Cả nước sẽ có thêm 18 tuyến đường sắt mới vào năm 2050
Tại dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch đến năm 2050 gồm 25 tuyến với chiều dài 6.409 km.
Cụ thể, có 7 tuyến chính hiện hữu với chiều dài 2.440 km, gồm: Hà Nội – TP.HCM; Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội (Gia Lâm) – Hải Phòng; Hà Nội (Đông Anh) – Thái Nguyên (Quán Triều); Hà Nội (Yên Viên) – Lạng Sơn (Đồng Đăng); Kép – Chí Linh; Kép – Lưu Xá.
Với các tuyến mới, sẽ tiếp tục hoàn thành các tuyến đường sắt trên các hành lang trọng yếu: đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; hoàn thành tuyến đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu, Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ, Dĩ An – Lộc Ninh, TP.HCM – Cần Thơ, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Đồng Đăng.
Trong giai đoạn 2021 – 2030, ngoài bố trí vốn triển khai đầu tư các dự án trên, dự thảo quy hoạch đề xuất ưu tiên bố trí vốn đầu tư hoàn thành 2 khu đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam gồm đoạn Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Nha Trang; tiếp theo hoàn thành đoạn Vinh – Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2040 và đoạn Đà Nẵng – Nha Trang hoàn thành vào năm 2050.
Bên cạnh đó, hoàn thành xây dựng tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – cảng Cái Lân; Xây dựng đường sắt nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ với đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân; xây dựng đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội (Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Bắc Hồng); xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành…
Với giai đoạn 2030 – 2050, dự thảo quy hoạch định hướng xây dựng tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng theo nhu cầu thực tế gồm: Đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh (Hạ Long), Hạ Long – Móng Cái; Thái Nguyên – Tuyên Quang – Yên Bái; đường sắt từ cảng Mỹ Thủy – Đông Hà – Lao Bảo kết nối với Lào.
Giai đoạn này cũng sẽ xây dựng đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước – Chơn Thành); trong đó ưu tiên đoạn Đắk Nông – Chơn Thành; khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, dài khoảng 84 km theo nhu cầu phục vụ du lịch; hoàn thành các tuyến đường sắt tại các khu đầu mối…
Về vốn đầu tư, dự thảo quy hoạch của Bộ GTVT đã đưa ra tổng nhu cầu vốn dự kiến đến năm 2030 cho cả cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có và đầu tư đường sắt mới khoảng 240.000 tỉ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu