Bức tranh kinh tế “nhuốm màu” Covid-19
Kinh tế tháng 7: Gam màu xám lan rộng
Lại một lần nữa, cụm từ “Covid-19” được Tổng cục Thống kê sử dụng rất nhiều trong báo cáo về tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021. Dễ hiểu vì sao điều đó xảy ra, bởi quả thực, sau 3 tháng đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nặng nề và toàn diện, cả sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, dịch vụ… và ngay cả đầu tư nước ngoài, lẫn giải ngân vốn đầu tư công.
Có thể lấy rất nhiều con số để chứng minh điều này, rõ nhất là sản xuất công nghiệp. “Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, với biến chủng mới diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm nay”, Tổng cục Thống kê nhận định như vậy khi công bố số liệu thống kê về tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước đó và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 2 có số ngày làm việc ít nhất).
Tháng 7 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đặc biệt ở các tỉnh trọng điểm phía Nam. Đó cũng là lý do khiến IIP của nhiều địa phương khu vực này giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, TP.HCM giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%.
Mặc dù tính chung 7 tháng, IIP của cả nước vẫn tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020, nhưng lại thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019 và cũng thấp hơn mức tăng xấp xỉ hai con số của những tháng trước khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát. Covid-19 đã hãm đà tăng của sản xuất công nghiệp.
Sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng thì khó tránh xuất nhập khẩu không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường thế giới đang hồi phục, nên mức ảnh hưởng không lớn. Tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, con số đạt được vẫn là 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này đã giảm tốc so với mức tăng 29% của 6 tháng đầu năm.
Chưa kể, do xuất khẩu tăng thấp hơn xuất khẩu, nên 7 tháng, cán cân thương mại đã thâm hụt 2,7 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái, xuất siêu 8,69 tỷ USD. Đây là diễn biến rất đáng chú ý.
Các số liệu khác từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã “nhuốm màu” u ám lên bức tranh kinh tế tháng 7 và 7 tháng như thế nào. Ngay cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tâm lý tích trữ phòng cơ khiến giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao, nên CPI tháng 7 tăng tới 0,62% so với tháng trước.
Có một điểm tích cực hơn, là tính bình quân, CPI 7 tháng chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Và con số này đang tạo nhiều dư địa cho điều hành giá cả thị trường những tháng cuối năm. Nhiều khả năng, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định, lạm phát được duy trì dưới 4% – như mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, không nằm ngoài dự báo, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới sức mua của nền kinh tế. Tháng 7/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm tới 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, mức tăng chỉ là 0,7%. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số này giảm 0,74%, lại là giảm trên nền mức giảm 5,20% của cùng kỳ năm trước.
Sức mua của nền kinh tế là yếu tố rất quan trọng trong tạo động lực cho sản xuất – kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu sức mua giảm, một trong những yếu tố quan trọng của “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Không những thế, Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tới thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, tới giải ngân vốn đầu tư công, tới hoạt động của các doanh nghiệp. Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ.
Triển vọng nào cho kinh tế Việt Nam?
Dù gam màu xám đang có xu hướng lan rộng hơn, song thực tế, nền kinh tế vẫn đang có những tín hiệu tích cực. Xuất nhập khẩu vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt, với 7 tháng đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Thu – chi ngân sách 7 tháng cũng đảm bảo tiến độ theo dự toán ngân sách. Sản xuất nông nghiệp vẫn đang trong xu hướng tốt… Những yếu tố này sẽ góp phần quan trọng để kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng hồi phục trong những tháng tới đây.
Tuy vậy, Covid-19 tiếp tục là một ẩn số lớn đối với kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Tuần trước, khi thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế năm 2021, cũng như Kế hoạch 5 năm 2021-2025, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhấn mạnh rất nhiều về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sau khi đưa ra hai kịch bản tăng trưởng, 6% và 6,5%, như Quốc hội đã quyết nghị, hay theo mục tiêu Chính phủ đặt ra, đã nói rằng, khả năng tăng trưởng 6% trong năm nay là “khả thi” hơn.
Theo Bộ trưởng, việc nền kinh tế sẽ tăng trưởng 6% hay 6,5% trong năm nay phụ thuộc rất lớn vào kết quả phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp. “Nếu không ổn định được sản xuất – kinh doanh, thì cả hai mức tăng trưởng đó đều là thách thức”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.
Tuy nhiên, căn cứ vào các điểm thuận lợi, khó khăn, các yếu tố tác động cả trong và ngoài nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vẫn có khả năng đạt được các chỉ tiêu đó. Đấy cũng là lý do khi báo cáo Quốc hội, Chính phủ vẫn quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và phấn đấu đạt mức cao nhất có thể.
Phát biểu tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và cho rằng, năm 2021, phấn đấu tăng trưởng 6% là hợp lý và khả thi hơn.
Về vấn đề này, gần đây, các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay đạt 5,8%, thay vì con số 6,7% đã được đưa ra từ hồi tháng 4/2021. Tuy vậy, theo ADB, đây vẫn là mức tăng trưởng cao trong khu vực. Việt Nam có thể đứng vị trí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (dự báo tăng trưởng 6,3%).
Theo ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, công cuộc phục hồi sau đại dịch Covid-19 của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tiếp diễn, mặc dù con đường còn bấp bênh trong bối cảnh các đợt bùng phát mới.
Ngoài ADB, Standard Chartered cũng điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,7% xuống 6,5%. Theo Standard Chartered, khả năng kiểm soát dịch Covid-19 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn.
Trong khi đó, có một điểm tích cực là, cách đây ít ngày, khi công bố dự báo của mình, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, nhưng vẫn giữ nguyên mức dự báo về tăng trưởng của Việt Nam. Hồi đầu tháng 4/2021, trước khi làn sóng dịch mới xảy ra, IMF dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021.
Việc hạ dự báo được IMF lý giải là vì sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm Covid-19 từ các biến thể mới và thách thức từ việc tiêm chủng chậm có thể làm ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi của khu vực./.