Các hãng bay “đóng băng”, thậm chí Vietnam Airlines đã âm vốn nhưng một số công ty logistics hàng không vẫn sống khỏe lãi cao
Liên tục tăng trưởng nóng và được mệnh danh là lĩnh vực siêu lợi nhuận những năm gần đây, doanh nghiệp hàng không đang đứng trước một cơn bĩ cực chưa từng có tiền lệ – dịch Covid -19. Chỉ vừa hồi phục sau đợt bùng phát đầu tiên hồi tháng 4/2020, Covid – 19 trở lại làn sóng thứ ba và thứ tư rơi vào đúng mùa bay cao điểm Tết cổ truyền và mùa du lịch hè 2021 đã khiến doanh thu các hãng hàng không giảm trên 90% so với cùng kỳ.
Thống kê cho thấy, các hãng hàng không hiện phải chi trên 100 tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho các đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên… Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp.
Đơn cử Vietnam Airlines (HVN), tính đến 30/6, Công ty lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng và hiện đã âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng. Năm 2021, Công ty vẫn đặt kế hoạch khá bi quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 14.304 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 30,5% so với năm 2020. Hay Vietjet Air (VJC), từng thu về 5.000 tỷ lợi nhuận ròng/năm giai đoạn 2018-2019, năm 2021 Công ty chỉ còn tham vọng không lỗ.
Đến “ông lớn” ACV, hoạt động trong ngành phụ trợ hàng không, Công ty cũng sụt giảm mạnh nguồn thu. Tương tự, những cái tên sụt giảm khác gồm có Suất ăn hàng không Nội Bài – NCS, Taseco Airs, Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh – CIAS…
Trong khi đó, kết quả khả quan nhất thuộc về nhóm các doanh nghiệp logistics hàng không, chủ yếu phục vụ hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại các nhà ga hàng hóa hàng không – mảng kinh doanh ít chịu tác động hơn nhiều so với vận chuyển hành khách.
Kết thúc quý 3/2021, Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) công bố doanh thu tiếp đà tăng nhẹ hơn 7% lên 189 tỷ đồng, khấu trừ chi phí Công ty thu lãi trước thuế 78 tỷ, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế 62 tỷ đồng, tăng 13% so với quý 3/2021.
Luỹ kế 9 tháng, NCT đạt doanh thu 534 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế 169 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh ngành hàng không gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh, NCT là một trong số ít các doanh nghiệp trong ngành có lãi, thậm chí lãi lớn. Năm 2020 công ty lãi sau thuế gần 207 tỷ đồng, và quyết định dành hơn 196 tỷ đồng chia cổ tức tổng tỷ lệ 75% cho cổ đông.
Tương tự, Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (SCS) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu 172 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp của SCS ở mức khá cao với 80%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm doanh thu Công ty 576 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Khấu trừ chi phí, SCS đạt LNTT 436 tỷ, LNST 406 tỷ đồng.
Bóc tách các nguồn thu của SCS, doanh thu khai thác nhà ga tăng đáng kể từ 155 tỷ lên 161 tỷ đồng, doanh thu cho thuê sân đậu máy bay tăng mạnh dù chỉ đóng góp tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về 137 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng nhẹ so với quý 3/2020.
SCS tiếp tục trì hoãn ghi nhận doanh thu từ cho thuê sân đỗ máy bay trong bối cảnh chưa hoàn tất thương thảo. SCS cho ACV – sở hữu 15% cổ phần của SCS – thuê sân đỗ máy bay.
Mặt khác, thu nhập từ lãi cũng phần nào đang hỗ trợ lợi nhuận cho doanh nghiệp này. Được biết, thu nhập từ lãi tăng mạnh chủ yếu đến từ vị thế tiền mặt cải thiện và mức lãi suất vay thuận lợi với các bên liên quan của SCS.
Ngoài ra, dù lệnh hạn chế đi lại đã làm giảm công suất vận chuyển của các chuyến bay hành khách, hạn chế đáng kể tổng công suất hàng hóa hàng không. Song ngược lại, nhu cầu hàng hóa hàng không tương đối cao hơn, được minh chứng thông qua mức tăng mạnh của phí vận chuyển hàng hóa hàng không toàn cầu. Theo ước tính, sản lượng hàng hóa sẽ phục hồi khi các hãng hàng không gia tăng công suất vận chuyển hàng không bằng cách sử dụng máy bay chở hàng hóa và/hoặc chuyển đổi máy bay chở hành khách thành máy bay chở hàng hóa.
Trên thị trường, cổ phiếu NCT cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện, NCT đang giao dịch tại mức giá 87.000 đồng/cp, tăng 35% so với đầu năm. Tương tự, SCS cũng tăng đáng kể so với đầu năm, lên mức 134.000 đồng/cp.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu