Cá nhân môi giới bất động sản không được hành nghề độc lập

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai các luật và nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó có Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, quy định về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản với nhiều nội dung mới, quan trọng.

Luật đã làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm không chồng chéo với Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thi hành án dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…

Đồng thời, bổ sung quy định về những trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản; bổ sung, hoàn thiện các quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản trên cơ sở quy định hiện hành.

Bổ sung một số điều kiện chặt chẽ hơn nhằm sàng lọc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đủ năng lực tài chính để tham gia thị trường như: Tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên số vốn chủ sở hữu, phân bổ vốn chủ sở hữu để bảo đảm tỷ lệ tối thiểu trên tổng vốn đầu tư dự án trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đồng thời thực hiện nhiều dự án.

Cá nhân môi giới bất động sản không được hành nghề độc lập
Theo Luật, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. (Ảnh minh họa, ảnh: Đỗ Đạt)

Theo Luật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền về kinh doanh bất động sản, mua, thuê, thuê mua bất động sản như cá nhân trong nước; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc diện phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư quy định đối với nhà đầu tư trong nước có đầy đủ các quyền về kinh doanh bất động sản, mua, thuê, thuê mua bất động sản như tổ chức trong nước.

Luật quy định công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản là điều kiện bắt buộc khi kinh doanh bất động sản, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi của người mua, thuê, thuê mua bất động sản.

Bổ sung quy định về đặt cọc trong mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai nhằm ngăn chặn việc huy động vốn trái quy định, giảm thiểu nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chiếm dụng vốn của khách hàng, sàng lọc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường.

Đồng thời, bổ sung quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, cho phép khách hàng được lựa chọn việc bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình trong trường hợp không bàn giao nhà ở theo cam kết.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê lại nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản. Bắt buộc cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có 20 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 1 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng và 3 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

Trong năm 2024, dự kiến sẽ ban hành các Nghị định thi hành Luật Kinh doanh bất động sản về: (1) Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản; (2) Về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Các thông tư hướng dẫn quy định trong Luật bao gồm: (1) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; (2) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính về: (i) Việc sử dụng kinh phí để xây dựng, điều tra thu thập thông tin, cập nhật, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; (ii) hướng dẫn xác định giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật về giá; (iii) hướng dẫn quản lý và sử dụng số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trong năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Nội dung giám sát tập trung vào công tác chỉ đạo, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, điều tiết thị trường bất động sản; nguồn cung bất động sản; giao dịch bất động sản; tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; công tác quy hoạch; kinh doanh dịch vụ bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản… Kết quả giám sát sẽ là căn cứ quan trọng để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó, đáng chú ý là quy định về công khai thông tin. Theo dự thảo, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trước khi ký kết hợp đồng đặt cọc hoặc hợp đồng bán, cho thuê mua bất động sản, dự án bất động sản có trách nhiệm công khai đầy đủ, trung thực và chính xác của các thông tin về bất động sản, dự án bất động sản theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích