Bước qua ranh giới
Hơn 20h hôm qua (8/9), cô bạn nhắn: “Anh bật VTV1 xem ngay!”. VTV1 đang chiếu phim tài liệu “Ranh giới” nói về cuộc chiến chống Covid-19 của các y, bác sĩ và bệnh nhân Bệnh viện Hùng Vương (thành phố Hồ Chí Minh).
Tôi xem và thực sự ấn tượng. Tôi sợ nếu tôi quay đâu đót sẽ bỏ lỡ một hình ảnh trôi qua. Tôi sợ nếu tôi trò chuyện với người nhà, một lời nói, một tiếng động của phim sẽ bị vuột mất. Rồi bàn tay tôi vô thức buông rơi chiếc điều khiển ti vi.
Dịch Covid-19 tôi đã được nghe kể nhiều, nhưng chưa từng được đối diện, Nhưng với những thước phim chân thực đến nghẹt thở này mới thấy hết được sự thảm khốc của đại dịch, ranh giới sự sống và cái chết quá mong manh. Và trên hết đó là hình ảnh của những “chiến sĩ áo trắng”, họ xứng đáng là những anh hùng trong cuộc chiến chống Covid.
Một hình ảnh trong bộ phim tài liệu “Ranh giới”. |
Trong khu K1 (nơi điều trị các sản phụ là F0) của Bệnh viện Hùng Vương, các y, bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, tên họ được ghi sau lưng áo để nhận biết. Bên cạnh những tiếng “píp, píp” của máy là những bước chân hối hả, là những tiếng “lẹ lên” “ô xy” là những tiếng thở dài vì các đầu dây cần trợ giúp đều bận.
Ở đó có những tiếng khóc của sản phụ khi được bác sĩ nối máy nói chuyện với chồng. Tiếng khóc của người cha khi đến nhận đồ của con gái vừa qua đời… và tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ.
Những y, bác sĩ làm xuyên đêm, họ ngồi bóp bóng (vì thiếu máy thở) mong giữ lại sự sống cho bệnh nhân, họ ép tim cho bệnh nhân đến rã rời và luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm.
Tính đến 1/9 cả bệnh viện có tới 125 cán bộ, nhân viên y tế trở thành F0. Liệu khi cứu chữa cho bệnh nhân, họ có nghĩ mình sẽ bị lây nhiễm? Khi để những bệnh nhân vuột khỏi tay, họ có nghĩ một ngày chẳng may sẽ là mình? Chắc là có, vì họ cũng là con người. Nhưng những thước phim ghi lại cảnh họ làm việc hối hả, đối mặt với hiểm nguy thì dường như họ đã bước qua ranh giới của sự sợ hãi, giữa sự sống và cái chết.
Nữ hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang cùng con trai bị nhiễm Covid-19, đang điều trị nhưng chị vẫn đau đáu: “Chị vừa “ra trận” được mấy hôm thôi mà bị như vậy, chị tiếc lắm vì chị muốn cống hiến được nhiều hơn. Hy vọng chị khỏe để về làm việc vì công việc ở bệnh viện còn rất là nhiều, nhiều dữ lắm”. Covid không làm chị ngục ngã, chị sẽ sớm trở lại “trận địa” cùng những đồng đội của mình.
“Ranh giới” đã lấy nước mắt của hàng triệu khán giả và có những người “không dám xem hết vì đau xót quá”. Xem “Ranh giới” để chúng ta trân quý cuộc sống, để chúng ta sống có trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng. Xem “Ranh giới” chúng ta thấy xót thương nhưng không bi lụy. Nhiều người xem xong “Ranh giới” tự răn mình và người nhà phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp chống dịch.
Và ekip làm “Ranh giới” cũng bước qua lằn ranh của sự sợ hãi, dấn thân để ghi lại những thước phim chân thật nhất về sự thảm khốc của đại dịch, về cuộc chiến chống dịch Covid của những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu và những bệnh nhân trở nặng. Đến cái chết họ còn không nghĩ ngợi thì chúng ta đừng “đắn đo” khi luận công của họ.
Nguồn: Báo lao động thủ đô