Bước đầu “hái quả” nhờ chuyển đổi số

Dấu ấn chuyển đổi số

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, toàn Thành phố hiện có 2.913 trường (mầm non, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học) với gần 2,3 triệu học sinh, nên ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội xác định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; góp phần vào hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số – kinh tế số – xã hội số.

Bước đầu “hái quả” nhờ chuyển đổi số
Thời gian qua, các nhà trường đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học. (Ảnh minh họa: P.T)

Theo ghi nhận, để việc ứng dụng công nghệ thông tin trở thành nếp quen trong dạy và học, năm học 2023 – 2024, các trường học trên địa bàn Thành phố đã tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh sử dụng kho học liệu số của ngành. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Thủ đô cũng chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế. Chính vì thế, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học với 97,6% học sinh khối 1 đến khối 4 được tạo thành công học bạ số (bằng hơn 2 lần mức trung bình của cả nước đạt 41%).

Cũng trong năm học 2023 – 2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai chương trình ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trên ứng dụng HANOI ON và phát sóng trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10 Trung học phổ thông cho 71.545 học sinh (đạt tỷ lệ 100%); đăng ký thi tốt nghiệp Trung học phổ thông có 102.095 học sinh đăng ký (đạt tỷ lệ 100%).

Đối với tuyển sinh trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh lớp 1, lớp 6 năm học 2024 – 2025, thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì song song hai hình thức tuyển sinh là trực tuyến (thông qua Cổng thông tin điện tử đăng ký tuyển sinh đầu cấp của Thành phố tại địa chỉ https://tsdaucap.hanoi.gov.vn) và trực tiếp tại các nhà trường. Để công tác tuyển sinh trực tuyến diễn ra thông suốt, đảm bảo tiến độ và chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị các đơn vị chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân sự và các điều kiện để triển khai vận hành chính thức Hệ thống tuyển sinh trực tuyến (phòng tuyển sinh, máy tính, máy in, quy trình, phân công cụ thể nội dung công việc, bố trí cán bộ trực tuyển sinh để hỗ trợ phụ huynh học sinh đăng ký tuyển sinh…); đồng thời vận hành thử nghiệm hệ thống từ ngày 15/6 đến hết ngày 17/6 để phụ huynh làm quen với cách thức đăng ký.

Nâng cao nhận thức

Là một trong những đơn vị tiên phong, tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành GD&ĐT Thủ đô, những năm qua, ngành GD&ĐT quận Ba Đình đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác quản lý cũng như giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo tiền đề quan trọng để ngành GD&ĐT có sự phát triển vững chắc trong xu thế “số hoá” hiện nay.

Ghi nhận tại Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình), nhà trường đã thực hiện hiệu quả mô hình “Điểm danh học sinh qua thẻ từ”. Theo đó, nhà trường đã triển khai lắp đặt máy quét ở những vị trí thuận lợi từ cổng trường cho đến các hành lang lớp học để thực hiện quản lý chuyên cần của học sinh bằng phương pháp quét thẻ từ. Với phương pháp này, nhà trường có thể dễ dàng tổng hợp, báo cáo chi tiết thời gian ra, vào của học sinh; từ đó việc quản lý học sinh của Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm dễ dàng hơn rất nhiều. Các học sinh cũng có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến trường.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, quận đã đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại như: Màn LED sân trường, mạng Internet với cáp quang và wifi cùng hệ thống cơ sở vật chất về công nghệ thông tin như máy tính, loa… để hỗ trợ công tác quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá (được trang cấp miễn phí từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, quận Ba Đình và nhà trường chủ động đầu tư, thuê, mua…). 100% trường học được trang bị hệ thống camera giám sát tại các khu vực xung yếu về an ninh, khu vực hành lang, sân trường, trong các lớp học, các phòng bộ môn, sân chơi bãi tập… góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trường học.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học, kiểm tra, đánh giá trong tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, bao gồm kho học liệu số, bài giảng E-learning, hệ thống học tập trực tuyến… Màn hình lớn được trang bị trong từng lớp học giúp bài giảng của giáo viên được thể hiện sinh động hơn, tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học.

Tại Trường Mầm non Tựu Liệt (huyện Thanh Trì), nhờ có công nghệ thông tin, nhà trường có thể dễ dàng phối kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức các lớp kiến tập mà phụ huynh có thể tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức lớp kỹ năng sống được phát trực tiếp và cập nhật kịp thời trên website và nhóm mạng xã hội của nhà trường để phụ huynh tiện theo dõi…

Xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu mới, những thách thức mới trong xu thế hội nhập quốc tế, thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các đơn vị, nhà trường tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu GD&ĐT nhằm nâng cao tiện ích và hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục; triển khai học bạ số; xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ hướng đến văn bằng số, chứng chỉ số.

Phạm Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích