Bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Tham dự lớp bồi dưỡng có ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban cùng 150 cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc các đơn vị.

Trao đổi tại lớp bồi dưỡng, Quyền Chủ tịch Ủy ban Hà Minh Hiệp cho biết, hoạt động dịch vụ tại Ủy ban thời gian qua có nhiều biến động. Một trong những vấn đề là chưa tạo được thể thống nhất để phát triển, chưa có tư duy bán hàng, tỷ lệ giữ chân khách hàng trong hoạt động dịch vụ còn hạn chế. Chính những vấn đề này khiến cho hoạt động dịch vụ STAMEQ kém phát triển trong nhiều năm.

Để thay đổi hoạt động dịch vụ tại Ủy ban, ông Hiệp đề ra 11 vấn đề để thay đổi tư duy. Trong đó, một là, phải phân biệt được thuật ngữ cơ bản về PR, về Marketing; Hai là, chủ động thay vì bị động, mang giá trị tốt đẹp đến xã hội thay vì chỉ lợi ích riêng; Ba là, bán hàng dịch vụ phải có tư duy đề ra giải pháp, mang lại trải nghiệm cho khách hàng; Bốn là, thay đổi cách tiếp thay vì chỉ nghĩ đến lợi nhuận; 

Năm là, quản lý doanh số bán hàng hàng ngày; Sáu là, tất cả đều phải trở thành người bán hàng, đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu; Bảy là, phải có tư duy làm gương (đối với lãnh đạo, quản lý các đơn vị); Tám là, tư duy bán lợi ích không bán tính năng; Chín là, tạo ra hệ sinh thái thống nhất; Mười là, kết hợp dịch vụ mới với dịch vụ đang chiếm lợi thế; Mười một là, phải có kế hoạch làm việc lâu dài. 

“Cơ chế thị trường có nhiều thay đổi, để nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ cần phát huy và nhận diện được tiềm năng của khách hàng”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Tại buổi bồi dưỡng, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy đã chia sẻ về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đánh giá sự phù hợp. Theo bà Hương, hiện nay Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa có trên 50 Nghị định do Chính phủ ban hành và 03 Quyết định do Thủ tướng ban hành cùng 200 Thông tư và 07 Thông tư liên tịch do các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành. Đồng thời có 300 QCVN để quản lý sản phẩm hàng hóa nhóm 2; hơn 1900 tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm hàng hóa, trong đó, gần 1400 tiêu chuẩn thử nghiệm, hơn 200 tiêu chuẩn kiểm định, 210 tiêu chuẩn chứng nhận, gần 100 tiêu chuẩn giám định.

Trước hiện trạng trên, bà Hương cho biết, vẫn còn tồn tại hạn chế, trong đó, về xác định SPHH nhóm 2 xuất hiện bất cập về ban hành Danh mục, không rõ cơ sở khoa học, chuyển từ hàng hóa nhóm 2 thành hàng hóa nhóm 1. Về kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, bất cập trong công tác quản lý SPHH giao cho nhiều Bộ, ngành; việc kiểm tra chất lượng SPHH trong sản xuất, lưu thông còn có khó khăn; Việc kiểm tra chất lượng của một số Bộ, ngành chưa theo quy định Luật CLSPHH; Một số bộ, ngành chưa triển khai đồng bộ, thống nhất toàn bộ thủ tục hành chính kiểm tra chất lượng chất lượng trên cơ chế một cửa quốc gia. Một số quy định của Luật CLSPHH chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong hoạt động kiểm tra.

Về ứng dụng công nghệ có bất cập như mã số mã vạch chỉ là một trong nhiều công cụ để quản lý chất lượng SPHH và ghi nhãn điện tử; Nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Thái Lan,…) cũng ứng dụng công nghệ, trong đó MSMV để QLCL và ghi nhãn điện tử; Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp TXNG điện tử.

Về hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, giám định, bất cập trong chồng chéo về quản lý chất lượng hiện chưa có cơ chế thừa nhận kết quả ĐGSPH giữa các Bộ, ngành; chấp nhận kết quả ĐGSPH tại nước ngoài; Chưa có quy định cách xử lý, xác định thử nghiệm kiểm chứng; Việc quy định đăng ký hiện nay chưa phù hợp với chuyển đối số và hội nhập quốc tế; Chưa quy định quản lý hoạt động đào tạo ĐGSPH…

Trước những bất cập trên, bà Hương đưa ra một số vấn đề mới cần nghiên cứu, xem xét như mối quan tâm của doanh nghiệp về thương mại, chất lượng, lợi nhuận sản xuất, phân phối, mua hàng, hợp đồng, đặc tính kỹ thuật; Mối quan tâm của xã hội về sức khỏe, an toàn, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, thương mại công bằng, yêu cầu của pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, quan điểm phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và hội nhập quốc tế; Chuyển đổi 2D tới năm 2027 và phát triển tiềm năng ứng dụng của mã 2D; Phát triển nhãn điện tử, khí nhà kính, quản lý hóa chất theo chuỗi cung ứng; sản phẩm dịch vụ Halal…

