Bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023
Trong đó, nổi bật về kinh tế đó là: lạm phát tuy đã có xu hướng giảm nhưng vẫn neo ở mức cao; nhiều quốc gia, trong đó có những nền kinh tế lớn (như Mỹ, EU) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; Thương mại, đầu tư sụt giảm, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và thấp hơn nhiều giai đoạn trước đại dịch Covid-19; các chuỗi cung ứng đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào biến động mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, các xu thế mới, điều kiện, tiêu chuẩn trong sản xuất kinh doanh tiếp tục thay đổi nhanh, tác động sâu rộng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu về chuyển đổi số, phát triển xanh, thuế tối thiểu toàn cầu… đã làm thay đổi cách thức vận hành của doanh nghiệp.
Nền kinh tế nước ta nói chung, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng tuy có nền tảng phát triển qua hơn 35 năm đổi mới nhưng vẫn đang trong quá trình chuyển đổi; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức cạnh tranh chưa cao, nguồn lực còn hạn chế, độ mở nền kinh tế lớn nên bị tác động nhiều bởi diễn biến tình hình kinh tế bên ngoài. Dù vậy, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước năm 2023 tiếp tục có tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận các doanh nghiệp hiện nay gặp không ít khó khăn, vướng mắc như nhận định “phải gồng mình trong tình cảnh đầy khốc liệt”.
Tình hình thế giới năm 2023 có nhiều biến động nhanh, phức tạp, tác động trên quy mô toàn cầu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Quý I/2023 tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022 (33.191 doanh nghiệp).
Trong các quý tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng, luôn ở mức trên 40 nghìn doanh nghiệp, là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay. Quý IV/2023 có 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 (159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp. Con số này thực sự ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.
Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các Quý của năm 2023: Quý I đạt 310.331 tỷ đồng; Quý II 379.319 tỷ đồng trong Quý III và Quý IV đã tăng lên mức 434.483 tỷ đồng.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 là 1.052.575 lao động, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Theo khu vực kinh tế, năm 2023 có 1.776 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 9,3% so với năm 2022; 38 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 4,8%; 119,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 8,3%.
Tính chung trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hay giải thể trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm, tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng).
Để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội đất nước trong năm 2024 cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng:
Về đầu tư: bao gồm cả đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trọng tâm là các dự án, công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia; lấy đầu tư công làm vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân; đồng thời, huy động hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài, nhất là FDI có quy mô lớn, công nghệ cao;
Về xuất khẩu: Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)…; khai thác thị trường Halal để mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng;
Về tiêu dùng: Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thực hiện kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước… Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như tranh thủ cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới Hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Thứ ba, tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong đó:
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Trong đó lưu ý tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi.
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Cụ thể đối với ngành công nghiệp – xây dựng: Tập trung phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn, công nghiệp phụ trợ. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D).
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình xây dựng; tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức và giá xây dựng… Tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp. Hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Thứ tư, phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ, thị trường năng lượng…
Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ trong các ngành công nghiệp chiến lược và trong lĩnh vực mới nổi như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn…
Hoàng Dương