Cà Mau: Tỷ lệ người mắc ung thư có dấu hiệu tăng nhanh

Cà Mau: Tỷ lệ người mắc ung thư có dấu hiệu tăng nhanh

MTĐT –  Thứ hai, 16/01/2023 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ tính trong chưa đầy 9 tháng của năm 2022, tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận khám và điều trị cho gần 1.500 bệnh nhân.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua, hầu hết các loại ung thư tại Việt Nam đều gia tăng. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó đáng chú ý là 30% do thuốc lá và 35% do thực phẩm không an toàn và chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Riêng tại tỉnh Cà Mau, ghi nhận thực tế cho thấy, tỷ lệ người mắc ung thư trong cộng đồng đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn. Chỉ tính trong chưa đầy 9 tháng của năm 2022, tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận khám và điều trị cho gần 1.500 bệnh nhân. Trong khi con số thực ngoài cộng đồng còn cao hơn gấp nhiều lần như thế. Các loại ung thư phổ biến hiện nay là ung thư phổi, dạ dày, gan, thực quản, đại trực tràng… Tất cả những trường hợp mắc bệnh đều có liên quan đến thói quen sống, sử dụng thực phẩm bẩn, môi trường bị ô nhiễm bởi các loại hóa chất độc hại, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc khai hoang, thuốc tăng trưởng, thuốc dưỡng hạt được sử dụng một cách vô tội vạ.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Các loại trái cây được bày bán trên thị trường Cà Mau hiện nay như: Mít, sầu riêng, mãng cầu… đều thuộc dạng chín “siêu” tốc. Người bán chỉ cần làm một động tác là nhúng trái cây vào chậu nước có pha hóa chất đã được chuẩn bị sẵn, thì ngày hôm sau chúng đã chín và được đưa đi tiêu thụ, nguy hại cho người tiêu dùng.

Không những chỉ có các loại trái cây, mà ngay cả các loại nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho đa số người dân hằng ngày như: Đậu đũa, dưa leo (dưa chuột), khổ qua, rau má… cũng được người trồng “hóa phép” trong một đêm để trở thành những thứ nông sản vừa sáng bóng, vừa to, đẹp hấp dẫn người mua, trong khi người mua không hề biết rằng những ẩn họa đang chực chờ đối với sức khỏe chính mình ngay trong mớ nông sản nhìn ngon lành đó.

Bác sĩ Châu Tấn Đạt, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho hay: “Các chất tăng trọng, thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất phụ gia… có trong thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người sử dụng, có thể gây ngộ độc cấp tính, nhiễm trùng, sán não, nhưng để phát triển thành bệnh lý ung thư thường phải sau thời gian dài tiếp xúc. Các chất bảo quản thực phẩm, nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hoá học; các chất trung gian chuyển và sinh ra từ thực phẩm nấm mốc, lên men (cà, dưa muối) gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hoá như: Dạ dày, gan, đại tràng, thực quản…”.

Bà Đ.N.C 78 tuổi ở ấp Chống Mỹ A, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn bị căn bệnh ung thư đại tràng, đã được hóa trị và xạ trị nhiều lần, hiện sức khỏe của bà đã suy giảm nhiều nhưng tinh thần vẫn còn khá minh mẫn. Bà C cho biết: “Ngày xưa người dân nơi đây ăn rau, củ… chỉ tự trồng thôi, tới cuối vụ được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu. Không có ai bị bệnh ung thư. Sau này, người trồng họ sử dụng phân thuốc nhiều quá, người dân không tự trồng mà chỉ mua ăn, nên người bị ung thư ở xóm tôi bây giờ nhiều lắm”.

Theo các chuyên gia đầu ngành về y tế cho biết, số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính là thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng. Trong đó, tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá 30%, di truyền chỉ từ 5-10%, còn lại là các nguyên nhân khác. Trong thực phẩm bẩn có chứa rất nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm, như: vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh, độc tố nấm, độc tố vi khuẩn, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc nhuộm màu, chất bảo quản chống thối… Về lâu dài, chúng có thể gây các bệnh mạn tính, đột biến gene, ung thư… và cuối cùng là dẫn đến tử vong./.

Bảo My (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích