Bước vào cao điểm Tết, các chợ vẫn vắng như “chùa bà đanh”, tiểu thương buồn rầu
Ế ẩm từ chợ đầu mối đến chợ lẻ
Dù đã bước vào cao điểm Tết nhưng do nhu cầu thấp nên tình trạng ế ẩm vẫn đang diễn ra từ chợ lẻ cho đến các chợ đầu mối, theo Báo Tuổi trẻ.
Tại chợ Bình Tây (quận 6, TP. HCM), địa điểm chuyên bán sỉ bánh kẹo, mứt Tết có tiếng cũng đang rơi vào tình trạng vắng khách. Theo bà Nguyễn Ngọc Hoàng – gian hàng bánh kẹo Ngọc Điềm, thời điểm này các năm sức mua đối với kẹo bí, kẹo dừa, kẹo đậu phộng, mứt… đã tăng gấp 2 – 2,5 lần ngày thường, nhưng nay chỉ tăng 50 – 60%.
“Dù giá bán ổn định nhưng đơn hàng sỉ đi các tỉnh năm nay giảm hẳn, còn khách lẻ cũng chỉ lác đác. Tình trạng này khiến nhiều người bán gần như không dám nhập thêm hàng về trữ bán Tết như các năm”, bà Hoàng nói.
Vẫn theo Báo Tuổi trẻ, tại các chợ đầu mối, dù giá bán khá tốt so với chợ lẻ và giảm hơn các năm, tuy nhiên nhiều tiểu thương đều than ế ẩm.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền, cho biết mọi năm thời điểm này mỗi ngày có thể bán được hàng tấn rau, nhưng năm nay do mối lái ít, bán lẻ gần như không được nên chỉ được tầm 600 – 700kg, coi như giảm gần phân nửa.
“Giá nhiều loại rau củ đang rẻ hơn 20 – 25% so với năm ngoái: cà rốt, khoai tây Đà Lạt bán sỉ tầm 15.000 – 25.000 đồng/kg tùy loại, bắp cải 10.000 đồng/kg, khổ qua 14.000 đồng/kg… Dù chưa vào đợt cao điểm Tết nhưng với tình hình hiện nay, giá phần lớn sẽ khó tăng”, chị Hạnh rầu rĩ.
Với tình trạng hiện nay, nhiều thương nhân tại chợ đầu mối cho biết đã chủ động thương lượng với thương lái giảm lượng rau đưa về chợ, bởi bán không hết thì có nguy cơ phải đổ bỏ.
Hơn 50 năm gắn bó với sạp bánh kẹo tại chợ Bình Tây (TP.HCM), bà Ứng Thị Hoa (70 tuổi) cho biết, năm nay khó khăn nhất, sức mua giảm chỉ còn 50%. Đoán trước tình hình mua bán khó khăn, bà Hoa cũng không dám trữ hàng như các năm trước.
“Bình thường vào dịp Tết, tôi nhập cả tấn bánh kẹo nhưng năm nay chỉ nhập cầm chừng tầm vài ba trăm ký, bán hết rồi lại nhập tiếp, mà cũng hồi hộp lắm”, bà kể.
Nói về chuyện “nghịch lý” khách đến chợ thì đông mà doanh thu vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, bà Hoa giải thích: “Đó chỉ là khách vãng lai, họ chỉ mua chút đỉnh, tầm nửa ký, 1 ký. Trong khi đó, mình bán chủ yếu là đơn hàng có số lượng lớn cho khách mối, mà tới thời điểm này các mối sỉ ở tỉnh vẫn chưa rục rịch gì. Ví dụ 10 mối thì mới chỉ có 5 người gọi mà mua cũng chỉ được 1/3 số lượng năm trước”.
Theo lời chủ sạp này, việc mua bán từ đầu năm đến giờ gồng lỗ là chính. Cho nên, dịp cuối năm là thời điểm bà kỳ vọng gỡ gạc lại vốn và kiếm chút đồng vô đồng ra để xài Tết. Dẫu doanh thu năm nay vẫn là ẩn số, nhưng bà Hoa vẫn không dám kỳ vọng tiền lời được 1/3 so với trước kia.
Chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) là một trong những giao thương các mặt hàng hoa tươi, hoa khô phục vụ người tiêu dùng quanh năm. Đây là chợ hoa lớn nhất Hà Nội chuyên phân phối các mặt hàng hoa từ Hà Nội đi các tỉnh thành lân cận.
Tuy nhiên, dù Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chỉ còn hơn chục ngày nhưng năm nay, chợ hoa Quảng An lại lâm cảnh đìu hiu, vắng bóng khách vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Theo các tiểu thương, có 2 nguyên nhân chính khiến chợ hoa Quảng An lâm cảnh vắng khách. Thứ nhất, do sự ảnh hưởng của việc chậm tiến độ dự án mở rộng đường Âu Cơ – Nghi Tàm, khiến các phương tiện ra vào khó khăn. Nguyên nhân thứ là do hoa nhập ngoại có giá rẻ hơn đến 40% so với hoa trong nước. Tất cả những yếu tố trên khiến rất nhiều tiểu thương tại chợ hoa Quảng An ế ẩm, thua lỗ không ít vì mức tiêu thụ giảm một nửa so với những năm trước.
Bài toán cần sự thay đổi
Khi kinh tế khó khăn, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm và cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các kênh bán hàng online, chợ truyền thống ảm đạm là một xu hướng tất yếu.
“Khi kinh doanh khó khăn, tiểu thương sẽ tìm giải pháp tối ưu nhất về chi phí để tiếp tục tồn tại và phát triển, trong đó có trả mặt bằng rút về kinh doanh online. Nhưng kinh doanh online hiện nay cũng đang có một số vấn đề cần giải quyết và kiểm soát, đó là thẩm định chất lượng sản phẩm” – TS Trần Quang Thắng – Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM nhận định.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, chợ truyền thống cần thích ứng với nhu cầu và sở thích đang thay đổi của khách hàng trong thế giới hiện đại, đồng thời vẫn giữ được bản sắc và nét độc đáo riêng.
“Chợ truyền thống không chỉ là nơi buôn bán mà còn là một nét văn hóa phải lưu giữ, một số ngôi chợ còn gắn liền với lịch sử và là điểm nhấn của thành phố. Không thể để chợ truyền thống biến mất được, do đó cần có sự hỗ trợ, trợ giúp của Nhà nước” – TS Trần Quang Thắng nói.
Theo đó, một số biện pháp khả thi để duy trì, phát triển chợ truyền thống có thể là đổi mới mô hình kinh doanh để tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Chẳng hạn như cung cấp sản phẩm đa dạng, chất lượng với giá thành cạnh tranh hơn. Cung cấp các dịch vụ bổ sung như tham quan, ẩm thực, tổ chức các lễ hội, sự kiện tại chợ để thu hút du khách và người dân địa phương, đẩy mạnh du lịch. Tận dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng như cung cấp dịch vụ đặt hàng, giao hàng trực tuyến, các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu