Cà Mau: Phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế trong phát triển đô thị

Giai đoạn 2022-2025, Cà Mau phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa 35%, số lượng đô thị là 34, diện tích sàn nhà ở đô thị đạt 24m2/người vào năm 2025; kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 60% vào GDP toàn tỉnh.

ca mau phat huy hieu qua tiem nang loi the trong phat trien do thi
Công viên Văn hóa Hùng Vương ở trung tâm thành phố Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau xác định rõ mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhằm tập trung khai thác, phát huy hiệu quả cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong việc đầu tư phát triển các đô thị tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, địa phương xác định lộ trình phát triển đô thị theo các tiêu chí quy định; sắp xếp thứ tự ưu tiên về nguồn lực đầu tư và đề xuất các giải pháp nâng cao trình độ quản lý đô thị xứng tầm với từng loại đô thị.

Tỉnh ủy Cà Mau xây dựng mục tiêu chung, đó là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững, có kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, phù hợp với khí hậu địa phương, giàu bản sắc và yếu tố văn hóa đặc trưng của tỉnh; hình thành chuỗi đô thị động lực, chuỗi đô thị ven biển kết nối với hệ thống đô thị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.

Cùng đó là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng sống, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.

Dự thảo Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hệ thống đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Giai đoạn 2022-2025, Cà Mau phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa là 35%, số lượng đô thị là 34, diện tích sàn nhà ở đô thị đạt 24m2/người vào năm 2025. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 60% vào GDP toàn tỉnh. 100% các đô thị đều có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triến đô thị; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch đô thị và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Cà Mau.

Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 45%, số lượng đô thị là 45, diện tích sàn nhà ở đô thị đạt 26,5m2/người vào năm 2030. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 65% vào GDP toàn tỉnh.

Tỉnh còn định hướng rõ mục tiêu, lộ trình phát triển các đô thị huyện lỵ, các đô thị động lực của tỉnh…

Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa vùng nội địa và ven biển; có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường; có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, hiện đại.

Tỉnh xây dựng thành phố Cà Mau trở thành một trong số các đô thị hàng đầu cả nước, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị của tỉnh, khu vực và quốc gia. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

Theo Tỉnh ủy Cà Mau, tính đến năm 2022, tỉnh có 21 đô thị gồm: một đô thị loại II, hai đô thị loại IV và 18 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 28,4%, tăng 6,23% so với năm 2015. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, đặc biệt là ở ba đô thị động lực.

Mức đóng góp của khu vực đô thị khoảng 55% GRDP toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế đô thị của tỉnh đã chuyển dịch mạnh sang hướng dịch vụ, thương mại, chất lượng sống của dân cư đô thị từng bước được nâng cao.”

ca mau phat huy hieu qua tiem nang loi the trong phat trien do thi
Đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua huyện Thới Bình (Cà Mau). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Công tác quy hoạch xây dựng đô thị được tỉnh chú trọng, tất cả các đô thị trên địa bàn đều đã được lập quy hoạch chung xây dựng. Riêng thành phố Cà Mau quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) khu vực nội thị đạt 56,87%; một số quy hoạch xây dựng được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị.

Bên cạnh đó, công tác chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị từng bước được địa phương quan tâm đầu tư, hoàn thiện./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích