Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chủ đầu tư nói gì vụ hàng nghìn m3 đất “lậu” san lấp đường giao thông liên xã
(Xây dựng) – Trả lời phóng viên Báo điện tử Xây dựng, liên quan đến vụ việc hàng nghìn m3 đất “lậu” được sử dụng để san lấp công trình đường giao thông liên xã Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đó là thực trạng chung của các công trình xây dựng, bởi đến nay trên địa bàn huyện chưa hề có mỏ đất nào được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật.
Hàng nghìn m3 khối đất không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng dùng để đắp công trình liệu có đảm bảo chất lượng? |
Công trình đường giao thông liên xã từ đập Thiên Đường, xã Tân Hòa đi thôn Ea Ly, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đang được triển khai thi công thế nhưng một số đoạn đã xuất hiện vết nứt ngang trên lớp mặt bê tông. Điều đáng nói công trình được đơn vị thi công sử dụng hàng nghìn m3 đất “lậu” để san lấp công trình.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Ngọc Duy – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Buôn Đôn cho biết, công trình đường giao thông liên xã từ đập Thiên Đường, xã Tân Hòa đi thôn Ea Ly, xã Ea Wer, có tổng chiều dài hơn 6,2km, với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Vết nứt ngang xuất hiện trên bề mặt bê tông. |
Theo ông Cao Ngọc Duy, việc đơn vị thi công sử dụng đất để đắp 2 bên lề đường là tận dụng đất bóc phong hóa và đi mua đất của những người dân để san lấp cho công trình. “Trong dự toán của công trình không có phần quyết toán chi phí đất đắp, mà chủ đầu tư chỉ hỗ trợ cho đơn vị thi công về chi phí xăng dầu. Không có chi phí đất đắp, chỉ tận dụng đất 2 bên lề để đắp công trình. Chúng tôi cũng rất mong được các cấp tạo điều kiện để có mỏ đất nhằm phục vụ thực hiện cho các dự án” – ông Duy thông tin.
Đơn vị thi công tận dụng đất 2 bên lề và thu gom đất “lậu” hàng nghìn m3 để lu lèn, đắp 2 bên lề đường. |
Trả lời chúng tôi câu hỏi, trong dự toán không có chi phí đất đắp, địa phương không có mỏ đất vậy số lượng hàng nghìn m3 đất đang được sử dụng để đắp công trình có đảm bảo chất lượng cho công trình hay không? Ông Cao Ngọc Duy cho rằng, tại công trường luôn có cán bộ kỹ thuật giám sát, vì vậy việc lấy đất ở đâu cũng phải đảm bảo chất lượng.
Đủ loại màu đất được đơn vị thi công sử dụng để đắp 2 bên lề tuyến đường dài hơn 6,2km. |
Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường liên xã Tân Hòa đi xã Ea Wer đã đổ xong phần bê tông, hiện đang đẩy nhanh tiến độ, đổ đất để đắp 2 bên lề đường. Hàng nghìn m3 đất đã được đơn vị thi công tận dụng 2 bên lề đường và lấy từ các nơi trên địa bàn để san lấp. Điều đáng nói là liệu công trình có đảm bảo chất lượng khi sử dụng nguồn đất không rõ nguồn gốc, đất không qua thẩm định chất lượng?
Cả tuyến đường có chiều dài 6,2km với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng nhưng chỉ có ít hộ dân sinh sống, hầu như đi qua nương rẫy của các nông hộ. |
Theo quan sát của phóng viên, cả tuyến đường hơn 6,2km được đầu tư 14 tỷ đồng tiền ngân sách nhưng chỉ rải rác vài hộ dân sinh sống. Trả lời câu hỏi của phóng viên việc được vài hộ dân sinh sống, chủ yếu đường đi qua nương rẫy nhưng lại đầu tư số tiền lớn liệu có lãng phí nguồn ngân sách khi huyện biên giới Buôn Đôn là huyện nghèo, cơ sở hạ tầng một số nơi còn thiếu thốn? Ông Cao Ngọc Duy cho rằng, chủ trương đầu tư là của cấp trên, ông là đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, ông Duy cũng cho rằng việc đầu tư công trình là nhằm phục vụ sản xuất cho người dân là chủ yếu và việc đầu tư đoạn đường này sẽ tạo điều kiện để người dân làm nhà ở sinh sống, ổn định dân cư trong tương lai.
Nguồn: Báo xây dựng