Bóng đá Việt Nam lần đầu ra “biển lớn”

Phải khẳng định rằng, trước năm 2018, dù có tiến bộ nhưng nền bóng đá nam Việt Nam vẫn là “điểm trũng” của bản đồ bóng đá khu vực. Sau năm 2018, với chiến tích ngôi á quân U23 châu Á ở Thường Châu- Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo khu vực và thế giới mới biết nhiều hơn đến bóng đá Việt Nam.

Từ chỗ, chỉ là “anh hai”, “anh ba”, thậm chí “anh tư” trong làng bóng đá khu vực Đông Nam Á, tuyển Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ lật đổ “ngôi vương” của Thái Lan và cứ thế đến thời điểm này “chen chân” vào tốp 12 đội mạnh nhất khu vực châu Á.

Bóng đá Việt Nam lần đầu ra
Dẫu có thua nhưng được trải nghiệm, được cọ xát trong môi trường bóng đá đỉnh cao sẽ giúp các cầu thủ trưởng thành hơn. (Ảnh: LĐ)

Không cần thống kê những thành tích trước, hai thành quả hiện tại là tuyển Việt Nam lần đầu tiên lọt vòng 3 (vòng loại cuối cùng World Cup 2022) qua cũng giúp tuyển Việt Nam hiên ngang lọt vào chung kết giải bóng đá châu Á (Asian Cup 2023) mà không cần phải đấu loại đã là một kỳ tích. Đặc biệt, “chỉ số” nâng tầm bóng đá Việt Nam trên trường khu vực châu Á cũng cao hơn nhiều. Trước đây, mỗi khi gặp các đội mạnh, đội trung bình khá trong khu vực, tuyển Việt Nam “chưa đá” đã biết thua, thì nay các “ông lớn” như Nhật Bản, Ả rập- xê út, Úc, Iran ngay cả Hàn Quốc có thắng tuyển Việt Nam cũng phải toát mồ hôi. Tự vị thế bị không được đánh giá cao, nay tuyển Việt Nam đã sang trang mới, đối thủ luôn dành sự tộn trọng, “cẩn trọng” mỗi khi ra sân thi đấu. Đây là một thành công lớn của riêng cá nhân HLV Park Hang-seo và lứa cầu thủ tài năng mà sâu xa là có sự đào tạo bài bản của các câu lạc bộ được đầu tư bởi các doanh nhân.

Tạm vượt qua “vùng trũng” của bóng đá khu vực Đông Nam Á, lần đầu bước chân ra “biển lớn”, ai trong số những người hâm mộ cũng muốn đội tuyển tiến xa hơn, cũng mong muốn tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại cuối cùng để có mặt ở sân chơi World Cup 2022. Nhưng đấy chỉ là mong muốn. Điều quan trọng phải nhìn vào thực lực của chính mình.

Hãy nhìn sang Trung Quốc, tuyển của họ được đầu tư rất nhiều tiền của nhưng mới một lần tham gia World Cup. Nay họ còn có cả chính sách nhập tịch cầu thủ, qua 4 vòng đấu loại cũng chỉ có trong tay 3 điểm. Tuyển Việt Nam thì thua cả 4 trận và tạm thời xếp cuối bảng. Cần nói lại một lần nữa thua- thắng là chuyện bình thường trong bóng đá. Quan trọng là chúng ta thua như thế nào? Góc nhín, ánh mắt của cổ động viên, “bàm phím” của bình luận viên nhìn vào đội tuyển ra sao mới là quan trọng.

Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, khi chúng ta để những trận thua đáng tiếc trước Ả rập-xê út (3-1), Úc (1-0) và đến trận thua ngược tuyển Trung Quốc 3-2 “sóng gió” bắt đầu nổi lên. Nhiều cổ động viên thì cảm thông, rằng với thực lực như vậy, chúng ta có thua song đá như thế cũng quá hay rồi. Nhưng cũng có luồng dư luận thì cực lực lên án, lên án đến mức trước trận chiến với Oman, tuyển Việt Nam phải chịu áp lực như đá trận chung kết cân não được mất.

Bóng đá như cuộc đời, hơn nhau ở góc nhìn nhân văn. Còn trong binh pháp, có hai điều tối kỵ. Trước khi ra trận trảm tướng và “chê quân”. Trước trận tuyển Việt Nam gặp Oman, tôi lại nhớ lại thời khắc mang con đi thi đấu cờ vua cấp quận. Trước khi đi, tôi có dặn con, thi đấu là giao hữu chứ không phải sự ăn thua, nên con vào thi đấu còn chứ bình tĩnh. Mà quả thật, nhìn qua ô cửa, thấy con thi đấu “cứ tửng từng tưng”, khi kết thúc, con được huy chương vàng. Còn đối thủ của con, vốn là một bạn được luyện cờ vua rất nhiều, chắc trước khi đi thi gia đình rất kỳ vọng. Chỉ biết, khi cháu bước ra, cháu đã bị cả bố lẫn mẹ mắng khóc nức nở.

Các cụ xưa từng nói “ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường còn lắm kẻ giòn hơn ta”. Lực không mạnh thì thi đấu, yếu tố tinh thần là vô cùng quan trọng. “Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”. Và vì thế, trước mỗi trận đấu, giá đội tuyển Việt Nam nhận được những lời động viên, cảm thông không đặt quá nhiều sức ép… chắc chắn trận đấu với tuyển Oman đã khác.

4 trận đã qua chúng ta còn 6 trận phía trước. Điều quan trọng bây giờ phải gạt bỏ kỳ vọng quá mức vào thắng- thua và bảng xếp hạng, tạm bằng lòng vì được lọt vào vòng thứ 3 World Cup là một kỳ tích. Thế nên, hãy để các cẩu thủ “được” đá bóng, hãy để HLV và ban huấn luyện được làm công việc chuyên môn của mình, đừng bắt họ “đá bóng”. 4 trận đấu vừa qua là sự cọ xát để từng cầu thủ trưởng thành hơn nữa trong môi trường bóng đá đỉnh cao và cũng để “biết mình là ai” để tự hoàn thiện mình. Đặc biệt trong bối cảnh vắng một loạt trụ cột vì vấn nạn chấn thương!

Lần đầu ra “biển lớn”, các cầu thủ mới thấy đại dương sâu và rộng thế nào. Lần đầu ra “biển lớn”, dẫu phải uống “no nước” nhưng sẽ giúp các cầu thủ hiểu thế nào là bơi và không bị chìm trong đại dương mênh mông. Lần đầu tiên ra “biển lớn”, các cầu thủ sẽ biết tự hoàn thiện mình, cảm ơn những lời động viên và phản biện khách quan mang tính khoa học, vượt qua những bình phẩm để tiến về phía trước.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích