Cà Mau: Dân trồng lúa kêu cứu!

Cà Mau: Dân trồng lúa kêu cứu!

Nhiều hộ dân tại ấp 3, xã Tân Thành, TP. Cà Mau bức xúc về tình trạng một hộ dân thuê đất với diện tích lớn để đào ao nuôi cá, phá vỡ quy hoạch chung.

Chính quyền không kiên quyết xử lý

Ông Quách Thanh Tòng (ấp 3, xã Tân Thành) cho biết, từ đầu năm đến nay, có một hộ dân không rõ ở nơi đâu đến, tự ý thuê máy cuốc múc gần 20 ha đất nông nghiệp thành ao để nuôi cá chình, cá bống tượng. Điều khó hiểu ở đây là, trong năm 2022, khu đất này đã được cắm biển cảnh báo không cho người dân tự ý chuyển đổi hình thức nuôi trồng, vì là khu đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo ông Tòng: “Khi phát hiện sự việc bên kia người ta múc đất, tôi có báo chính quyền địa phương. Phía xã và Phòng Kinh tế TP có xuống lập biên bản, hứa trong vòng 15 ngày sẽ trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, tới 17/7 họ lại tiếp tục múc, tôi lại báo, họ ngưng vài ngày rồi sau đó lại tiếp tục múc nữa!”. Quá bức xúc, ông Tòng gửi đơn yêu cầu can thiệp tới cơ quan chuyên môn là Phòng Kinh tế TP. Cà Mau cũng như UBND thành phố Cà Mau, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Hộ ông Trần Văn Tùng (ấp 3, xã Tân Thành) có 2 ha lúa đang vào kỳ trổ bông. Tuy nhiên, do rất gần với các vuông nuôi cá trên nên ông vô cùng lo lắng. Ông Tùng băn khoăn: “Bên làm ruộng, bên làm thủy sản, nó “trẹo” lắm! Nếu làm cuối vụ thì thiếu nước cho vụ hai, còn thêm tình trạng chim chuột nó nằm trên mặt líp nên không quản lý được”.

Điều ông Tùng cũng như các hộ trồng lúa nước gần đó lo lắng là nguồn nước nuôi cá chình là nước mặn. Nếu xử lý không tốt sẽ làm lúa kém năng suất và dẫn đến chết lúa.

tm-img-alt
Bảng thông báo tại trụ sở ấp 3 nghiêm cấm người dân tự ý chuyển đổi hình thức nuôi trồng, chỉ trồng lúa nước.

Ngoài ra, điều khiến người dân bức xúc nhất là chính quyền không kiên quyết xử lý tình trạng trên. Người dân cho rằng, sau khi phát hiện sai phạm, họ có báo với chính quyền, sự việc tạm ngưng, nhưng sau đó lại thường xuyên tái diễn.

tm-img-alt
Ông Quách Thanh Tòng đã nhiều lần phản ánh sự việc đến chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Chính quyền có xử lý bất nhất?

Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị điện tử, tại hiện trường người dân phản ánh, có một vuông đã được thả nuôi cá chình, các vuông khác đang tiếp tục hoàn thiện. Khi thấy có người, các máy móc tạm ngừng hoạt động. Có thể thấy, diện tích và quy mô hoạt động của hộ dân này là rất lớn.

tm-img-alt
Hiện trạng máy vẫn đang múc vuông quy mô lớn theo phản ánh của người dân.

Người dân cũng thắc mắc, mới đây, có một hộ dân khác đã tự ý múc vuông để nuôi cá thì bị chính quyền lập biên bản xử phạt và yêu cầu không được tiếp tục thực hiện. Đó là hộ ông Nguyễn Văn Phúc (ấp 3, xã Tân Thành). Theo ông Phúc, trước đây, ông có tự ý chuyển đổi hình thức canh tác lên vuông cho 5.000 m2 đất trồng lúa. Nguyên nhân là do ruộng ông không còn đường cho máy cắt đi vô vì các hộ xung quanh đã trồng cây, nên buộc ông phải chuyển sang nuôi cá.

Ông Phúc trình bày: “Tui bị lập biên bản 3 lần rồi, ấp lập một lần, xã lập hai lần, yêu cầu tôi đóng tiền phạt 3 triệu. Bây giờ tui còn có bây nhiêu diện tích mà máy cày, máy cắt vô không được, đám lúa này chắc bỏ luôn. Tui thấy ở trên kia kìa, đất đó người ta cũng múc ào ào, vậy mà tui múc có nhiêu đây lại phạt tui hoài là sao?!”.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Văn Phúc, một hộ dân tự ý múc ao đã bị chính quyền lập biên bản xử phạt.

Trước tình trạng trên, ngày 24/8, PV có liên hệ trao đổi với bà Trịnh Thanh Thùy – Chủ tịch UBND xã Tân Thành, nhằm tìm hiểu thông tin về những phản ánh của người dân. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào.

Như vậy, có hay không chuyện chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, để sự việc người dân tự ý chuyển đổi hình thức nuôi trồng, phá vỡ quy hoạch vùng về nông nghiệp? Không chỉ vậy, việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp cũng xảy ra tại xã này mà căn nhà của ông Hồ An Tập là một ví dụ điển hình đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích