Ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện như thế nào?
Ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện như thế nào?
Sở Y tế nhận định, bước đầu nguồn lây nhiễm cho người bệnh này là từ nước ngoài. Cụ thể là Dubai, không phải bị lây nhiễm từ trong nước.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ là bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại TP Hồ Chí Minh. Từ ngày 20/7 – 22/9, bệnh nhân đi du lịch tại Dubai. Trong thời gian này, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu bệnh từ ngày 18/9 với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23/9, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh. Tại đây, do nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ nên bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Real time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh).
Ngày 25/9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gen tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường đại học OXFORD hợp tác với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Ngày 3/10, kết quả xét nghiệm giải trình tự gen khẳng định bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb. Đây là bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam.
Với những thông tin khai thác được qua điều tra dịch tễ, cùng với kết quả xét nghiệm Real time PCR, giải trình tự gen, Bộ Y tế nhận định đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguồn lây từ nước ngoài. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.
Cũng theo báo cáo nêu trên, hiện BN tỉnh táo, sinh hiệu ổn, không sốt, còn sẩn hồng ban mụn nước, ăn uống được, đang tiếp tục được cách ly và theo dõi tại BV Bệnh Nhiệt đới.
Sở Y tế đã chỉ đạo HCDC tiếp tục điều tra, truy vết, tìm hiểu nguồn lây và theo dõi những người tiếp xúc gần với người bệnh để kịp thời phát hiện và xét nghiệm chẩn đoán khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu BV Bệnh Nhiệt đới tiếp tục cách ly, điều trị, chăm sóc BN mắc đậu mùa khỉ trên theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đó, trong tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ gia tăng ở các nước trên thế giới, từ tháng 7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hệ thống giám sát bệnh đậu mùa khỉ. Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp tập huấn về giám sát bệnh đậu mùa khỉ cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập về dấu hiệu nhận biết, cách lấy mẫu, vận chuyển mẫu xét nghiệm, quy trình phát hiện, tiếp nhận bệnh nhân…
Ngay sau tập huấn, các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tại thành phố đã triển khai hoạt động giám sát bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 22/8, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng đã cập nhật hướng dẫn này đến các cơ sở y tế để tiếp tục giám sát bệnh theo quy định. Trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trên được phát hiện sớm nhờ vào hệ thống giám sát của thành phố đã được tổ chức và chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận ca bệnh.
Đậu mùa khỉ là bệnh lây khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc vật dụng cá nhân nhiễm mầm bệnh này hoặc có thể lây từ mẹ sang con. Người có dấu hiệu nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ cần chú ý đến các dấu hiệu nghi mắc bệnh, chủ động liên hệ các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị phù hợp, tránh lây lan cho những người xung quanh./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị