Cá tính của không gian nhà ở
Cá tính của không gian nhà ở
Người Việt, với cái tôi lớn luôn chủ động tạo dấu ấn cá nhân trong ngôi nhà của mình. Dấu ấn này vừa hình thành và được đánh dấu trước hết bởi những giá trị tinh thần do chính người sử dụng mang lại.
Cá tính của không gian nhà ở cũng giống như tính cách của con người, nó luôn tồn tại dưới nhiều cung bậc khác nhau. Người Việt, với cái tôi lớn luôn chủ động tạo dấu ấn cá nhân trong ngôi nhà của mình. Dấu ấn này vừa hình thành và được đánh dấu trước hết bởi những giá trị tinh thần do chính người sử dụng mang lại. Nội thất luôn là cấp độ trung gian, nơi mà các giải pháp tạo nên cá tính cho không gian được hình thành phổ biến và dễ dàng nhất trong mối quan hệ Con người – Nội thất – Kiến trúc.
Một không gian ở có cá tính mạnh mẽ hay nhợt nhạt phụ thuộc chính vào tính cách của gia chủ và tài nghệ của người thiết kế. Khi các ngôi nhà Việt đều có dấu ấn riêng có bản sắc, không chỉ được xác định bằng sự xa hoa với tâm lý sính ngoại, lúc đó chúng ta có nhiều hơn cơ hội kiến tạo một phong cách cho chính mình – phong cách kiến trúc nội thất Việt Nam đương đại.
Nhà ở Việt Nam và cá tính của không gian
Khác với các thể loại công trình công cộng, nhà ở luôn tồn tại gia chủ, thường là một gia đình, sở hữu và thụ hưởng không gian đó trong trong một thời gian dài. Nhà ở là nơi con người dành phần lớn thời gian của cuộc đời để tái sản xuất sức lao động, sản sinh và nuôi dưỡng thế hệ tiếp nối, luôn làm người ta bộc lộ rõ và hết các tính cách của bản thân. Không có hai cá thể giống nhau nên cũng không có hai ngôi nhà hoàn toàn giống nhau. Thực tế cho thấy, tại các khu đô thị mới hiện nay, mặc dù các nhà biệt thự hay căn hộ có cái vỏ buộc phải giống nhau thì bước vào không gian bên trong ta luôn thấy nó luôn mang lại những cảm xúc rất khác. Tính chất khác biệt, riêng có, còn gọi là cá tính của không gian ở, vì thế đã trở thành thuộc tính của loại không gian này.
Điều này càng dễ lý giải và có nhiều minh chứng hơn khi xem xét góc độ văn hóa ở của người Việt. Với quan điểm “nhà cao cửa rộng” người Việt luôn muốn nhà mình xây phải cao hơn hàng xóm. “Sống mỗi người một nhà” cho dù ngôi nhà có cấu trúc giống nhau chúng vẫn thường được cải tạo, bài trí cho khác nhau theo ý thích của chủ nhân, có tham khảo nhà hàng xóm rồi cũng cố làm cho khác biệt.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng từng viết “Khổ hạnh và khắc kỷ không phải là thói quen của người Việt, dù trong chiến tranh sức chịu đựng của con người có thể là vô giới hạn, người Việt luôn có thể mua và dùng những đồ đắt tiền nhất”. Thật vậy, nhất là trong cuộc sống đương đại khi các điều kiện kinh tế đang có những bước phát triển vượt bậc, người Việt ngày càng đầu tư nhiều hơn cho ngôi nhà của mình. Không chỉ quan tâm tới cái vỏ kiến trúc, ngày nay người ta luôn chăm lo tới chất lượng ở thể hiện qua nội thất ngôi nhà. Thậm chí cá tính của một anh nông dân sau khi giàu lên nhanh chóng thể hiện trong bài trí, đầu tư cho ngôi nhà và không tránh khỏi những sai lầm – Có thể nói khi xây ngôi nhà mới, người nông dân biểu hiện sự cắt đứt hoàn toàn với truyền thống đạo đức và thẩm mỹ dân tộc. Ai nấy đều muốn to cao, kệch cỡm, bận những bộ xa lông choán hết cả đường đi lối lại, những hoành phi câu đối vàng son giả lộng lẫy hơn cả đình chùa, còn chữ Nho thì rất nguệch ngoạc, và những hương án quá cỡ, những bàn ghế gỗ chạm trổ cầu kỳ đến mức không ai muốn ngồi, bên cạnh những lục bình to tướng cao hơn đầu người. Tâm lý thích khoe hay cái tôi của người Việt thực sự mạnh mẽ, ngoài những tác động tiêu cực thì nó luôn là động lực góp phần quan trọng trong việc hình thành nên cá tính của không gian nhà ở.
Nếu không nói đến phong cách truyền thống trong nhà ở dân gian đã được định hình nhiều đời người, thì ngày nay việc tìm kiếm cho nhà ở Việt Nam một phong cách riêng vẫn còn ở phía trước. Dù cho chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, điều kiện kinh tế ngày một khấm khá thì dường như nhà ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình thu nạp, tích hợp các phong cách của thế giới mà chưa vội chọn con đường riêng cho chính mình. Điều này một phần phản ánh tâm lý “đi tắt đón đầu” hay sự “trả thù” quá khứ, sao cho “bằng bạn bằng bè” khi có tiền và có quyền trong tay của một bộ phận dân chúng. Hiện nay, nhiều người giàu có đang tạo cá tính cho ngôi nhà của mình bằng những vật dụng đắt tiền, nhập khẩu xa hoa. Đã đến lúc trách nhiệm đặt lên vai người thiết kế, cá tính của từng ngôi nhà cho tới phong cách chung của nhà ở từng khu vực trên lãnh thổ Việt Nam – “Chân dung” của phong cách kiến trúc, nội thất nhà ở Việt Nam đương đại cần được nhìn nhận nghiêm cẩn hơn.
Những cấp độ thể hiện cá tính trong không gian nhà ở
Đối với nhiều thiết kế kiến trúc, nội thất nhà ở, việc tạo nên cá tính cho không gian đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, thiết kế luôn tốt và đúng đắn, gắn với đối tượng cụ thể là người ở, tự nó đã tạo ra sự khác biệt. Do đó, mục tiêu nêu trên không phải do người thiết kế, thậm chí là chủ nhà gượng ép tạo ra. Cá tính, cái tôi, cái riêng của không gian sẽ xuất hiện càng rõ ràng hơn trong quá trình thiết kế từ lúc đặt đầu bài, xây dựng ý tưởng cho tới khi hoàn thiện lựa chọn các thiết bị, vật liệu,… Việc “lên gân” hay các “chân dung” vẽ trước về sự độc đáo của ngôi nhà không phải cách tốt nhất để đạt kết quả, thậm chí nhiều khi nó làm lệch lạc tính trung thực và bản chất của một không gian ở. Chủ nhà và người thiết kế là hai nhân tố tạo ra và hoàn thiện cá tính cho không gian, khi hai đối tượng này càng có sự đồng cảm thì thành công càng lớn.
Vậy biểu hiện cho cá tính của không gian nằm ở đâu? Yếu tố vật chất hay tinh thần trong nội thất chi phối tới các đặc trưng trong không gian?
Theo quan niệm hình, lý, khí của triết học phương Đông, các cấp độ tạo nên cá tính cho một không gian ở bao gồm: Vỏ kiến trúc, bố trí nội thất và cuối cùng là sự xuất hiện của con người trong không gian cùng các hoạt động của họ. Nói cách khác, các không gian nhà ở được “định dạng” bởi hai yếu tố vật chất và tinh thần.
Thực tế cho thấy một thiết kế nội thất thành công thường tiếp cận, nắm bắt được trước hết là cái “khí” của không gian, bao gồm các giá trị tinh thần gắn bó chặt chẽ tới người sử dụng. Các tâm trạng, cảm xúc và tương tác giữa người với người hay giữa con người với không gian đó luôn được định hướng trước hết, nó dẫn dắt cả quá trình thiết kế.
“Kiến trúc phát triển từ trong ra ngoài hài hòa với môi trường xung quanh” – Có thể đồng cảm trong cách tiếp cận thiết kế của Frank Lloyd Wright, xuất phát từ con người tới nội thất rồi mới tới cái “vỏ” kiến trúc.
Tất cả những sở thích cá nhân, thói quen sinh hoạt cho tới gia phong của một gia đình quyết định cái không khí trong nhà mà chỉ ngôi nhà đó mới có. Chính điều đó đòi hỏi việc tổ chức nội thất tương thích. Từ bộ bàn ghế tiếp khách, cái bàn ăn hay khu bếp,… sẽ luôn được chủ nhân lựa chọn hoặc thiết kế riêng sao cho phù hợp các nhu cầu riêng của gia đình. Cái “khí” là cấp độ cao nhất nói lên bản chất của cá tính không gian vì trên hết nó đề cao vai trò chủ thể của con người. Thậm chí ta có thể hình dung khi để hai gia đình sống trong hai căn hộ có nội thất hoàn toàn giống nhau thì sau một thời gian ngắn thôi, các không gian đó sẽ được điều chỉnh lại theo hướng không giống nhau.
Những tương tác, hoạt động của từng cá nhân và cả gia đình trong ngôi nhà với những chu kỳ, nhịp điệu và sự lặp lại đã hình thành nên cái khí, cái hồn của không gian. Nắm bắt vấn đề cốt lõi này, những nhà công nghệ cũng đang tạo ra cái gọi là “nhà thông minh”, trí tuệ nhân tạo ghi nhớ thói quen người sử dụng. Còn những người thiết kế giúp khách hàng của mình tạo ra dấu ấn cá nhân trong không gian khi đã cảm được nhịp sống của gia đình.
Như đã nói trước đây, một thiết kế tốt luôn nắm bắt và xác định tốt nhất đâu là “linh hồn của ngôi nhà”. Khi đã làm chủ, hiểu được không khí chung cần có của không gian thì quá trình còn lại chỉ còn là vật chất hóa từ nội thất tới kiến trúc.
Trong mối quan hệ Con người – Nội thất – Kiến trúc nếu con người được xem là trung tâm, là yếu tố tinh thần thì nội thất là yếu tố vật chất kế cận. Với các thành phần mà con người luôn sử dụng tiếp xúc trực tiếp hàng ngày như bàn ghế, giường, tủ,… cho tới các bề mặt trần, tường, sàn thì nội thất là yếu tố trung gian kết nối con người với công trình. Nội thất là khâu hoàn thiện một ngôi nhà thành một tổ ấm. Với những yếu tố cấu thành khá linh hoạt và tùy biến thì nội thất là yếu tố vật chất góp phần trước hết tạo nên cá tính cho không gian. Nội thất cũng là yếu tố dễ dàng nhất kiến tạo hay thay đổi cảm xúc của một không gian. Ví dụ đơn giản nhất là chỉ cần đổi một bức tranh lớn trong phòng khách thì cả không gian sẽ biến đổi theo. Trên thực tế, các nhà thiết kế và các KTS thường tạo dấu ấn cho không gian trong quá trình thiết kế nội thất đặc biệt khi mà cái vỏ kiến trúc đang ngày càng được thống nhất hóa trong các dãy nhà lô, biệt thự được xây dựng sẵn hay trong các căn hộ chung cư rập khuôn từ trên xuống dưới.
Cấp độ cuối cùng trong việc tạo cá tính là cái vỏ kiến trúc. Trên thực tế, kiến trúc thường được thi công hoàn thiện trước nội thất nhưng trong quá trình tư duy, thiết kế nhà ở thì nội thất và kiến trúc luôn được tiến hành song song, thậm chí như F.Wright nói thì nội thất có khi được hoạch định trước một bước.
“Kiến trúc phát triển từ trong ra ngoài”, tuy nhiên với những nhà ở có điều kiện xây mới thì cái vỏ luôn luôn cần phản ánh cái ruột. Hình thức phụ thuộc công năng, kiến trúc vị nhân sinh luôn phát triển từ con người, các nhu cầu được phản ánh từ người sử dụng tới nội thất rồi tới kiến trúc. Cách tiếp cận Con người – Nội thất – Kiến trúc không phải là cách duy nhất và cứng nhắc, nhưng nó có tính định hướng và khá phổ biến và đã mang lại nhiều thành công trong các thiết kế trên thực tế.
Lời kết
Tính cách của gia chủ biểu hiện qua “phong cách” sinh hoạt của gia đình, được người thiết kế cảm và thấu hiểu, chính nó góp phần tạo nên những dấu ấn trong không gian một cách tự nhiên nhất. Những dấu ấn này có thể biểu hiện mạnh mẽ trong hình thức, chất liệu, màu sắc nhưng cũng có thể nhuần nhuyễn, mềm mại, vô hình.
Tóm lại, cá tính của không gian nhà ở là yếu tố tự thân được tạo ra trong quá trình thiết kế. Cá tính này phản ánh trước hết tính cách của gia chủ nhưng cũng mang nhiều dấu ấn của KTS (người thiết kế). Cả người ở và KTS đều không thích một sắc thái nhợt nhạt trong tác phẩm của mình, do đó cá tính của không gian nhà ở luôn là mục tiêu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh (hình thành phong cách) của mỗi KTS và cái tôi của mỗi gia chủ. Cá tính luôn xuất hiện một cách tự nhiên trong quá trình thiết kế nhưng những tác giả có nghề luôn biết phát hiện và nhấn nhá làm nổi bật những cá tính tích cực đáng phô bày trong một ngôi nhà. Càng nhiều công trình có cá tính riêng, ta càng có cơ hội chắt lọc hình thành bản sắc để tạo nên một phong cách Việt, thứ vẫn đang vắng bóng hoặc rất mờ nhạt trong kiến trúc, nội thất nhà ở Việt Nam hiện nay.
PGS.TS.KTS. Vũ Hồng Cương
Chủ tịch chi hội Kiến trúc Nội thất – Hội KTS Việt Nam
Tài liệu tham khảo:Phan Cẩm Thượng ( 2011): Văn minh vật chất của người Việt, NXB – Tri thức.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị