Các cấp, các ngành tại cấp cơ sở tích cực tinh gọn tổ chức bộ máy

Cách mạng về tổ chức bộ máy

Cụm từ “cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” được sử dụng lần đầu tiên trong bài viết “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” của Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 5/11/2024. Tiếp sau đó, hàng loạt văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như các phát biểu quyết liệt của cán bộ lãnh đạo cấp cao đã được chuyển hóa thành những kế hoạch hành động dứt khoát, thần tốc của cả hệ thống chính trị, được công khai với người dân cả nước. Cho đến hiện nay, những gì đang diễn ra cho thấy hệ thống chính trị ở nước ta đã và đang quyết tâm cùng nỗ lực thay đổi toàn diện và triệt để về mô hình tổ chức bộ máy.

Những yêu cầu và cũng là mục tiêu hướng tới của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này được xác định rất rõ ràng, như đã nêu ra trong Nghị quyết 18 ban hành năm 2017 và gần đây được nhắc lại trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo đó, trước hết giảm bớt đầu mối tổ chức; quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị; giảm tầng nấc trung gian; đẩy mạnh phân cấp và phân quyền theo hướng đồng bộ và hợp lý hơn. Cùng với đó là giảm biên chế, tái bố trí nhân sự phù hợp hơn nhằm tiết kiệm chi ngân sách đồng thời phải cải thiện rõ rệt về chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện thay đổi nêu trên, chúng ta hướng đến một hệ thống chính trị và bộ máy công quyền hoạt động hiệu lực hơn, với các cấu phần vận hành trơn tru, thông suốt, nhất quán, đồng bộ và nhịp nhàng ở mọi cấp độ. Tính hiệu quả không chỉ thể hiện ở việc giảm chi phí từ ngân sách cho hoạt động của hệ thống chính trị mà hơn thế, sự vận hành của hệ thống chính trị phải trở thành một trong những động lực thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh, bền vững của đất nước thời gian tới.

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương đồng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cấp huyện; đồng thời, thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, có số lượng cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.

Các tỉnh tích cực triển khai

Thực hiện chủ trương tại Kết luận số 09-KL/TW ngày 24/11/2024 và yêu cầu tại Công văn số 22-CV/BCĐ ngày 05/12/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; triển khai thực hiện Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã có công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 đề nghị các địa phương triển khai xây dựng Đề án, chủ động thực hiện việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đang tích cực triển khai việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Một số địa phương tiêu biểu nổi bật cho việc tích cực hưởng ứng và thực hiện tinh giảm bộ máy được nhiều báo chí đưa tin như:

Bến Tre: Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức hội nghị để thảo luận phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Dự kiến, cấp tỉnh sẽ giảm 2 ban Đảng (còn 5 ban), 3 Ban cán sự Đảng, 8 Đảng đoàn, tăng 1 đảng bộ (còn 14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy) và giảm 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy. Đối với UBND tỉnh, sẽ giảm từ 17 cơ quan chuyên môn xuống còn 12. Cấp huyện dự kiến giảm 2 ban Đảng (còn 4 ban) và 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Việc sắp xếp này nhằm giảm tối thiểu 15% đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị.

Bắc Giang: Tỉnh Bắc Giang đã triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn liền với tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cải cách tiền lương. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thái Nguyên: Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ở cấp tỉnh, Thái Nguyên duy trì 5 sở, ngành (có rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, Sở Tư pháp.

Thừa Thiên – Huế: UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành kế hoạch đề xuất định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện. Tỉnh định hướng hợp nhất các sở theo kế hoạch của Trung ương, đồng thời hợp nhất Sở Văn hóa và Thể thao với Sở Du lịch thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nghệ An: Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành  Kế hoạch 1022/KH-UBND về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền tỉnh và sẽ hoàn thành trước ngày 10/2/2025. Để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền; công tác chính trị, tư tưởng; kịp thời quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương chủ động xây dựng phương án, đề án, chuẩn bị điều kiện cần thiết để sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, không bỏ sót địa bàn, lĩnh vực đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hà Tĩnh: Sau quá trình sắp xếp, cấp tỉnh Hà Tĩnh đã giảm 3 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 38 phòng, ban và tương đương; cấp huyện giảm 4 phòng, ban; giảm 139 đơn vị sự nghiệp công lập. Việc này nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Nam Định: Tỉnh Nam Định dự kiến giảm 5 sở, ban, ngành sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Cụ thể, tỉnh sẽ duy trì 6 sở, ban, ngành gồm: Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tư pháp; Văn phòng UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp.

Bình Thuận: UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Việc này được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh.

Mặc dù các tỉnh đã thực hiện đúng chủ trương chính sách tinh gọn bộ máy, nhưng vẫn còn tồn tại một số sở, ngành chưa thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ và cũng như kế hoạch của tỉnh đề ra. Ví dụ như Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ dù tỉnh đã có kế hoạch sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy khối chính quyền Tỉnh. Theo văn bản hỏa tốc 1022/KH-BND của UBND tỉnh Nghệ An thì UBND yêu cầu dừng việc tiếp nhận, tuyển dụng và luân chuyển công chức, viên chức  trong tất cả các cơ quan, đơn vị; việc bổ nhiệm lại cán bộ, công chức, viên chức trong các cơn quan đơn vị thuộc diện sát nhập, hợp nhất, giải thể. Việc tạm dừng này được thực hiện từ ngày 01/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế để giải quyết việc điều chuyển, sắp xếp, bố trí (thừa,thiếu) giữa các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên ngày 23/12/2024, Sở Tài chính Nghệ An đã ra văn bản thông báo giới thiệu chức danh và chữ ký của hai lãnh đạo cấp phòng mới. Theo đó ông Ông Nguyễn Hữu Nam, Chánh Thanh tra Sở Tài chính, được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng phòng Ngân sách tỉnh, còn Ông Hồ Nghĩa Đức, Trưởng phòng Ngân sách tỉnh, được điều động, bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra Sở Tài chính và quyết định ngày có hiệu lực từ ngày 21/12/2024.

Điều này cho thấy thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai chính sách và kế hoạch tinh gọn bộ máy của cấp cơ sở. Việc thiếu sự phối hợp và thông tin giữa các cấp chính quyền có thể dẫn đến tình trạng các sở, ngành, địa phương thực hiện không đồng bộ. Các cấp dưới có thể chưa nhận được chỉ đạo rõ ràng từ cấp trên, hoặc có sự chồng chéo trong trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức.

Người dân đồng tình, ủng hộ cao, hiến kế tâm huyết để tinh gọn tổ chức bộ máy

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh – hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay; được cán bộ, đảng viên và Nhân dân mong chờ, đón nhận với sự ủng hộ mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Gửi ý kiến đến Cổng TTĐT Chính phủ, bà Nông Thị Nhung (nongthinhungcb…@…) bày tỏ: “Tôi ủng hộ Chính phủ tinh gọn bộ máy. Cá nhân tôi mong muốn Chính phủ có chính sách cho những người không thuộc các cơ quan bị sắp xếp, sáp nhập cũng được tự nguyện có đơn xin được tinh giản, để nhường chỗ cho người có năng lực hơn từ các cơ quan thuộc diện sáp nhập đến làm việc (ví dụ như tôi 50 tuổi, đã công tác trên 27 năm, cũng mong muốn có chế độ để nhường cơ hội cho các bạn trẻ làm việc, cống hiến được nhiều hơn cho nhân dân)”.

Trong thư gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ, ông Trần Trung Tuấn (tuankiet0807…@…) viết: “Việc tinh giản bộ máy từ trung ương đến địa phương hiện nay là rất cần thiết, cấp bách”. Tuy nhiên, ông mong muốn, “khi triển khai, các cấp, ngành cần lưu ý một số vấn đề như: tuyệt đối không biến chủ trương cải tổ, tinh giản thành loại bỏ đối thủ, người tài, tạo phe cánh; phải chọn được cấp trưởng là người giỏi nhất trong những người giỏi; cán bộ dôi dư được giải quyết cho về hưu sớm hoặc giải quyết nghỉ chế độ một lần; tránh việc dồn 3 cơ quan vào 1, số biên chế như cũ, số cấp phó tăng, nhiều phòng cán bộ nhiều hơn nhân viên.

Sau khi tinh gọn, bộ máy hoạt động tốt, cần đưa vào luật để nhân dân giám sát. Tránh tình trạng sau một thời gian vì lợi ích nhóm, ngành địa phương, bộ máy lại phình như cũ…”.

Rất đồng tình về chủ trương thu gọn bộ máy và tinh giản biên chế, ông Nguyễn Châu Gia Khánh (giakhanhnguyen…@…) cho rằng việc này cần được thực hiện đồng bộ và quyết liệt trong cả hệ thống chính trị như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Ông Khánh chỉ ra một số bất cập còn tồn tại trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế thời gian trước đây, như: chưa thực thi đồng bộ giữa các cấp, các ngành khiến hiệu quả không đạt như kỳ vọng; tinh giản không đi đôi với việc đánh giá chính xác năng lực cán bộ; chưa gắn kết với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ khiến việc giảm nhân sự không đi đôi với tăng hiệu suất; khó khăn trong tái bố trí, sử dụng lao động dôi dư; tinh giản không đi đôi với cải cách tiền lương và phúc lợi; cách thức đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức chưa phản ánh đúng năng lực thực tế; thiếu giải pháp dài hạn và bền vững; chưa đồng bộ với cơ cấu ngành nghề và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; khó khăn trong việc kiểm soát sau tinh giản…

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích