nằm bên bờ sông Loire, Blois được coi là cửa ngõ, điểm khởi đầu của hành trình khám phá thung lũng các vị vua. Là một trong những thành phố được coi là cố đô của Pháp, Blois là thành phố có đến 7 vị vua chọn làm nơi đóng đô. Với những ai mê lịch sử và kiến trúc Pháp thì lâu đài Blois là điểm đến không thể bỏ lỡ vì đây là một trong những di sản văn hóa thế giới của Pháp. Với kiến trúc đa dạng, đa phong cách, lâu đài Blois là nơi thể hiện nhiều trào lưu nghệ thuật khác nhau, từ trung cổ qua phục hưng, sang cổ điển và hầu như tất cả còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay như một sự giao hòa của nghìn năm lịch sử.
Lâu đài Chambord. |
Trong số những lâu đài dọc sông Loire, Chambord là lớn hơn cả. Được xây dựng cách đây gần 500 năm, dưới thời vua Francois Đệ Nhất, một trong những vị quân vương vĩ đại trong lịch sử nước Pháp, công trình thể hiện mong muốn của vị vua muốn truyền lại cho hậu thế một di sản xứng tầm, biểu tượng cho thời thịnh trị của ông.
Ở thời đó, lâu đài trở thành công trình của mọi sự ngoại cỡ, vượt ra khỏi mọi giới hạn, từ qui mô rộng lớn đến chiều cao của tòa tháp và độ tinh xảo của hoa văn trang trí, cũng như chi phí xây dựng. Lâu đài đã được công nhận di sản văn hóa thế giới từ năm 1981 và nhờ sự nổi tiếng của mình, Chambord liên tục giữ mức kỷ lục về lượng khách tham quan, với hơn 1,13 triệu khách năm 2020.
Một phần lâu đài Chenonceau vắt ngang sông Cher, một nhánh của sông Loire. |
Nếu như lâu đài Chambord nổi tiếng về sự hoành tráng thì lâu đài Chenonceau lại được biết đến như sự kết tinh của cái đẹp, nét quyến rũ và chất tinh tế độc đáo bậc nhất trong số các lâu đài sông Loire. Được mệnh danh là lâu đài của các quý bà, mọi chi tiết của Chenonceau đều mang những nét mềm mại, tinh tế của bàn tay người phụ nữ. Hai phòng dạ tiệc được xây dựng trên cây cầu bắc qua một nhánh của sông Loire tạo nên điểm đặc biệt của lâu đài. Phòng bếp với những chiếc nồi đồng bóng loáng, vàng sáng một góc tường, thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ trong phòng bếp. Đó cũng là lý do khiến khu vực này luôn là điểm đến ưa thích của các nữ du khách.
Một phần lâu đài Chenonceau vắt ngang sông Cher, một nhánh của sông Loire. |
Ông bà Grenelles và Patricia, cặp vợ chồng đến từ Paris cho biết rất hay đi thăm thú các lâu đài cổ, vốn là di sản của quốc gia và của cả thế giới. “Chúng tôi rất tự hào về các công trình mà cha ông đã xây dựng và gìn giữ từ hàng thế kỷ nay, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của nước Pháp. Chúng tôi đã nghỉ hưu từ lâu nên rất thích và cũng rất hay đi thăm thú các lâu đài như thế này”.
Những chiếc nồi đồng độc đáo của lâu đài Chenonceau. |
Còn ông Nguyễn Trung Hiếu, một khách Việt Nam đi du lịch cùng gia đình cũng đã chia sẻ cảm giác thích thú khi tham quan các lâu đài của Pháp. Ông cho biết “mỗi một lâu đài lại có một nét độc đáo riêng, tạo nên sự đa dạng và nổi tiếng của các lâu đài cổ dọc sông Loire, khiến cho khách du lịch muốn thăm lại nhiều lần”.
Rất khó để có một con số chính xác về số lượng lâu đài ở Pháp. Bộ Văn hóa nước này liệt kê gần 11.000 chiếc, nhưng đây chỉ là những lâu đài được công nhận là di tích quốc gia hoặc di sản thế giới. Một số tài liệu của Cơ quan quản lý nhà đất ước tính rằng Pháp có đến 45.000 chiếc lớn, nhỏ, và còn rất nhiều lâu đài cổ chưa được chủ sở hữu tiến hành các thủ tục đăng ký để tài sản của mình được ghi vào danh sách các di tích lịch sử quốc gia. Nhưng dù được công nhận hay chưa, việc bảo tồn các di sản kiến trúc lâu đời này luôn được cả người dân và Nhà nước trân trọng và gìn giữ cho các thế hệ sau.
Nguồn: Báo xây dựng