Các chính sách hỗ trợ nhà ở cho đối tượng khó khăn

(Xây dựng) – Theo ý kiến của cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện nay, chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng khó khăn về nhà ở đang còn phân tán và các mức hỗ trợ không giống nhau dẫn đến việc so sánh về mức hỗ trợ (đặc biệt, đối tượng người có công với cách mạng là thấp nhất).

Các chính sách hỗ trợ nhà ở cho đối tượng khó khăn
Tỉnh Thừa Thiên – Huế bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. (Ảnh minh họa)

Cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu trình Chính phủ để ban hành thống nhất một chính sách hỗ trợ nhà ở chung và có mức hỗ trợ như nhau đối với tất cả đối tượng khó khăn về nhà ở và tập trung vào một đầu mối quản lý, hỗ trợ.

Bộ Xây dựng trả lời cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế như sau:

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở và ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống, hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững của các hộ dân nghèo có khó khăn về nhà ở. Các chính sách đã được ban hành, thực hiện trong giai đoạn vừa qua:

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng

Ngày 26/4/2013/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo đó, mức hỗ trợ đối với trường hợp xây mới nhà ở là 40 triệu đồng/hộ; đối với trường hợp sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở là 20 triệu đồng/hộ. Chương trình được thực hiện từ năm 2013-2019.

Theo báo cáo của các địa phương, tính từ đầu chương trình đến thời điểm kết thúc thực hiện chính sách (ngày 31/12/2019), cả nước đã hỗ trợ cho 339.176 hộ (đã bao gồm 4.276 hộ được hỗ trợ bằng các nguồn kinh phí khác) đạt tỷ lệ 96,7% so với số liệu thực tế.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Điểm a Khoản 7 Điều 182 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan dự thảo Quyết định gửi kèm theo Tờ trình số 61/TTr-BXD ngày 19/12/2022 với nội dung cơ bản của chính sách là hỗ trợ nhà ở đối với trường hợp xây mới nhà ở là 60 triệu đồng/hộ và trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở là 30 triệu đồng/hộ.

Ngày 5/8/2024, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 4422/BXD-QLN báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ. Theo đó, số lượng hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở trên cả nước khoảng 110.000 hộ.

Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn

Ngày 10/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; không có sự hỗ trợ trực tiếp mà hộ gia đình chỉ được vay mức tối đa là 25 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi là 3%/năm nên nhiều hộ gia đình không cân đối được nguồn vốn để tham gia xây dựng nhà ở bảo đảm quy định đề ra của chương trình này.

Chương trình được thực hiện từ 2015-2020, kết quả đã hỗ trợ nhà ở cho hơn 117.000 hộ nghèo, đạt tỷ lệ khoảng 50% so với Đề án.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng các Bộ, ngành nghiên cứu dự thảo Quyết định hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt

Ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Theo đó, Ngân sách trung ương hỗ trợ từ 12 triệu đồng/hộ đến 16 triệu đồng/hộ tùy theo đơn vị hành chính mà hộ đang cư trú; ngoài ra, các hộ còn được vay mức tối đa 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi 3%/năm.

Chương trình này được triển khai từ năm 2014-2021. Theo báo cáo của 13 địa phương tham gia Chương trình, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 23.040/23.797 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt, đạt tỷ lệ 96,82%.

Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 62/TTr-BXD ngày 19/12/2022 kèm theo dự thảo Quyết định hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hỗ trợ nhà ở tại các huyện nghèo

Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tại Dự án 5 của Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của Chương trình hỗ trợ nhà ở cho khoảng 100.000 hộ nghèo và cận nghèo. Với mức hỗ trợ trực tiếp là 40 triệu đồng/hộ xây mới, 20 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 10% so với mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Thời gian thực hiện từ 2022-2025. Hiện nay, chương trình đã hỗ trợ được hơn 35.000 hộ.

Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Dự án thành phần 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu ban đầu hỗ trợ nhà ở cho khoảng 18.500 hộ nghèo. Mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương là 40 triệu đồng/hộ xây mới, 20 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 10% so với mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

Ngoài ra, hộ gia đình còn được vay vốn ưu đãi về lãi suất để làm nhà ở từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức tối đa là 40 triệu đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2025, Ủy ban Dân tộc là đơn vị chủ trì thực hiện nội dung này.

Đến nay Chương trình đã hỗ trợ được hơn 8.000 căn nhà cho các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Như vậy, các chính sách nêu trên được xây dựng ban hành, thực hiện trong những giai đoạn khác nhau, phù hợp với tình hình kinh tế chung của đất nước, suất đầu tư xây dựng nhà ở từng giai đoạn cũng như các nhóm đối tượng ưu tiên.

Bênh cạnh đó, việc xóa đói giảm nghèo, chung tay xóa nhà tạm là việc chung của toàn xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng tham gia (như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chương trình nhà đại đoàn kết, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chương trình nhà Khăn quàng đỏ…).

Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận dụng trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà ở trong thời gian tới, bảo đảm các chính sách thống nhất và tập trung đầu mối quản lý, hỗ trợ như ý kiến của cử tri đã nêu.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích