Brazil thả muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia để chống sốt xuất huyết
Brazil thả muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia để chống sốt xuất huyết
Brazil đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của sốt xuất huyết bằng cách thả loài muỗi mang vi khuẩn có khả năng kiểm soát virus gây bệnh.
Thành phố Rio de Janeiro của Brazil gần đây đã bắt đầu thả một số lượng lớn muỗi được cho nhiễm vi khuẩn Wolbachia. Vi khuẩn này được nhận định là có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của virus gây sốt xuất huyết.
Dự kiến, loài muỗi này sẽ làm giảm đáng kể việc lây nhiễm vì vi khuẩn Wolbachia có thể truyền sang muỗi thế hệ tiếp theo.
Thành phố Rio de Janeiro có kế hoạch vào tháng 8 năm nay sẽ thả khoảng 12 triệu con muỗi mang vi khuẩn Wolbachia.
Dự án này được thực hiện với sự giám sát của ông Gabriel Sylvestre, người đứng đầu văn phòng ở Brazil của Chương trình chống muỗi thế giới – 1 tổ chức phi lợi nhuận. Ông Sylvestre hy vọng sẽ mở rộng phương pháp cho muỗi nhiễm vi khuẩn này trên khắp đất nước Brazil.
Từ đầu năm tới nay, Brazil đã ghi nhận hơn 3,3 triệu trường hợp sốt xuất huyết và 1.457 trường hợp tử vong. Cả 2 con số này đã vượt quá tổng số người bệnh và tử vong của năm ngoái và là con số cao nhất kể từ khi bắt đầu thu thập con số thống kê về vấn đề này vào năm 2000.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến có thể gây ra nhiều biến chứng về sức khỏe. Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện giải pháp muỗi cấy vi khuẩn chống lây nhiễm sốt xuất huyết được thực hiện nhờ phương pháp phương pháp Wolbachia đã nhận được không ít sự chú ý bởi hiệu quả mà nó mang lại. Vậy, phương pháp Wolbachia là gì?
Phương pháp Wolbachia là gì?
Wolbachia là một loại vi khuẩn ký sinh ở động vật chân khớp, đặc biệt là côn trùng. Đây là một trong những vi sinh vật ký sinh phổ biến trong sinh quyển. Nó tương tác với vật chủ rất phức tạp và trong một số trường hợp đã tiến hóa thành cộng sinh chứ không phải ký sinh. Một số vật chủ không thể sinh sản hoặc thậm chí sống sót nếu không may bị nhiễm Wolbachia.
Phương pháp Wolbachia là phương pháp được thực hiện bằng cách cấy thành công vi khuẩn Wolbachia vào trứng loài muỗi vằn (Aedes aegypti), trứng này nở thành muỗi vằn có chứa vi khuẩn Wolbachia và tiếp tục sinh sản qua nhiều thế hệ. Bên trong cơ thể muỗi, vi khuẩn Wolbachia làm ức chế hoặc ngăn chặn sự xâm nhập và nhân lên của một số loại virus như virus sốt xuất huyết, virus Zika. Sau khi được thả ra ngoài, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giao phối, sinh sản và tồn tại trong môi trường tự nhiên.
Theo cơ chế lây truyền từ mẹ sang con, muỗi cái mang vi khuẩn Wolbachia giao phối với muỗi đực và đẻ trứng, trứng nở và mang vi khuẩn Wolbachia và tạo ra thế hệ muỗi tiếp theo mang mầm bệnh. Bằng cách này, quần thể muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ tăng dần trong tự nhiên. Từ đó giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm khác do muỗi gây ra. Mặt khác, khi một con muỗi cái không mang Wolbachia giao phối với một con muỗi đực mang Wolbachia, trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở (do cơ chế không tương thích tế bào chất) và nó sẽ giúp giảm số lượng muỗi truyền bệnh.
Nguồn gốc của phương pháp Wolbachia được phát triển trong nhiều thập kỷ qua bởi Chương trình Muỗi Toàn cầu phi lợi nhuận. Nó được thử nghiệm lần đầu tiên ở Úc vào năm 2011 và kể từ đó đã tiến hành thử nghiệm ở hơn chục quốc gia, bao gồm cả Brazil. Cuối năm 2023, Bộ Y tế Brazil công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất lớn để nhân giống muỗi cấy vi khuẩn chống lây nhiễm sốt xuất huyết ở Brazil. Nhà máy dự kiến có thể sản xuất 100 triệu trứng muỗi mỗi tuần trong vòng 10 năm tới. Giải pháp được kỳ vọng sẽ làm giảm sự lây lan của dịch bệnh sốt xuất huyết tại quốc gia này.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị