Cà Mau: Chi 10 tỷ đồng hỗ trợ người dân vùng hạn mặn
(Xây dựng) – Theo thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện toàn tỉnh có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán.
Cán bộ huyện U Minh lắp đặt đường ống. |
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố Cà Mau về việc cung cấp nước phục vụ sinh hoạt nông thôn ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất sử dụng 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để hỗ trợ các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình mua dụng cụ trữ nước cho người dân. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mở rộng mạng đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Bồn chứa nước hỗ trợ người dân. |
Trong quá trình thực hiện, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, kiểm soát chặt chẽ vật tư, thiết bị thi công và đảm bảo chất lượng công trình. Thống nhất chủ trương cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện công tác hoàn trả mặt bằng bê tông trên đường ống; lắp đặt, hoàn thiện đường ống và lắp đặt đồng hồ nước… bằng nguồn chi phí hoạt động dịch vụ của đơn vị.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Trong đó, khu vực đặc biệt khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước chủ yếu tập trung ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, với 1.719 hộ, do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún, giao thông bị chia cắt…
Người dân vui mừng sử dụng nước ngọt. |
Cụ thể, huyện Trần Văn Thời có 677 hộ, Thới Bình 581 hộ, U Minh 461 hộ. Ba địa phương mua dụng cụ chứa nước cho người dân kinh phí gần 500 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức mở rộng mạng đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân như mua vật tư, thiết bị với kinh phí khoảng 9,5 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, vận động các hộ dân giải phóng mặt bằng theo tuyến ống đi qua, tham gia đào đất để lắp đặt đường ống (trên đất của hộ gia đình), bảo vệ đường ống; huy động lực lượng thanh niên, lực lượng vũ trang, người dân địa phương… tham gia đào đất để lắp đặt đường ống ở các tuyến đi qua khu vực công cộng, hoặc đi ngang những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt… để kịp thời lắp đặt đường ống.
Nguồn: Báo xây dựng