Về định hướng sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, hiện có 04 chính sách: thứ nhất là sửa đổi xác định SPHH nhóm 2 và hoạt động kiểm định chất lượng SPHH; thứ hai, ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc SPHH; Thứ ba, phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; thứ tư, tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng SPHH, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trong khuôn khổ lớp bồi dưỡng, ông Đoàn Thanh Thọ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra chia sẻ về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Theo đó, hiện có 12 hành vi tham nhũng bao gồm tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Đề ra giải pháp phòng chống hành vi tham nhũng, theo ông Thọ hiện có 5 nhóm giải pháp. Theo đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội; tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Các diễn giả trình bày tại buổi bồi dưỡng.

Chia sẻ về kế hoạch công tác PCTNTC của Ủy ban trong năm 2024, theo ông Thọ, Ủy ban cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện; Tổ chức triển khai, thực hiện công tác PCTNTC; Tăng cường phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng gắn với công tác PCTNTC; Thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực; Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực; Công tác tổ chức, cán bộ; Thực hiện kê khai, công khai về tài sản, thu nhập.

Trình bày về hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định hướng hội nhập quốc tế tại buổi bồi dưỡng, ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn nhận định, theo số liệu thống kê, những năm gần đây, hơn 80% giá trị/lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn; 84% tổ chức thương mại sử dụng tiêu chuẩn trong các chiến lược/hoạt động xuất khẩu của mình; Hiện có hơn 1 triệu tiêu chuẩn (quốc tế, khu vực, quốc gia, cơ sở) đã được xây dựng, công bố và áp dụng trên thế giới; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình/thủ tục đánh giá sự phù hợp có thể trở thành rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong nhiều trường hợp nhất định (EVFTA…). “Có thể thấy, tiêu chuẩn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội”, ông Khôi nhấn mạnh.

Phân biệt giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ông Khôi cho biết, tiêu chuẩn mang tính tự nguyện áp dụng, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, sự đồng thuận của các bên liên quan, quy định các yêu cầu kỹ thuật được sử dụng làm chuẩn đối sánh; tiêu chuẩn do Bộ KH&CN công bố (trừ các đối tượng đặc thù).

Trong khi đó, quy chuẩn kỹ thuật quy định mang bắt buộc áp dụng, do yêu cầu quản lý nhà nước; QCKT quy định các yêu cầu mang tính giới hạn (trên hoặc dưới); Quy định trực tiếp các mức, chỉ tiêu kỹ thuật hoặc viện dẫn đến tiêu chuẩn; QCKT do các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành.

Buổi bồi dưỡng thu hút đông đảo học viên tham dự.

Trong khuôn khổ lớp bồi dưỡng, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường đã chia sẻ về hiện trạng và định hướng quản lý nhà nước về đo lường. Theo đó, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường có 04 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 16 Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thời gian qua, hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong năm 2023, đã tiến hành 19 đoàn kiểm tra (10 đoàn theo kế hoạch và 09 đoàn đột xuất), xử lý VPHC đối với 06 tổ chức (thu NSNN 240.000.000 đồng). Đầu năm 2024, đoàn kiểm tra đột xuất 01 tổ chức và xử phạt vi phạm hành chính 20.000.000 đồng. Kết quả tổ chức thực hiện pháp luật về đo lường nêu trên đã khẳng định vai trò của đo lường trong sự phát triển KT-XH: Đảm bảo chính xác, thống nhất; Minh bạch, khách quan, công bằng giữa các bên trong mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ; 

Là công cụ đắc lực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp… Cụ thể như: Bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống (điện năng, xăng, dầu, khí, nước sạch, vàng bạc, đá quý, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi, dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường hàng không…);

Hạn chế tối đa việc phát sinh các khiếu kiện giữa tổ chức, cá nhân trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nêu trên; Giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất thải gây ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường;

Giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu; Giúp doanh nghiệp kiểm soát, điều chỉnh quá trình công nghệ, hạn chế thất thoát nguyên vật liệu, giảm giá thành;

Giúp bác sỹ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân…; Giúp cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật (vi phạm về quá tải ô tô, quá tải đường bộ, hành vi gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vàng, kiểm soát tai nại giao thông (vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở, phương tiện giao thông chạy quá tốc độ,…).

Tại buổi bồi dưỡng, bà Nguyễn Hải Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã chia sẻ một số nội dung trong công tác tổ chức cán bộ của Ủy ban.

Lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng được tổ chức với mục đích cung cấp kiến thức liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của Ủy ban TCĐLCLQG; thông tin tổng quan về lĩnh vực hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, đánh giá hợp chuẩn hợp quy, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Kết thúc khóa đào tạo, các học viên sẽ làm bài thu hoạch và được cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích