Cà Mau: Tập trung khắc phục tình trạng hạn hán

Cà Mau: Tập trung khắc phục tình trạng hạn hán

Mới đây, thường trực Huyện ủy Trần Văn Thời đã ra chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời, hiện nay, tình hình hạn hán trên địa bàn huyện đang diễn biến gay gắt, có 39 tuyến kênh bị sụt lún, sạt lở, tổng chiều dài hơn 4.000 m với 111 điểm làm ảnh hưởng lớn đến đi lại, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Nguyên nhân ngoài các yếu tố khách quan do diễn biến bất thường của thời tiết cũng như sự chủ quan trong công tác chỉ đạo từ các cấp, ngành chưa quyết liệt; ý thức của người dân tự bảo vệ phần đất ven sông, kênh rạch còn thấp, việc tự đào lòng kênh quá sâu, quá gần chân để lấy đất sử dụng dẫn đến độ dốc mái kênh lớn, sụt lún đường giao thông thông còn xảy ra.

Theo Chỉ thị, Thường vụ Huyện ủy Trần Văn Thời yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, UBND huyện, xã nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ nhằm khắc phục tình trạng trên: Thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương và địa phương; xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, không chủ quan, lơ là; các cấp huyện, xã cần đôn đốc, nhắc nhở, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân thực hiện tốt công tác sụt lún, sạt lở do hạn hán gây ra.

Trước đó, sáng ngày 16/2, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã đi khảo sát thực tế tình hình phòng ngừa sụt lún đê, đường giao thông nông thôn trong mùa khô trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Tiến Hải – Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (bìa trái) khảo sát tình trạng hạn hán, sụt lún trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.

Trong quá trình khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo chính quyền địa phương phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa đã được khuyến cáo; tiến hành gia cố chân đê; cắt, tỉa hoặc đốn hạ những cây thân gỗ lớn trên tuyến lộ có nguy cơ sụt lún. Thực hiện giảm tải các tuyến lộ; giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn nhằm giảm nguy cơ sụt lún tuyến đê do hạn hán, thiếu nước.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình hạn hán mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh diễn biến gay gắt, đặc biệt ở Tiểu vùng III Bắc Cà Mau thuộc huyện Trần Văn Thời, mực nước trên các hệ thống kênh, mương bị sụt giảm, khô cạn. Tổng số có 36 tuyến kênh tại huyện Trần Văn Thời bị sụt lún, sạt lở, với 107 điểm, tổng chiều dài 3.361 m. Trong đó, sụt lún, sạt lở ảnh hưởng lộ bê tông 31 tuyến, với 78 điểm, chiều dài 2.325 m; sụt lún, sạt lở đất đen 5 tuyến, với 29 điểm, chiều dài 1.036m. Vào ngày 5/2, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sụt lún, sạt lở.

Chỉ đạo tại buổi làm việc với huyện Trần Văn Thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, phải nghiêm túc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống sụt lún, ảnh hưởng của hạn hán vào mùa khô. UBND huyện Trần Văn Thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân trong thu hoạch diện tích lúa còn lại, cũng như quản lý chặt các phương tiện vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tránh bị ép giá sau khi thu hoạch; Khẩn trương rà soát dự án khu tái định cư tại Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc nhằm triển khai hiệu quả.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng El Nino, từ nay đến tháng 6 khả năng hạn hán gay gắt, thiếu nước tiếp tục diễn ra trên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Vì thế, huyện Trần Văn Thời cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước ở các kênh theo khuyến cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; Chú trọng vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống sạt lở, sụt lún đất; cần hạn chế tối đa việc lấy nước ngọt tại các kênh rạch ven đường giao thông, đê biển, đê bao, bờ bao; Quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt tại các kênh, sông, rạch có tuyến lộ giao thông quan trọng, nguy hiểm dễ bị sạt lở.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích