Bụi mịn ở TP.HCM vượt chuẩn, cảnh báo hàng loạt bất lợi tác động sức khỏe
Bụi mịn ở TP.HCM vượt chuẩn, cảnh báo hàng loạt bất lợi tác động sức khỏe
Những ngày gần đây, chỉ số quan trắc cho thấy chất lượng không khí tại TP.HCM không tốt, trong đó sự hiện diện của bụi mịn PM10, PM2.5 ở mức không đạt chuẩn.
Bụi mịn vượt chuẩn cùng lúc tăng người mắc bệnh đường hô hấp
Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cuối tháng 12-2023 cho thấy bụi lơ lửng, bụi mịn vượt chuẩn.
Các số liệu này được quan trắc hằng ngày, bụi lơ lửng (TSP) có 19,4% số liệu vượt quy chuẩn Việt Nam. Đồng thời có 4,5% số liệu của nồng độ bụi mịn PM10, PM2.5 không đạt quy chuẩn.
Cùng với chất lượng không khí tại TP.HCM kém như những ngày qua là thời điểm ghi nhận nhiều người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp nhiều hơn các thời điểm trong năm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng cảnh báo các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tăng cao dịp này.
Bà Lê Thị Xuân Lan – nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ – cảnh báo cuối năm xe cộ nhiều, việc xây dựng sửa chữa nhà cửa tăng cao đã phát tán lượng bụi vào không khí. Lớp mù báo hiệu chất lượng không khí không tốt.
Mù khô cộng với gió mạnh, chất ô nhiễm nằm tầm thấp khiến chúng ta hít thở vào gây ảnh hưởng sức khỏe. Do đó thời điểm này nhiều người sẽ bị ho, nghẹt mũi, khó thở.
TS Nguyễn Ngọc Minh – giảng viên bộ môn tai – mũi – họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – cho hay ô nhiễm môi trường không khí là sự có mặt một chất lạ hoặc một sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí, làm cho không khí không sạch, giảm thị lực khi nhìn xa do bụi, có ảnh hưởng xấu đến con người và các sinh vật.
Bụi là một hỗn hợp phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn bay lơ lửng trong không khí. Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter, ký hiệu PM.
Các hạt bụi mịn có kích thước siêu vi được biết đến nhiều nhất là PM10 (các hạt bụi có kích thước đường kính từ 2.5 tới 10 µm) và PM2.5 (các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm). µm là viết tắt của micromet, kích thước bằng một phần triệu mét.
Tích tụ lâu ngày, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh
Cũng theo bác sĩ Minh thông tin, đa phần các hạt bụi mịn PM2.5 và PM10 được tạo ra từ các hoạt động của con người qua việc đốt than củi, đốt nhiên liệu hóa thạch, bụi từ các công trình xây dựng, bụi đường phố, đốt rác thải, khói máy công nghiệp, phá rừng, hút thuốc.
Vậy chúng gây hại cơ thể như thế nào?
Bác sĩ Minh cho hay PM2.5 và PM10 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, nhưng mức độ xâm nhập khác nhau tùy theo kích thước hạt bụi.
Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi thì PM2.5 nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.
Khi PM2.5 và PM10 tích tụ lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ phát bệnh ở hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ tuần hoàn và cả hệ sinh sản của con người.
Bác sĩ Minh lưu ý nhóm đối tượng nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nhiều nhất của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 và PM10 là trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người có bệnh tim hoặc các vấn đề về hô hấp.
Trẻ nhỏ sống ở những nơi ô nhiễm không khí nặng khó phát triển chiều cao toàn diện và có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn từ 19 – 25% so với bình thường.
Sống nơi không khí có bụi mịn, phòng cách nào?
Để phòng tránh và khắc phục môi trường không có bụi mịn, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh cho rằng điều đầu tiên là cần sự chung tay của toàn thể xã hội qua việc có ý thức vệ sinh môi trường (không xả và đốt rác, dọn vệ sinh nhà ở, khu phố…); trồng thêm cây xanh; ưu tiên đi phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân, dùng nhiên liệu sạch…
Đối với mỗi cá nhân, luôn đeo khẩu trang khi ra đường, tốt hơn là khẩu trang chuyên dụng như N95, N99 vì chúng có khả năng lọc bụi mịn, vi rút, vi khuẩn cùng các tác nhân gây hại trong không khí ô nhiễm, dùng máy lọc không khí cho gia đình và văn phòng làm việc. Ngoài ra, nên tập thể dục và ăn uống điều độ để nâng cao sức đề kháng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị