Bức tranh nông nghiệp toàn cảnh quý III: sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy vẫn duy trì tăng trưởng ổn định

Chăm sóc rau thủy canh bảo đảm an toàn thực phẩm tại xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn). Ảnh- Quỳnh Ngọc
Chăm sóc rau thủy canh bảo đảm an toàn thực phẩm tại xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn). Ảnh Quỳnh Ngọc.

Ước tính năng suất lúa hè thu cả nước năm nay đạt 56,4 tạ/ha

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất lúa, tính đến trung tuần tháng 9/2022, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.505,3 nghìn ha, bằng 100,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.023,8 nghìn ha, bằng 98,3%, các địa phương phía Nam đạt 481,5 nghìn ha, bằng 104,3%.

Tuy nhiên, diện tích gieo cấy lúa mùa miền Bắc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế từ canh tác lúa không cao nên người dân giảm diện tích gieo trồng. Vụ lúa hè thu cả nước gieo cấy được 1.915,6 nghìn ha, giảm 38,6 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước, trong đó giảm chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 32,9 nghìn ha do chi phí đầu vào tăng cao nên người dân giảm diện tích xuống giống và chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, cho năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, trồng cỏ hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tính đến ngày 15/9/2022, các địa phương đã thu hoạch được 1.830,1 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 95,5% diện tích gieo cấy và bằng 100,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.440,7 nghìn ha, chiếm 97,6% và bằng 100,6%.

Theo báo cáo của các địa phương, ước tính năng suất lúa hè thu cả nước năm nay đạt 56,4 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2021; sản lượng đạt 10,8 triệu tấn, giảm 340 nghìn tấn.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy được 574 nghìn ha lúa thu đông, bằng 93,7% cùng kỳ năm trước do mưa lớn ngập nhiều nên người dân tạm cho đất nghỉ ngơi, mở ruộng đón phù sa chuẩn bị cho vụ đông xuân 2022-2023 sắp tới.

Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật và quy trình canh tác tiên tiến để giảm bớt chi phí sản xuất; theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh; hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng giống lúa chất lượng cao.

Số liệu từ Tổng cục Thống kế, “tổng diện tích cây lâu năm ước đạt 3.656,2 nghìn ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.198,3 nghìn ha, tăng 0,8%; nhóm cây ăn quả đạt 1.162,6 nghìn ha, tăng 2,3%”.

Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích gieo trồng các loại cây hoa màu hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm trước do thời tiết không thuận lợi, nhiều vùng bị ngập úng cùng với đó là hiệu quả kinh tế từ các loại cây như ngô, khoai lang, lạc không cao nên nông dân thu hẹp sản xuất.

Sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chè búp đạt 891,9 nghìn tấn, tăng 0,7%; cao su đạt 841,3 nghìn tấn, tăng 3,2%; hồ tiêu đạt 267,6 nghìn tấn, tăng 0,5%. Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả đều tăng khá: Chuối đạt 1.832,5 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; cam đạt 989,6 nghìn tấn, tăng 10,1%; xoài đạt 812,4 nghìn tấn, tăng 3,3%; nhãn đạt 531,7 nghìn tấn, tăng 3,5%; bưởi đạt 527,8 nghìn tấn, tăng 6%.

Riêng thanh long đạt 701,1 nghìn tấn, giảm 9,6% do giá bán giảm, lượng xuất khẩu thấp nên người dân không chăm bón; nhiều vườn cây thanh long đến tuổi già cỗi, người dân chưa trồng lại.

Đối với ngành chăn nuôi, Tổng cục Thống kê cho biết chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục nhanh do dịch bệnh kiểm soát tốt, chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao, đặc biệt đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Người chăn nuôi cần tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có để thay thế một phần thức ăn công nghiệp, đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn.

Về sản xuất lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước trong quý 3/2022 ước đạt 71,3 nghìn ha, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 23,5 triệu cây, tăng 4,1%.

Tính chung 9 tháng năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 191,2 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 70,4 triệu cây, tăng 5,4%.

Sản lượng gỗ khai thác tăng cao so với cùng kỳ năm trước do rừng đến tuổi khai thác, giá gỗ tăng và nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến được khôi phục trở lại. Cụ thể, sản lượng gỗ khai thác trong quý 3 đạt 5.216,6 nghìn m3, tăng 6,6% so với quý III năm 2021. Ngoài ra, sản lượng củi khai thác đạt 4,4 triệu ste, tăng 0,2%. “Lũy kế 9 tháng, sản lượng gỗ khai thác đạt 13,7 triệu m3, tăng 6,2%; sản lượng củi khai thác đạt 13,9 triệu ste, tăng 0,5%”.

Sản lượng thủy sản khai thác quý 3 ước đạt 1.062,5 nghìn tấn

Thông tin về ngành thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết, sản lượng thủy sản quý III ước đạt 2.406 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

“Tính chung 9 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 6.602,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước Bao gồm: Cá đạt 4.751,2 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 886,6 nghìn tấn, tăng 8,8%; thủy sản khác đạt 965 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước”.

Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng quý 3 ước đạt 1.343,5 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.611,2 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: cá đạt 2.415,6 nghìn tấn, tăng 6,5%; tôm đạt 777,6 nghìn tấn, tăng 10,4%; thủy sản khác đạt 418 nghìn tấn, tăng 5,5%.

Nuôi trồng cá tra phát triển khá do giá cá tra nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng trong những tháng gần đây  và nhu cầu thị trường thế giới cũng tăng cao. Sản lượng cá tra quý 3 ước đạt 367 nghìn tấn, tăng 10,1% so cùng kỳ; tính chung 9 tháng đạt 1.139,5 nghìn tấn, tăng 10,9%.

Giá tôm nuôi cao và duy trì ở mức ổn định  người nuôi có lãi và việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng tôm sú quý 3 đạt 84,2 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 233,3 nghìn tấn, tăng 10,9%.

Tính chung 9 tháng năm 2022, sản lượng tôm sú đạt 202,1 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 533 nghìn tấn, tăng 14,3%.

Sản lượng thủy sản khai thác quý 3 ước đạt 1.062,5 nghìn tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.991,6 nghìn tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Do giá nhiên liệu tăng cao cùng với tình hình thời tiết ngư trường không thuận lợi vì ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới nên ngư dân hạn chế ra khơi hoặc cho tàu nằm bờ nên sản lượng thủy sản khai thác biển 9 tháng năm 2022 đạt 2.850,1 nghìn tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích