Cà Mau: Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

(Xây dựng) – Nhân dịp họp mặt Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), UBND tỉnh Cà Mau đã tuyên dương 33 doanh nghiệp và 22 doanh nhân có thành tích tiêu biểu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời gian qua.

Cà Mau: Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau khen thưởng ông Trần Anh Khoa, doanh nghiệp tiêu biểu năm 2024.

Doanh nghiệp nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của địa phương

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024), ngày 12/10, tỉnh Cà Mau tổ chức buổi họp mặt cùng với các doanh nghiệp. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, 9 tháng đầu năm 2024, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 20%, kim ngạch xuất khẩu tăng 9%, thu ngân sách đạt 84,3% dự toán và tăng 8,5%. Giải quyết việc làm vượt 0,3% kế hoạch năm và tăng 11,3% cùng kỳ. Văn hóa – xã hội được quan tâm thực hiện, quốc phòng – an ninh tiếp tục được giữ vững.

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, tỉnh luôn gắn kết đồng hành cùng với doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tháo gỡ vướng mắc nhằm mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính quyền địa phương các cấp đã cố gắng, nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu thực hiện; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt thông tin, chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Từ đó, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 của tỉnh Cà Mau xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 36 bậc), xếp thứ 6/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tăng 6 bậc) so với năm 2022, và nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI cả nước. Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 xếp hạng 34/63 tỉnh, thành và xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cà Mau: Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Một trong 22 doanh nhân được tặng thưởng Doanh nhân tiêu biểu năm 2024.

Khẳng định vị thế của doanh nghiệp cùng với sự phát triển của địa phương, tại buổi họp mặt, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Tỉnh đạt được kết quả nêu trên là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Bên cạnh sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, còn có sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, thống nhất ủng hộ của nhân dân; trong đó, có sự đóng góp rất lớn của hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức để hoạt động ổn định; tiếp tục giữ vững uy tín, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động; nhất là lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản đã đưa Cà Mau trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng đầu cả nước…”.

Kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục đầu tư các dự án

Hiện Cà Mau đã và đang tập trung triển khai nhiều dự án mang tính chiến lược dài hạn, nhất là các tuyến đường giao thông, kết nối vùng, liên vùng, quy hoạch và phát triển kinh tế vùng ven biển, tạo ra nhiều không gian và dư địa để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tới. Theo đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng của tỉnh đã và đang được đầu tư như: Cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông – Tây, cầu Gành Hào nối Cà Mau – Bạc Liêu, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cà Mau; tuyến đường Cà Mau – Đầm Dơi, Cái Nước – Vàm Đình – Cái Đôi Vàm, U Minh – Khánh Hội; cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tuyến cao tốc từ Cà Mau đi Đất Mũi cũng đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch.

Tỉnh cũng đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện thủ tục đầu tư mở rộng, nâng cấp sân bay Cà Mau; đầu tư dự án đường ven biển và nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ Cà Mau đi Đất Mũi. Sau khi các dự án được đầu tư hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách về mặt thời gian giữa Cà Mau với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, trên cơ sở quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Cà Mau cũng đang đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch các đô thị động lực là thành phố Cà Mau, Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và Năm Căn (huyện Năm Căn); quy hoạch chung Khu kinh tế Năm Căn, Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Tường, quy hoạch phân khu khu đô thị sân bay, các quy hoạch đô thị trung tâm các xã… đảm bảo chất lượng, đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện, cũng như trong thu hút đầu tư.

Cà Mau: Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Duy Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Trang trí nội thất Thanh Phương được tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu năm 2024.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau; chủ động linh hoạt, kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, cùng hợp tác vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi nhấn mạnh: “Tỉnh Cà Mau coi sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là thành công của tỉnh. Tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trên nguyên tắc vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, vừa bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau: “Từ nay đến cuối năm 2024 thời gian không còn nhiều, nhiệm vụ của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp, doanh nhân còn khá nặng nề. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Sở, ngành, địa phương có liên quan hãy tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thu hút các dự án đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thu hút thêm nhiều dự án, hạ tầng quan trọng đã được lãnh đạo Trung ương quan tâm chỉ đạo, sẽ sớm được triển khai, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội và tiền đề mới thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới”.

Ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau: “Toàn tỉnh có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục chủ động đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó là tiếp tục duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng chương trình cà phê kết nối doanh nghiệp tổ chức vào sáng thứ Bảy hàng tuần nhằm tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp có điều kiện gặp gỡ, trao đổi đề xuất trực tiếp với lãnh đạo tỉnh tháo gỡ khó khăn, bức xúc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp các Sở, ngành có liên quan tổ chức tập huấn kiến thức hội nhập quốc tế và các văn bản mới liên quan đến thương mại quốc tế; nhận diện những cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tư do (FTA)”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích