Các địa phương vững niềm tin bước vào năm mới

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng các cấp, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, năm 2022, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, linh hoạt, sáng tạo, vươn lên giành được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, củng cố quốc phòng, an ninh… Đây là kết quả quan trọng để các địa phương bước vào năm mới 2023 với niềm tin và quyết tâm cao, cùng xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Các địa phương vững niềm tin bước vào năm mới
Các địa phương vững niềm tin bước vào tình hình sản xuất năm 2023 – Ảnh minh họa

Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Đà Nẵng đoàn kết, đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng. GRDP cả năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021, xếp thứ ba cả nước về tốc độ tăng GRDP. Đà Nẵng là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, quy mô nền kinh tế thành phố năm 2022 (giá hiện hành) ước đạt hơn 125.219 tỷ đồng, quy mô tăng thêm hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021 và tăng thêm 14.032 tỷ đồng so với năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2023 là năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Trước mắt, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, quyết tâm thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, hướng đến chuẩn bị cho việc sơ kết giữa nhiệm kỳ gắn với đánh giá 12 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, kết quả thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và bàn các giải pháp đột phá hơn nữa nhằm quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Cả hệ thống chính trị Thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, thực hiện bảo đảm kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19, giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh. Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; tập trung đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia giúp người dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Thành phố tập trung xây dựng mô hình, kịch bản tăng trưởng cụ thể, kể cả kịch bản chung của thành phố và của từng ngành, lĩnh vực bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết số 43-NQ/TW; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch Thành phố, nhất là triển khai các dự án, công trình trọng điểm, trong đó có các dự án đóng vai trò liên kết và tạo động lực phát triển khu vực miền Trung.

Công tác phát triển văn hóa – xã hội được thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng thành phố an bình, đáng sống; hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng. Đồng thời, các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” tiếp tục nâng cao chất lượng, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

Là tỉnh ven biển, có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển, những năm qua tỉnh Thái Bình đã tập trung thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng tỉ trọng phát triển công nghiệp.

Ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, trong hai năm 2021 – 2022, tỉnh Thái Bình đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện mục tiêu kép là giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, không để dịch bùng phát; tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập toàn diện về mọi mặt.

Điển nổi bật của tỉnh Thái Bình trong hai năm qua, đó là tốc độ tăng trưởng GRDP đều nằm trong nhóm cao ở khu vực. Trong đó năm 2021 là 7,25%, năm 2022 tăng trưởng trên 9,52%; thu hút FDI trên 700 triệu USD.

Đây là những tiền đề để năm 2023 Thái Bình bắt tay vào đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế – xã hội và có những bước phát triển bứt phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Theo ông Ngô Đông Hải, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 là hết sức nặng nề nhưng rất quan trọng. Chắc chắn đây sẽ là một năm mà tỉnh Thái Bình bứt phá vươn lên.

Trước hết, đó là nhiều dự án quan trọng trong tỉnh sẽ đi vào hoạt động. Một số dự án đầu tư đã được khởi công đầu tư trong hơn 1 năm qua sẽ sớm đi vào hoạt động nhằm phát huy hiệu quả sau đầu tư, như dự án Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, một số dự án đầu tư xây dựng ở các doanh nghiệp trong tỉnh.

Thứ hai, năm 2023 cũng là năm mà tỉnh Thái Bình tập trung đi sâu vào chuyển đổi phát triển nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ đã được định hình trong những năm qua, nay đang được nhân rộng và đầu tư chiều sâu. Đây sẽ là những mô hình và dự án góp phần nâng cao giá trị nông sản của tỉnh, nhất là cây lúa; trong đó có cả dự án mà Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Bình SEED hợp tác quốc tế với Nhật Bản sẽ được triển khai đi vào hoạt động.

Cũng trong năm 2023, Thái Bình sẽ đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hạ tầng một số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng đảm bảo hạ tầng đồng bộ, đạt tiêu chuẩn. Qua đó, tỉnh cũng sẽ cấp phép một số dự án sản xuất gắn với khu vực nông thôn để giải quyết việc làm cho người dân khu vực nông thôn.

Đặc biệt, năm 2023 cũng là năm Thái Bình tập trung sớm ký kết thỏa thuận hợp tác với một số địa phương của Hàn Quốc. Theo đó, phía bạn đã cơ bản thống nhất cao với một số định hướng trong việc trao đổi lao động, nhất là lao động khu vực nông nghiệp ở những thời điểm nhất định sẽ được đưa đi xuất khẩu lao động ngắn hạn sang Hàn Quốc, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

Năm 2023 cũng là năm định hình các hoạt động văn hóa xã hội quay trở lại bình thường sau đại dịch COVID-19. Tỉnh đã có chủ trương đưa các hoạt động văn hóa – xã hội không chỉ trở lại bình thường mà còn đầu tư chiều sâu, thấm sâu vào trong đời sống dân cư nông thôn. Tiếp tục tạo động lực, tinh thần và điều kiện đầu tư các thiết chế văn hóa cho người dân khu vực nông thôn có đời sống văn hóa phong phú cả về vật chất và tinh thần.

Thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, năm 2022 Bắc Kạn đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, linh hoạt, sáng tạo, vươn lên giành được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, củng cố quốc phòng, an ninh…

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, năm 2022, Đảng bộ tỉnh đề ra 34 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và hưởng ứng tích cực của nhân dân, đã có 28/34 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng đạt 6,01%. Trồng rừng, phát triển sản phẩm OCOP vẫn là điểm sáng trong sản xuất nông, lâm nghiệp với hơn 4.700 ha rừng trồng mới, vượt 18% kế hoạch và thêm 53 sản phẩm OCOP. Hoạt động sản xuất công nghiệp có sự phục hồi, với giá trị sản xuất ước đạt 1.586 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2021. Lĩnh vực xuất nhập khẩu có sự phát triển vượt bậc, với tổng kim ngạch ước đạt 35 triệu USD, vượt 40% kế hoạch, tăng 2,3% so với năm 2021. Thu hút 15 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.000 tỷ đồng. Có thêm 107 doanh nghiệp và 51 hợp tác xã thành lập mới. Thu ngân sách đạt 853 tỷ đồng.

Bước vào năm mới 2023, với ý chí, niềm tin và sức mạnh mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Kạn sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh, ý chí tự lực tự cường, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tranh thủ thời cơ, thuận lợi vượt qua mọi khó khăn, thách thức quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Nam năm 2022 cơ bản ổn định và có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt 10,82% (đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 12 toàn quốc). Thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt gần 16.000 tỷ đồng, trong đó, thu cân đối ngân sách đạt 13.860 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bảo đảm tự chủ trong năm 2022.

Bà Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,69%, giảm 1,0% so với đầu năm; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ nguyên. Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, chính trị, xã hội nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Hà Nam phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng đạt 10,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp-xây dựng 68,5%; dịch vụ 24,3%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 7,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,3%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,5 % so với năm 2022. Thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 13.454 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2022.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có từ 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. GRDP bình quân đầu người đạt 98,7 triệu đồng, tăng 13,4% so với năm 2022. Giải quyết việc làm mới cho 25.000 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,62%…

Năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, kịp thời, thống nhất, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gắn với phục hồi phát triển KT-XH và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang cho biết, kết quả năm 2022, 29/36 chỉ tiêu phát triển KT-XH đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng 7,8%; tiềm năng về du lịch tiếp tục được phát huy, khai thác có hiệu quả, bền vững, đến nay đã thu hút trên 2,2 triệu lượt khách đến với Hà Giang, tăng 142,3%. Nông nghiệp được mùa, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,04%; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, có mức tăng khá, công nghiệp – xây dựng tăng 15,25%; dịch vụ tăng 5,97%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 132,7% dự toán Trung ương giao; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 34,3 triệu đồng/người, tăng 12,2%; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu làm đổi thay bộ mặt đô thị và nông thôn toàn tỉnh.

Bước sang năm 2023, mang theo biết bao niềm tin và hy vọng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang sẽ quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra.

Tập trung hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch và quản lý tốt các quy hoạch; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giải pháp quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra. Tiếp tục quyết liệt việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục, đảm bảo thời gian chất lượng, nhất là giải quyết thủ tục đầu tư dự án về đất đai, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư để cải thiện môi trường đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ, nguồn lực xã hội hoá của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nghiên cứu xây dựng đề án chính sách chuyển đổi cây ngô sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn. Triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân, quan tâm phát triển lâm nghiệp, cây dược liệu, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử vào phát triển nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.

Chú trọng giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người có công, người nghèo, người yếu thế; đẩy mạnh phong trào thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biên giới quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích