Các địa phương tỉnh Quảng Ninh đồng loạt phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024

(Xây dựng) – Ngày 15/2/2024, tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ phát động Tết trồng cây năm 2024 nhằm hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động và trồng 5.000 ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương tỉnh Quảng Ninh đồng loạt phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát động Tết trồng cây năm 2024 (Ảnh: QMG).

Theo đó, trong ngày 15/2/2024, tất cả 13 địa phương trong toàn tỉnh Quảng Ninh đều đồng loạt tổ chức lễ phát động Tết trồng cây năm 2024. Thống kê báo cáo của các địa phương trong tỉnh, riêng trong ngày phát động Tết trồng cây xuân Giáp Thìn 2024, toàn tỉnh Quảng Ninh đã trồng được trên 81 ha cây gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn. Một số địa phương tiêu biểu như: Thành phố Hạ Long tổng diện tích trồng cây toàn thành phố trong ngày 15/2 là 36,6 ha, tương ứng với gần 44.000 cây. Riêng tại 2 điểm thuộc xã Sơn Dương và xã Đồng Lâm tổ chức Lễ phát động, lãnh đạo thành phố, doanh nghiệp và nhân dân đã trồng 6.000 cây, trong đó chủ yếu là lim xanh, giổi xanh với tổng diện tích 5 ha. Theo kế hoạch, ngày 19/2, thành phố Hạ Long sẽ tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam phát động trồng 3,6ha rừng gỗ lớn với gần 4.000 cây lát hoa và sồi tại khai trường vỉa 14 của Công ty CP than Núi Béo; Tại thành phố Móng Cái ngay sau lễ phát động Tết trồng cây năm 2024, cán bộ, lực lượng vũ trang, nhân dân, học sinh thành phố Móng Cái đã trồng gần 27.000 cây giổi trên diện tích gần 27 ha tại lô 48, khoảnh 7, tiểu khu 355B, thôn 8, xã Hải Đông và tại các địa phương trong toàn thành phố. Năm 2024, thành phố Móng Cái phấn đấu trồng mới 450 ha rừng tập trung, trong đó có 100 ha rừng lim, giổi, lát… giữ vững tỷ lệ che phủ rừng của Móng Cái trên 41%;

Các địa phương tỉnh Quảng Ninh đồng loạt phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với đồng bào dân tộc huyện Đầm Hà tham gia Tết trồng cây.

Trên địa bàn huyện Bình Liêu, trong ngày 15/2/2024 các xã, thị trấn, đơn vị, cơ quan trồng được 5 ha rừng tập trung và 6.000 cây phân tán; Tại thành phố Cẩm Phả, các đại biểu lãnh đạo tỉnh, thành phố và Tổng công ty Đông Bắc cùng cán bộ, công nhân Công ty Khe Sim đã trồng trên 3 ha cây lát hoa, phi lao tại tại khu vực mặt bằng bãi thải +180 Tây Lộ Trí thuộc khai trường Công ty Khe Sim (Tổng công ty Đông Bắc), góp phần hoàn thành mục tiêu năm 2024 của thành phố Cẩm Phả là trồng 1.500 ha rừng trồng tập trung và 30 ha lim, giổi, lát ở những nơi có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 47,8%; Huyện Tiên Yên ngay sau lễ phát động, cán bộ, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và nhân dân đã trồng 2.332 cây lim xanh trên diện tích 2,12ha tại thôn Pò Mẩy – Khe Ngà, xã Hà Lâu; Huyện Ba Chẽ các đại biểu lãnh đạo cùng bà con nhân dân đã tiến hành trồng mới 3 ha giổi xanh và trồng xen kẽ 10 nghìn cây ba kích dưới tán giổi; Toàn huyện Hải Hà đã tổ chức trồng 18.400 cây gỗ lớn gồm lim, giổi, lát, xà cừ và trên 8.000 cây hoa, cây cảnh các loại tại các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; Thị xã Đông Triều các đại biểu tham dự buổi lễ phát động Tết trồng cây cùng toàn thể nhân dân đã tiến hành trồng 1.800 cây thông Caribe trên diện tích 1 ha tại thôn Phú Ninh, xã Bình Khê. Trong đợt phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024, thị xã Đông Triều sẽ trồng gần 100 ha cây xanh các loại và phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ trồng 300 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn thị xã lên 54,2%.

Các địa phương tỉnh Quảng Ninh đồng loạt phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024
Thành phố Móng Cái trồng gần 27.000 cây giổi trên diện tích gần 27 ha tại lô 48, khoảnh 7, tiểu khu 355B, thôn 8, xã Hải Đông và tại các địa phương trong toàn thành phố ngay sau Lễ phát động.

Tại huyện Đầm Hà, ngay sau lễ phát động Tết trồng cây năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cùng các đại biểu đã trồng 3.300 cây lát hoa trên diện tích 3 ha tại khu vực rừng phòng hộ hồ Đầm Hà Động, thôn Thanh Lâm, xã Quảng Lâm. Hiện, tỷ lệ che phủ rừng huyện Đầm Hà đạt 57,5%, chuyển loại từ rừng trồng gỗ nhỏ sang cây trồng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, bảo vệ tốt môi trường lâu dài và tạo cảnh quan môi trường đặc sắc. Từ năm 2021 đến nay, huyện Đầm Hà đã trồng được trên 2.037 ha rừng tập trung, trong đó đã trồng trên 81 ha rừng gỗ lớn, cây bản địa lim, giổi, lát.

Các địa phương tỉnh Quảng Ninh đồng loạt phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024
Tại thành phố Cẩm Phả, các đại biểu cùng cán bộ, công nhân Công ty Khe Sim đã trồng trên 3 ha cây lát hoa, phi lao tại tại khu vực mặt bằng bãi thải +180 Tây Lộ Trí thuộc khai trường Công ty Khe Sim (Tổng công ty Đông Bắc).

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh xác định chủ đề công tác là: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tổng quát, trong đó có mục tiêu về môi trường là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, toàn diện; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển đô thị bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động lập, phê duyệt quy hoạch phát triển rừng bền vững và phân vùng quy hoạch trồng lim, giổi, lát, cây gỗ lớn, cây bản địa; xác định cụ thể lộ trình thực hiện Đề án trồng cây gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai kế hoạch sản xuất gắn với thực hiện tốt Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than, lựa chọn trồng cây hoàn nguyên môi trường bằng các loài cây bản địa để phát triển thành rừng cây gỗ lớn để phục hồi môi trường đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân chuyển sang trồng những loài cây có giá trị kinh tế cao, cây bản địa, có giá trị lớn đối với bảo vệ môi trường sinh thái, như lim, lát, giổi, giữ nguồn sinh thủy cho các sông suối, hồ nước.

Các địa phương tỉnh Quảng Ninh đồng loạt phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024
Trong ngày phát động Tết trồng cây, các xã, thị trấn, đơn vị, cơ quan trên địa bàn huyện Bình Liêu đã trồng được 5ha rừng tập trung và 6.000 cây phân tán.

Đến nay, các chủ trương, cơ chế, chính sách đã đi vào cuộc sống, mang lại những hiệu quả thiết thực và tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân; mở hướng đi mới trong bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, diện tích rừng ngày càng tăng qua các năm. Quảng Ninh hiện nằm trong nhóm địa phương có diện tích rừng lớn và đạt tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, chất lượng rừng được cải thiện, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn đứng đầu khu vực phía Bắc. Từ năm 2020 đến 2023, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 52.000 ha, trong đó diện tích lim, giổi, lát đã trồng trong 3 năm là trên 3.500 ha, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng.

Định hướng trong giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển bền vững với 4 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh, mục tiêu phải giữ vững tỷ lệ che phủ rừng từ nay đến năm 2030 đạt trên 50%. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng rừng gắn với đảm bảo an ninh nguồn nước, phòng chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Trong dịp Tết trồng cây năm 2024, toàn tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trồng tối thiểu 1 triệu cây, gồm cả rừng trồng tập trung và trồng cây phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn, vượt 1,25 lần chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao về tổ chức phong trào “Tết trồng cây”. Đồng thời, Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng mới 250 ha rừng lim, lát, giổi trên địa bàn tỉnh trong quý I/2024.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích